“Chán” đủ thứ…
Sau khi rời khỏi phòng thi, từng nhóm teen trường THPT Hoàng Văn Thụ, Hoàng Mai, Hà Nội túm tụm kêu ca phàn nàn về bài vở, đáp án. Những lời bàn tán xôm tụ không ngớt, rồi cãi nhau về kết quả đúng, sai. Nhiều cái lắc đầu kèm theo tiếng thở dài than “chán”.
“Thật ra thì làm bài không đến nỗi nào, nhưng thấy đứa nào cũng than, mình cũng giả vờ kêu cùng chúng nó. Nhiều lần làm được bài và thấy đề thi cũng có gì khó đâu nhưng vẫn phải giả vờ kêu chán vì không làm được bài”, một bạn học sinh chia sẻ.
Nhiều học trò ham chơi không chú tâm học hành, đến lúc thi không làm được bài thì trở giọng oán thán nào là đề khó,“lệch tủ”…Sau mỗi kì thi, nhiều teen dở chứng “bế quan tỏa cảng” chẳng nói chuyện với ai, mặt rầu rĩ.
Trong cuộc sống, ai cũng có lúc buồn bực về chuyện này hay chuyện khác và
rất cần tìm sự đồng cảm. (ảnh minh họa)
Nhìn bên ngoài, không ai nghĩ cô gái Hà Minh Thu, sinh năm 1997 (trú tại Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) là một teen “nhạt nhòa” bởi bạn trẻ này thường có mặt ở các khóa học năng khiếu và kĩ năng.
Tuy nhiên, như Thu tự nhìn nhận, cô thuộc tuýp người “cả thèm chóng chán”. Trừ buổi đầu mỗi khóa học còn tò mò hăm hở một chút, còn về sau, cô trở thành cái bóng, thụ động trong tập thể.
Dù đã chuyển qua bao nhiêu lớp, từ học đàn, nhạc, vẽ, khiêu vũ nghệ thuật đến võ thuật… nhưng Thu vẫn không nhận ra được bản thân thực sự yêu thích cái gì dẫn đến tâm trạng chán nản. Thu đi học là để đối phó với bố mẹ.
“Kể khổ” với cộng đồng
Các bạn trẻ thường không giải thích nguồn gốc sinh ra chán nản từ đâu. “Tự nhiên thấy chán, nản vậy thôi. Không muốn nói với ai vì nhiều bạn bè cũng thường có tâm trạng như mình. Chẳng dám nói với bố mẹ, càng không dám chia sẻ với thầy cô vì sợ bị mắng”, Ngọc Anh (sinh năm 1997) trú tại Cầu Giấy, Hà Nội nói.
Bạn Nguyễn Minh Hiền, 15 tuổi, (Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) cứ mỗi ngày đến lớp đều phải nghe ba cô bạn cùng bàn kêu chán. “Hỏi tại sao lại chán thì các bạn bảo là vì… mọi thứ. Nghe nhiều thành ra mình cũng lây “bệnh chán”, Hiền nói.
Trên mạng xã hội, Facebook, mỗi ngày các bạn trẻ đăng hàng loạt các câu status, comment chửi đời, chửi người, than thân, trách phận kiểu như: “Đời sao mà chán thế”; “mệt mỏi quá; muốn buông tay”...
Vi-rút “than thở” lan tràn nhanh trên mạng xã hội. Mỗi khi có chuyện gì bực bội, chán nản một chút là các bạn trẻ lại lên các diễn đàn, trang mạng xã hội trút nỗi phiền muộn cho cả cộng đồng biết.
Không ít teen lấy nick name hoặc tên trang mạng cá nhân có cụm từ “chán như con gián”. Thậm chí, có những diễn đàn, trang, hội chán đời lấy luôn ảnh bìa là một bầy gián. Trên đó, đủ câu than: “Chẳng biết làm gì cho hết chán”, “chán con gián chẳng buồn đập”; “buồn như con chuồn chuồn”, “tự kỉ” hay kêu nghèo, khổ, kêu mệt mỏi…
Thực tế thì việc than "chán" chẳng những khiến bản thân thêm buồn bực mà còn khiến nhiều người xung quanh buồn theo. Nó thể hiện sự thiếu bản lĩnh, nghị lực và thường không mang lại những kết quả tốt đẹp.
Trong cuộc sống, ai cũng có lúc buồn bực về chuyện này hay chuyện khác và rất cần tìm sự đồng cảm. Sự đồng cảm đó là những lời khuyên chân thành, sự giúp đỡ của người thân, bạn bè chứ không phải là... "than chán"...
Tuổi Trẻ