Chi với số tiền ban đầu vỏn vẹn 700USD nhưng bạn ấy đã một mình “thân gái dặm trường” thực hiện chuyến hành trình chu du qua nhiều nơi trên thế giới.
Những ngày qua, các bạn trẻ đang truyền tay nhau quyển sách “Xách ba-lô lên và đi” của một teen 9X chia sẻ về những trải nghiệm đáng nhớ của mình trong chuyến đi du lịch qua nhiều nước trên thế giới. Bạn ấy là Nguyễn Thị Khánh Huyền (Huyền Chíp), người quyết định đi làm ngay khi tốt nghiệp lớp chuyên Toán, khối THPT chuyên ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội. Huyền Chip còn là người khởi xướng chiến dịch Free Hugs Ôm trọn trái tim và yêu thương ở Việt vào năm 2007. Sau đó, ngày 13/5/2010, Huyền Chip đã thực hiện chuyến độc hành xuyên lục địa.
Cùng chúng tôi “buôn dưa lê” với cô bạn 9X đời đầu cực thích phiêu lưu, khám phá này nhé!
- Chào Huyền! Bạn có thể chia sẻ về cuộc sống hiện tại của mình?
- Chào độc giả! Mình rất thích cuộc sống hiện tại ở Việt Nam. Trở về đây sau chuyến “phượt” dài quả thật cảm giác rất thú vị. Gia đình đã hiểu mình hơn, mọi người không còn nghĩ những việc mình làm là vô dụng nữa. Ở đây mình có nhiều bạn bè thân thiết và cũng mới quen thêm được nhiều người có cùng cách suy nghĩ với mình.
Công việc thì khá ổn, mình đang có một công việc mà mình cực kỳ yêu thích. Nói chung bố mẹ mình vẫn không hiểu tại sao cuộc sống của mình đang tốt như thế này mà cứ nhấp nhổm muốn đi tiếp :D
Huyền Chíp đang câu cá tại Kenya.
- Trong khi nhiều bạn trẻ xem đại học là con đường nhanh nhất đến thành công thì điều gì lại thôi thúc Huyền dành thời gian cho những chuyến phiêu lưu khắp nơi thay vì vào đại học?
- Mình không làm một việc chỉ vì mọi người nghĩ rằng mình nên làm. Mình làm một việc vì đó là điều mình muốn làm. Đại học là một con đường không có nghĩa rằng nó là con đường duy nhất. Đại học với mình là một sự lựa chọn. Hiện tại, mình có những lựa chọn tốt hơn học đại học nên mình chọn nó.
- Gia đình và mọi người xung quanh phản ứng ra sao với quyết định táo bạo đó? Có ai từng bảo bạn là kẻ "ngông" khi hành động như thế?
- Bố mẹ mình là bố mẹ Việt Nam nên dĩ nhiên là mình làm gì cũng sẽ lo lắng rồi. Mình không làm gì cũng còn lo lắng nữa là. Bạn bè mình thì có suy nghĩ giống mình hơn nên rất ủng hộ. Từ "ngông" mình không hiểu nghĩa, cũng không thấy ai dùng nó với mình. Mọi người hay kêu mình "khùng" hơn!
- Xuất phát hành trình với 700 USD, số tiền ấy Huyền có từ đâu nhỉ?
- Trả lời cho câu hỏi này, mình gửi các teen một đoạn trích phần Đi bừa đi nằm trong quyển “Xách ba-lô lên và đi”: Mọi người hay hỏi tôi quyết định đi "vòng quanh thế giới" như thế nào. Tôi chẳng quyết định. Khi bắt đầu đi, tôi mới chỉ là một con bé 19 tuổi không một xu dính túi, nói đi "vòng quanh thế giới" chỉ như một đứa trẻ con 5 tuổi nói với mẹ "lớn lên con muốn làm nhà du hành vũ trụ". Chuyến đi dài ngày này của tôi bắt đầu từ một chuyến đi ba ngày sang Brunei. Một giây phút nông nổi đã làm thay đổi cả cuộc đời tôi từ khi đó.
Tháng 5 năm 2010, tôi đang ở Malaysia làm một công việc mà ai cũng nghĩ là công việc trong mơ. Quả thực, công việc, đồng nghiệp, môi trường làm việc, tất cả đều rất tốt, nhưng chỉ một vấn đề duy nhất là tôi và sếp thường bất đồng ý kiến với nhau. Một lần quá mệt mỏi, tôi quyết định đi sang Brunei chơi cho khuây khỏa. Lúc đó, ý định làm chuyến đi lâu thật lâu đã bắt đầu nhen nhóm, nhưng tôi không biết sẽ đi như thế nào. Tôi tính nếu bây giờ tôi nghỉ việc, lĩnh lương khoảng 1500$ chắc cũng đủ đi vài tháng, có máy tính rồi từ từ kiếm việc gì đó làm online. Nhưng tôi quên mất là laptop tôi đang dùng là laptop của công ty, nghỉ việc thì tôi cũng không còn máy.
Thế là tôi đành ngậm ngùi bỏ tiền mua một cái netbook nhỏ nhỏ, cấu hình yếu yếu nhưng đủ để viết và lướt web. Máy ảnh tôi bị mất trước trước đó mấy tháng nên cũng phải mua máy mới. Vèo một phát, số tiền còn lại của tôi chỉ còn khoảng 700, 800$. Tôi tặc lưỡi, thôi đi bừa, cùng lắm là lại về Malaysia. Tôi đặt vé khứ hồi vì thực sự tôi vẫn không nghĩ là mình sẽ đi được. Phòng trọ tôi cũng không trả chủ nhà mà vẫn để đồ đạc ở đấy, tin chắc chắn rằng mình sẽ quay lại Malaysia.
Huyền Chíp phiên bản hoạt hình sẽ là thế này ạ!
- Ngoài số tiền làm "lộ phí" đi đường thì sức khỏe là một điều cực kì quan trọng cho những chuyến “phượt”. Vậy ngay lúc còn ở nhà, Huyền đã chuẩn bị như thế nào để sức khoẻ mình luôn trong trạng thái tốt nhất?
- Mình không nghĩ nhiều đến điều này bởi mình nghĩ sống ở đâu cũng thế. Nếu bạn đã sống được ở Việt Nam thì bạn cũng sẽ sống được ở nước ngoài. Cứ làm sao để dừng bị ốm đau là được.
- Những khó khăn là điều tất yếu phải có trong bất cứ hoàn cảnh, công việc. Bạn đã từng nản chí và muốn dừng hành trình để lập tức quay về?
- Nói thật là rất nhiều lần mình cảm thấy nản chí và muốn dừng lại. Nhưng khi nghĩ đến việc mình đã đi một quãng đường dài, nếu mình quay trở lại thì không biết bao giờ mới đi tiếp được nữa nên càng quyết tâm đi hơn. Khi buồn, mình hay làm việc gì đó vui vui cho đỡ buồn, chẳng hạn: ngủ một giấc thật say, ăn một bữa thật no hoặc là đi chơi với bạn bè.
- Tính đến giờ Huyền đã đi qua bao nhiêu quốc gia? Có khi nào bạn thấy mình cũng giống một nhà thám hiểm như Magellan hay Colombo thích khám phá những điều mới lạ?
- Mình đã đi qua 25 quốc gia rồi. Còn việc nghĩ mình giống một nhà thám hiểm lừng danh nào đó thì chưa bao giờ. Thỉnh thoảng, mình nghĩ mình như miếng bọt biển, để gió thổi đi đâu thì đi, khi nào vướng vật cản thì dừng lại, gió thổi mạnh hơn lại trôi tiếp.
- Sao bạn lại chọn các quốc gia trên thế giới để làm điểm đến tiếp theo mà không phải là Việt Nam?
- Mình cũng đi ở Việt Nam khá nhiều rồi đấy chứ, nhưng khi mình đi ở Việt Nam thì báo chí không nói đến nên mọi người không ai biết thôi. Với bản thân mình thì không chỉ có con người và văn hoá ở mọi nơi đều là những ẩn số thú vị để mình tim hiểu chứ không trừ bất kì đâu.
Phiêu lưu, khám giá những vùng đất mới toe có lẽ là ước mơ trọn đời của cô bạn
đáng yêu này. Ảnh chụp với bộ tộc Hamer tại Nepal.
- Điều gì ở chuyến đi này đọng lại trong Huyền nhiều ấn tượng nhất? Tại sao?
- Mình không cân đo đong đếm mọi chuyện, nhất là cảm xúc. Sẽ không có gì làm mình nhớ nhất, sẽ không có trải nghiệm nào là đặc biệt nhất. Tất cả chỉ là cảm xúc, chỉ là trải nghiệm. Nó đã trở thành một phần con người mình và chẳng ai có thể nói là bộ phận nào trên cơ thể họ là quan trọng nhất. Bởi thế mình sẽ nói: điều đọng lại với mình ở chuyến hành trình này là tất cả!
Hinh3. Bạn ấy đang đứng giữa biên giới Zambia và Zimbabwe: thác Victoria.
- Bao giờ thì Huyền sẽ tiếp tục rong ruổi khắp những nẻo đường trên thế giới? Nơi nào sẽ lọt vào “tằm ngắm” của bạn trong chuyến đi kế tiếp?
- Điểm đến tiếp theo của mình là Nam Mỹ. Thời gian chính xác khi nào thì tạm thời vì một số lý do, mình muốn bí mật nhé!
- Cảm giác của Huyền thế nào khi quyển "Xách balo lên và đi" chỉ mới phát hành vài ngày nhưng đã lên "top" của nhiều trang bán sách online và các nhà sách lớn trên toàn quốc?
- Vui lắm. Kể ra thì mình cũng tài năng phết nhỉ!
- Bạn bắt đầu viết quyển sách này từ khi nào và mất bao lâu để thực hiện nó?
- Mình bắt đầu viết ngay từ những ngày đầu tiên của chuyến đi, nhưng khi đi thì chỉ viết được theo kiểu ô a thôi chứ không viết hoàn chỉnh. Về đây mình mới hệ thống lại thành sách, tính ra cũng khoảng 2 năm. Hiện giờ thì sách đã xuất bản tập 1 mang tên “Châu Á là nhà. Đừng khóc!”, tháng 11 tới đây bản tiếng Anh cũng sẽ lên kệ. Tập 2 về châu Phi dự tính ra mắt vào cuối năm nay.
- Cách đặt tựa quyển sách “Xách ba-lô lên và đi” của Huyền nghe có vẻ bất cần, không có một kế hoạch sẵn định nhỉ?
- Mọi người nghe câu “Không có kế hoạch là kế hoạch tốt nhất” chưa nhỉ? Đôi khi, không, phải nói là nhiều khi mình rất mạo hiểm nhưng mạo hiểm khác với mù quáng. Trước khi mạo hiểm, mình đều tự hỏi bản thân: "Trường hợp xấu nhất có thể xảy ra là gì? Mình có thể chấp nhận được cái hiệu quả xấu nhất đấy không?". Nếu như đó là điều mình thực sự muốn làm và rủi ro của nó mình có thể chấp nhận, thì mình sẽ làm điều đó. Rủi ro đáng sợ thật, nhưng cái mình sợ hơn cả là sự hối hận.
Quyển sách “Xách ba-lô lên và đi” đang khiến các bạn trẻ thích phiêu lưu phát sốt.
- Người ta thường quan niệm học sinh chuyên Toán khô khan. Huyền cũng từng là một cựu học sinh lớp Toán, vậy thì điều gì đã giúp cách viết của bạn không hề khô khan mà lại rất cuốn hút? (Có người còn gọi bạn là nhà văn nữa đấy!)
- Cũng giống như không phải ai chơi đàn cũng là nhạc công, không phải ai viết cũng trở thành nhà văn. Mình không phải là nhà văn và cũng chưa xứng đáng được gọi là nhà văn. Mình chỉ là người kể chuyện. Nếu cuốn sách có hay thì có lẽ đó là những câu chuyện hay.
- Dạo gần đây, trang cá nhân của Huyền ngập tràn những comment về quyển sách này. Bạn cảm thấy như thế nào khi sách của mình nhận được sử ủng hộ tích cực từ độc giả?
- Mình rất vui, chỉ có khi viết mới hiểu hết niềm hạnh phúc đó. Có những dòng chia sẻ của các bạn độc giả làm mắt mình ngân ngấn nước. Mình rất cảm ơn tình cảm chân thành mà các bạn dành cho mình, những tình cảm vô giá mà mình không biết phải làm sao để xứng đáng với nó nữa.
- Chắc khoản nhuận bút đã hơn 700 USD rồi Huyền nhỉ? Bạn sẽ tiêu tất cả cho những chuyến đi kế tiếp?
- Hihi, có lẽ cũng hơn con số ấy rồi! Nhưng mình không dồn tất cả vào chuyến đi mà còn để dành nó cho những việc khác. Mình cũng có những trách nhiệm phải gánh mà. Những chuyến đi của mình không cần nhiều tiền lắm, mình vẫn trung thành với sẽ vẫn kiểu đi như cũ thôi, hết tiền thì tìm một công việc để làm và lại tiếp tục đi.
- Nếu cho Huyền viết một câu để diễn tả mọi thứ về mình, bạn sẽ viết như thế nào?
- Mình cũng dễ thương ra phết!
Lý lịch trích chéo
Tến cúng cơm: Nguyễn Thị Khánh Huyền
DOB: 19/9/1990
Nickname: Huyền Chíp
Cựu học sinh trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên Hà Nội (đại học Khoa học Tự nhiên, ĐHQG HN).
- Từng làm Online Marketing cho Youth Asia, công ty tổ chức hội nghị YES 2009 quy tụ 500 bạn trẻ đến từ 10 nước Đông Nam Á cùng trao đổi về việc làm thế nào để có một thế giới tốt đẹp hơn.
- Số quốc gia đã in dấu chân: 25
- Tác giả quyển sách: Xách ba-lô lên và đi
Ione