TS. Trịnh Hòa Bình cho rằng, rất nhiều bạn trẻ quen cách sống đòi hỏi bố mẹ. Qua câu chuyện có thể thấy trước khi xảy ra việc lên mạng chửi bố mẹ, cô gái này đã rất nhiều lần xin tiền của mẹ và đều được đáp ứng. Lần này cô phản ứng mạnh có thể là do xin nhiều hơn nhưng không được thỏa mãn nên quay sang mắng chửi bố mẹ. Chính việc bố mẹ quá chiều chuộng con cái, đáp ứng cả những nhu cầu không quá cần thiết như điện thoại xịn, tiêu vặt nhiều tiền. Những việc đòi hỏi của con cái, việc văng tục, tỏ thái độ tức tối khi không được đáp ứng yêu cầu như trường hợp của cô gái trên thể hiện sự tha hóa về nhân cách dẫn đến những hành vi xấu của xã hội. Nếu như bạn Hà Linh không thay đổi, không có tinh thần hướng thiện thì biết đâu sẽ sớm rơi vào bi kịch của cuộc đời.
Tiến sỹ cũng cho biết, không nói riêng về bố mẹ của em Nguyễn Hà Linh, (chủ nhân của trang facebook chửi bố mẹ) khá nhiều bố mẹ đang quản lý con cái bằng việc quăng tiền ra. Nếu con cái nghe lời thì sẽ được đáp ứng mà không biết những khoản tiền đó chi tiêu vào việc gì, có chính đáng hay không? Họ chỉ mải mê lo kiếm tiền, không quan tâm đến đời sống của con cái để rồi dẫn đến những hậu quả đáng tiếc. Hậu quả là sinh ra một lớp thế hệ trẻ chỉ biết đòi hỏi, vòi vĩnh, lấy đồng tiền là thước đo của tất cả các vấn đề trong cuộc sống.
Con chửi cha mẹ trên Facebook
“Trong cách giáo dục của chúng ta đang có vấn đề. Khi gia đình buông xuôi, quản lý xã hội bị xem nhẹ sẽ dẫn đến việc giới trẻ thiếu nhân cách, buông mình… gây ra các tệ nạn xã hội và sự xuống cấp của nhân cách”. Đó là khẳng định nhà xã hội học Trịnh Hòa Bình. ông cho rằng, hiện nay chúng ta mới chỉ lo giải quyết hậu quả mà chưa có sự quan tâm đúng tầm với công tác phòng ngừa, điều chỉnh hành vi của giới trẻ.
PGS.TS Nguyễn Hồi Loan, nguyên Trưởng khoa Tâm lý học, đại học Khoa học xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng chuyện bạn bè đồng trang lứa nói xấu nhau có thể chấp nhận được nhưng hành vi bêu rếu cha mẹ, những người đã dứt ruột đẻ ra mình lên facebook là một việc không thể chấp nhận được. Hơn nữa, bạn Hà Linh lại dùng những từ mạt sát mẹ mình, coi mẹ như kẻ thù thì chắc chắn rằng từ trẻ con đến người già đều phẫn nộ. Những đứa trẻ hỗn láo với cha mẹ sẽ là những đứa hư hỏng. Người cha người mẹ của cô gái đó đọc được những dòng này chắn hẳn sẽ buốt ruột buốt gan.
Không nói tất cả giới trẻ nhưng khá nhiều bạn hiện nay bị thiếu hụt về nhận thức. Chính điều này đã đẩy các em làm những việc lệch chuẩn. Các em không lấy thành tích học tập là niềm tự hào mà chỉ biết đọ nhau những thứ bề nổi như: quần áo, dày dép, điện thoại…
Trách các em nhưng cũng phải nhìn nhận lại chính những bậc phụ huynh. Nếu các em thiếu sự uốn nắn, giáo dục đầy đủ từ nhỏ trong các gia đình thì sẽ ảnh hưởng xấu đến nhân cách. Đặc biệt, hành vi này sẽ là tất yếu nếu đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong một gia đình mà ở đó các các bậc cha mẹ lại thường xuyên có hành vi bạo lực, gây hấn với người thân và hàng xóm. Hàng ngày họ thường xuyên dùng những lời nói tục tằn, thô lỗ, chửi bới, văng tục thì đó là các tấm gương xấu để các em làm theo. “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” là vì thế. Có nhiều yếu tố ảnh hưởng đến nhân cách con người nhưng dù sao giáo dục gia đình luôn là cơ sở nền tảng cho việc giáo dục đạo đức của trẻ.
Qua câu chuyện của facebook chửi cha mẹ này, cũng là tiếng chuông cảnh tỉnh những bạn trẻ khác. Đừng để phải hối hận, đau khổ khi cha mẹ, người thân không còn nữa. Lúc ấy, các em mới nhận thức được thì có lẽ sẽ quá muộn màng và đau khổ.
Người Đưa Tin