Dư luận đã từng xôn xao khi báo chí rầm rộ đưa tin về những vụ tự tử rất “lãng xẹt” của giới trẻ như: Vụ học sinh tự tử do đánh mất quỹ lớp, học sinh tự tử vì đánh mất sổ đầu bài, học sinh rủ nhau tự tử tập thể… Qua thực tế của chúng tôi tại Trung tâm chống độc – Bệnh viện Bạch Mai, số ca nhập viện cấp cứu do tự tử cũng gia tăng mạnh mẽ và có xu hướng ngày càng trẻ hóa.
Tại các chuyên khoa tâm thần kinh của các bệnh viện, Bệnh viện Tâm thần Trung ương, Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia – Bệnh viện Bạch Mai, số bệnh nhân là người trẻ nhập viện cũng gia tăng đột biến. Ở Viện Sức khỏe Tâm thần Quốc gia cứ 10 ca nhập viện thì có 3 ca nhập viện vì tự sát.
Hiện tượng tự tử của giới trẻ được nhìn nhận như thế nào dưới góc độ xã hội học? Chúng tôi đã nhận được những chia sẻ thú vị của TS. Xã hội học Nguyễn Thị Tố Quyên - Phó trưởng khoa Khoa Xã hội học, Trường Học Viện Báo chí và Tuyên truyền xung quanh vấn đề này.
Nhận định về hiện tượng tự sát của giới trẻ, TS Nguyễn Thị tố Quyên cho rằng: “Tự sát là hành vi "đớn hèn", tự loại bỏ mạng sống của chính mình. Hành vi tự sát không chỉ là sự chối bỏ đơn thuần của sinh mạng mà còn đem lại nỗi đau đớn, sự dày vò khôn nguôi cho người thân và tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực cho xã hội..."
TS. Xã hội học Trịnh Thị Tố Quyên - Phó trưởng khoa Khoa Xã hội học
Trường Học Viện Báo chí và Tuyên truyền
TS. Nguyễn Thị Tố Quyên cho rằng, để giải mã hiện tượng tự sát cần tìm hiểu cả nguyên nhân tâm lý và nguyên nhân xã hội. Nguyên nhân xã hội được các nhà xã hội học nhấn mạnh hơn.
Khoa học đã kiểm chứng, các chứng bệnh về tâm lý, những rối loạn tinh thần, chẳng hạn như bệnh tâm thần phân liệt, bệnh trầm cảm, chứng rối loạn lưỡng cực vui buồn thái quá, sang chấn tâm lý mạnh do mất đi người thân yêu nhất, do bị chối bỏ, bị hắt hủi, sử dụng chất kích thích hoặc do gặp phải những chứng bệnh nan y…. là những tác nhân chủ quan dẫn đến ý tưởng và hành vi tự sát của người trẻ.
"Một cá nhân sẽ giảm căng thẳng, strerss…. nếu anh ta được giáo dục tốt các kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ. Các nghiên cứu và thống kê cho thấy, có những trường hợp tự tử xảy ra do những tác nhân, những sự kiện bên ngoài, những ảnh hưởng từ phía xã hội. Có thể kể ra như, bị người yêu chối bỏ, bị thầy cô giáo phạt, bị bạn bè trêu chọc, bị quấy rối, bị lạm dụng tình dục, bị cưỡng hiếp, bị cha mẹ trách mắng, bị mất cha hay mẹ, cha mẹ ly hôn, bị mất việc, bị sạt nghiệp, bị vỡ nợ, bị phản bội,…
Ở khía cạnh này, chúng ta lại cần phải nhìn nhận đến sự đoàn kết xã hội, đạo đức xã hội, nền giáo dục xã hội với hệ thống kiến thức và kỹ năng sống cho con người. Điều cần phải nhấn mạnh là hiện tượng tự tử liên quan nhiều đến khía cạnh xã hội hơn là tâm lý cá nhân..." TS Quyên nói.
Các chuyên gia xã hội học nhấn mạnh rằng, hiện tượng tự sát chịu ảnh hưởng từ các nguyên nhân xã hội rất lớn. Do vậy, chúng ta cần có một cơ thể xã hội lành mạnh, phát triển hài hoà tạo cơ hội sống tốt cho các cá nhân. Bên cạnh đó, hệ thống nhà trường ngoài nhiệm vụ cung cấp các kiến thức cơ bản cho người học còn phải có trách nhiệm trang bị kỹ năng sống, kỹ năng tự lập, kỹ năng phòng vệ cho người trẻ….
Các lớp học kỹ năng sống, kỹ năng phòng vệ, kỹ năng ứng phó với những biến động của cuộc đời là vô cùng cần thiết với người trẻ. Bên cạnh đó, gia đình có vai trò hết sức quan trọng đối với sự sống, sự thăng tiến, phát triển, niềm vui và hạnh phúc của mỗi cá nhân.
TS. Nguyễn Thị Tố Quyên nhấn mạnh: "Trong quá trình xã hội hoá cá nhân để trở thành con người xã hội, mỗi cá nhân như một bộ gạn lọc tự nhiên. Mỗi người trẻ cần sống có trách nhiệm với bản thân, biết tiếp thu, học hỏi, lĩnh hội những giá trị tốt đẹp.
Người trẻ cần xây dựng cho mình lối sống khoa học, sinh hoạt, học tập, nghỉ ngơi, vui chơi lành mạnh, trong sáng, phù hợp với lứa tuổi. Tự lập để không ỉ lại, biết tự mình kết nối, tìm đến những sự trợ giúp xã hội khi cần thiết…"
Soha