Chứng kiến khoảnh khắc cô dâu chú rể sánh bước vào lễ đường, trao nhau lời thề nguyện dưới ánh đèn lãng mạn và tiếng nhạc du dương, người họa sĩ đứng lặng lẽ ở một góc phòng, cần mẫn ghi lại khung cảnh hạnh phúc ấy. Thay vì những bức ảnh kỹ thuật số vô hồn, những bức tranh sơn dầu sống động đang dần trở thành món quà kỷ niệm độc đáo và ý nghĩa mà các cặp đôi muốn lưu giữ ngày trọng đại của mình.
Họa sĩ vẽ tranh trực tiếp tại tiệc cưới là một nghề mới mẻ đang thu hút sự chú ý tại Trung Quốc
Xiao Feng, một họa sĩ thuộc thế hệ Gen Z đến từ tỉnh Chiết Giang, chia sẻ sự lạc quan về sự phát triển của nghề này. "Tôi cảm nhận rõ ràng sự công nhận của thị trường đối với nghề này đang ngày càng tăng lên", cô nói. Tháng 5 vừa qua, mùa cưới cao điểm, cô đã nhận tới 4 đơn đặt hàng và đáng chú ý hơn, lịch vẽ của cô trong tháng 10 đã hoàn toàn kín chỗ.
Với nền tảng chuyên môn về hội họa sơn dầu, Xiao Feng nhận thấy đây là phương tiện phù hợp nhất để tái hiện không khí trang trọng và ấm áp của tiệc cưới. "Sơn dầu tạo hiệu ứng 3 chiều mạnh mẽ, phù hợp với phong cách tả thực và lớp màu dày dặn có thể bảo quản được rất lâu. Phong cách tổng thể vừa sang trọng lại vừa trẻ trung, đáp ứng được thị hiếu của giới trẻ", cô giải thích. Dựa trên phản hồi tích cực từ các cặp đôi, các họa sĩ trong ngành hiện nay chủ yếu sử dụng sơn dầu hoặc acrylic có hiệu ứng tương tự.
Để hoàn thành một bức tranh sơn dầu cần khoảng 4-6 tiếng, Xiao Feng thường đến địa điểm tổ chức tiệc cưới sớm hơn 3 tiếng để chuẩn bị canvas, màu vẽ và quan sát bối cảnh. "Thời gian vẽ trực tiếp rất eo hẹp. Đến sớm giúp tôi có thời gian quan sát bối cảnh, chuẩn bị trước những chi tiết có thể vẽ, đó là một kỹ năng nghề cơ bản của họa sĩ vẽ tranh cưới", cô chia sẻ.
Tại một đám cưới ở Ninh Ba, Xiao Feng đã tỉ mỉ quan sát và vẽ lại biểu cảm của hơn 60 người thân và bạn bè của cặp đôi, đồng thời mời mọi người ký tên lên bức tranh. Cô dâu đã bày tỏ sự xúc động: "Bức tranh mang lại cho tôi sự xúc động vượt xa những gì có thể diễn tả bằng lời. Một tháng sau nhìn lại, dường như tôi vẫn cảm nhận được không khí của ngày cưới hôm đó".
Sau hơn một năm làm nghề, Xiao Feng nhận thấy những lời khen ngợi từ các cặp đôi không chỉ đơn thuần về kỹ thuật vẽ, mà còn về sự xúc động mà bức tranh mang lại. "Đây chính là ý nghĩa tồn tại của họa sĩ vẽ tranh cưới: vượt qua giới hạn của khung hình, biến khoảnh khắc này thành vĩnh cửu", cô nhấn mạnh.
He Xuerong, tốt nghiệp cử nhân chuyên ngành màu nước tại Học viện Mỹ thuật Hồ Bắc, cũng là một họa sĩ vẽ tranh cưới có thu nhập ổn định. Sau nhiều công việc liên quan đến nghệ thuật, cô bắt đầu làm nghề tự do và kiêm thêm công việc vẽ tranh cưới từ năm 2023.
Mức phí cho một bức tranh vẽ tại tiệc cưới dao động từ 2.000 đến 5.000 tệ (khoảng 7-18 triệu đồng). Vào mùa cao điểm, thu nhập hàng tháng của He Xuerong có thể lên tới 20.000 tệ, đến từ các đơn đặt hàng trực tiếp và các công ty tổ chức tiệc cưới ủy thác.
Sau hai năm làm nghề, He Xuerong tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý báu. Tại một đám cưới bên bờ Đông Hồ, cô đã tái hiện khung cảnh núi non hùng vĩ hòa quyện với sắc tím vàng của bầu trời hoàng hôn trong bức tranh của mình. "Màu sắc có một chút khác biệt so với thực tế, tạo cảm giác rất giống tranh vẽ truyện tranh", cô nói.
Mỗi đám cưới có một cách bài trí riêng và mỗi bức tranh sơn dầu vẽ tranh cưới đều là một tác phẩm độc đáo. Các cặp đôi thường tin tưởng giao phó cho He Xuerong: "Cứ tự do sáng tạo và ghi lại những khoảnh khắc đẹp nhất trong ngày".
Với bảng vẽ, giá vẽ, màu vẽ và bút vẽ nặng khoảng 10 kg, He Xuerong chia sẻ: "Khi cô dâu chú rể nhận được tranh, họ thường trầm trồ “đẹp quá” và không quên nói lời “cảm ơn”. Nhìn chung, đây là một công việc rất lãng mạn và thú vị".
Nghề họa sĩ vẽ tranh cưới, tuy mới chỉ phổ biến trong khoảng 2 năm trở lại đây, đang chứng minh sức hút và tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Với khả năng tạo ra những tác phẩm nghệ thuật độc đáo và ý nghĩa, nghề này hứa hẹn sẽ tiếp tục "làm mưa làm gió" trong ngành dịch vụ cưới hỏi tại Trung Quốc.
Elly (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)