Với tâm lý chung của người dân Việt Nam, ai cũng mong muốn gia đình mình có một cái Tết đầy đủ, cộng thêm với việc được “rủng rỉnh” tiền thưởng Tết nên thời gian những ngày giáp Tết này, rất nhiều bạn trẻ đã tận dụng thời cơ để kinh doanh và “cá kiếm” những khoản tiền không hề nhỏ.
Càng gần Tết càng kiếm “bội tiền”
Bỏ qua các mặt hàng như bánh kẹo, đồ gia dụng… bắt buộc phải mua ở những cửa hàng chuyên chế, các bạn trẻ với những món đồ mang tính chất handmade cũng rất “ăn nên làm ra”. Không tốn chi phí thuê địa điểm, không mất tiền quảng cáo, số vốn phải bỏ ra lại không quá lớn… đây được xem như một hình thức kinh doanh thời vụ, kinh doanh ngắn hạn vào khoảng thời gian trước Tết. Tuy không thể mang lại thu nhập ổn định, đều đều hàng tháng nhưng rõ ràng chỉ cần bỏ chút công sức và chất xám ra trong một thời gian ngắn, teen đã “đút túi” được một khoản kha khá để “ăn chơi” trong những ngày Tết còn lại sau đó.
Nếu như càng cận Tết, giá thành đồ ăn thức uống, các dịch vụ đều tăng chóng mặt thì ngược lại, những món đồ handmade này vẫn giữ mức giá trung bình, hay thậm chí là sale-off. Đó cũng là lý do mà những “cô cậu chủ” này không bao giờ lo hàng bị ế. Các mặt hàng được nhiều teen chuộng kinh doanh lựa chọn vẫn xoay quanh chuyện ăn mặc, trang trí và làm đẹp nhưng lại có một sức hút rất đáng kể với người tiêu dùng.
Thu Hằng (22 tuổi, sinh viên năm 4) tự nhận mình không phải người có “máu” kinh doanh. Tuy nhiên, dịp Tết năm ngoái, cô bạn đã “đánh liều” thuê một chuyến xe tải nhỏ chở hoa từ dưới quê lên bán. Thu Hằng chia sẻ: “Ý tưởng ấy xuất phát khá tình cờ, quê mình ở ngoại thành Hà Nội, có một khu chuyên trồng hoa ly, mình chỉ viết vu vơ status hỏi thăm ý kiến bạn bè có ai muốn mua, không ngờ bạn bè lại ủng hộ nhiều đến vậy. Chính vì thế, mình đã thử vận may 1 lần, nhập một số lượng hoa nho nhỏ về và mang ra đầu phố bán vào mấy ngày gần Tết”.
Năm ngoái, Thu Hằng đã "bội thu" với những cành hoa ly.
Năm nay, cô bạn còn nhập thêm cả nụ tầm xuân để bán.
Vì hoa là loại hàng không để được lâu nên cô bạn chia sẻ mình bán với giá thấp hơn thị trường đôi chút. Mỗi nhánh hoa ly bình thường có giá 70- 80 ngàn/bông thì cô bạn chỉ bán 50 ngàn và không tăng theo từng ngày, thế cũng được lãi rồi. Thế là hơn 500 bông hoa đã được “tẩu tán” trong vòng chưa đầy 3 ngày. “Mình không nghĩ mọi người sẽ mua nhiều như vậy, chắc do người ta truyền tai giới thiệu nên có những người không quen biết cũng gọi điện đặt mua.” – Thu Hằng cho biết thêm.
Đồ ăn vặt vẫn là một thứ không thể thiếu trong mỗi gia đình ngày Tết. Nắm bắt được tâm lý đó, Lê Thu Hương (21 tuổi, sinh viên) cũng nhập một số loại ô mai về bán thông qua facebook. Vốn là người năng động nên cô nàng cực kỳ chịu khó chụp hình các mặt hàng, tìm hiểu thị hiếu, khẩu vị của khách hàng giúp việc kinh doanh khá trôi chảy. Thu Hương chia sẻ có lẽ ô mai là một món dễ ăn với nhiều bạn trẻ, lại hợp với kiểu ăn “nhấm nháp” của những ngày Tết nên được nhiều người ưa chuộng.
Thu Hương cực "chiều" khách nên ô mai của cô nàng không bao giờ lo bị ế.
Hay như Nguyễn Văn Trung (22 tuổi, sinh viên) cùng chị gái và bạn gái của mình nhập mặt hàng hạt dẻ về kinh doanh. Với lợi thế có nguồn quen biết một nơi sản xuất, thu lượm hạt dẻ, Trung bán cho mọi người với giá cũng phải chăng.
Anh chàng cho biết: “Càng gần Tết số lượng khách order ngày càng đông. Có những khách đặt với số lượng nhiều mình còn không dám nhận lời vì sợ không đảm bảo được. Mình cũng không quảng cáo rầm rộ, chủ yếu là qua facebook với kêu gọi bạn bè ủng hộ thôi. Lần đầu kinh doanh nhưng mình thực sự hơi bất ngờ trước nhu cầu sắm Tết của mọi người.”
Trung và bạn gái.
Chỉ với 80k, teen đã có một túi hạt dẻ đủ để nhấm nháp suốt dịp Tết.
Nói về quần áo, Nguyễn Thùy Trang (21 tuổi, sinh viên) cũng cực kỳ bất ngờ vì số lượng khách tăng đột biến. “Mình bán quần áo tại nhà được vài tháng thôi, khách hàng cũng túc tắc nhưng đây là lần đầu tiên khách tăng đột biến như vậy. Có lẽ do Tết nên nhu cầu sắm sửa tăng cao. Mình hay đi chọn đồ ở những mối quen, đôi khi là mang chính đồ cũ của mình ra bán nữa, dù chưa sale off như nhiều shop khác nhưng mình cũng bất ngờ với số lượng khách hỏi mua.”
Thùy Trang cũng bất ngờ khi có quá nhiều khách hỏi mua hàng.
Nhưng cũng cần “đánh đổi” nhiều thứ
Không quá vất vả, lại được “bỏ túi” những khoản tiền rủng rỉnh nhưng “được cái này, mất cái kia”, các bạn trẻ cũng phải chấp nhận đánh đổi nhiều thứ.
Cái đầu tiên chính là thời gian. Trong lúc người người, nhà nhà đang chuẩn bị tâm lý nghỉ ngơi, đón Tết thì mình lại lao vào công việc, đồng nghĩa với việc hạn chế thời gian những bữa tất niên với bạn bè, hay muốn mua sắm thứ gì cho bản thân cũng khó sắp xếp. Hơn nữa, những ngày giáp Tết, nhà nào cũng bận rộn việc dọn dẹp, trang hoàng, chuẩn bị mọi thứ thì mình cũng phải đau đầu lắm mới có thể bớt được chút thời gian vào bếp giúp mẹ, dọn phòng hay trang trí.
Đó là còn chưa kể việc ship hàng. Với hình thức buôn bán online thì gần như là bắt buộc với mọi shop. Gần Tết, lượng người ra đường tăng, tắc nghẽn, với những hóa đơn hàng dày, phải đi trải dài trong cả thành phố cũng là điều không phải bạn trẻ nào cũng làm được, nhất là vào lúc mà người ta nghỉ ngơi như này.
Những vị khách hàng khó tính hay “lắm chiêu” cũng là một vấn đề nan giải. Quay trở lại trường hợp của Nguyễn Văn Trung – bán hạt dẻ. “Mình nhận order của một bác mua 5kg hạt dẻ sống, nhưng khi vượt cả chặng đường xa đến nơi thì bác ấy lại đòi mua hạt dẻ đã rang chín. Vậy là mất công sức mà không thu lại kết quả, lại phải quay về nhà đổi hàng”.
Theo Pháp Luật Xã Hội