7h22: giờ thức giấc
Các nhà nghiên cứu Đại học Westminster (Anh) thấy những người tỉnh giấc trong khoảng thời gian từ 5h22 đến 7h21 có hàm lượng hormone cortisol (hormone gây căng thẳng) cao, bất kể họ đi ngủ lúc mấy giờ.
Thức dậy vào khoảng thời gian đó khiến bạn dễ lên cơn đau tim. Do đó, tỉnh giấc vào khoảng sau 7h21 sáng sẽ giúp bạn khỏe hơn.
7h30: giờ vàng để quan hệ
Vào buổi sáng, cơ thể sản xuất nhiều hormone giới tính và adrenalin giúp bạn khởi đầu ngày mới.
Nhà trị liệu tình dục Suzie Hayman nói: "Cả hai người đều được nghỉ ngơi và các giác quan trở nên nhạy bén. Do đó, khi mới thức dậy, bạn có thể dễ dàng hòa nhịp với bạn tình hơn”. Các nhà nghiên cứu ở Ý cũng phát hiện đó là thời điểm mà các cặp vợ chồng dễ dàng đạt cực khoái và thụ thai.
8h10: giờ ăn sáng
Các nhà khoa học tại Úc thấy rằng tốt nhất nên ăn sáng khoảng 1 giờ sau khi tỉnh dậy.
“Lúc này bạn sẽ rất thèm ăn", nhà nghiên cứu Brett Harper nói. "Nếu bạn ăn sớm hơn thì không có lợi cho quá trình tiêu hóa và hấp thụ”.
9h00: giờ giải quyết các công việc khó khăn
Theo nghiên cứu của trung tâm Sleep-Wake Disorders ở New York (Mỹ), mọi người minh mẫn nhất vào 1 đến 2 giờ sau khi thức dậy. "Đó là khi mức hormone cortisol lên cao nhất và lượng đường trong máu tăng, cung cấp cho bạn nhiều năng lượng để giải quyết các tình huống khó khăn", Giáo sư Simon Folkard thuộc Đại học Wales (Anh) nhận định.
10h30: giờ ăn nhẹ
Ăn một chút gì đó, chẳng hạn như vài miếng trái cây giúp cơ thể hoạt động hiệu quả hơn là chỉ ăn 3 bữa chính 1 ngày.
13h30: giờ ăn trưa
“Bộ máy tiêu hóa làm việc hiệu quả nhất vào thời điểm này”, Cath Collins, chuyên gia về dinh dưỡng tại Bệnh viện St George ở London (Anh) giải thích.
16h00: giờ ăn sữa chua
Điều này sẽ giúp ổn định lượng đường trong máu bạn. Chuyên gia dinh dưỡng Clare Stanbull cho rằng: "Bạn nên ăn sữa chua dành cho người ăn kiêng hơn là sữa chua ít chất béo, vì loại sữa chua ít chất béo có thể chứa nhiều đường hơn".
17h00: giờ tập thể dục
Các nhà nghiên cứu ở California (Mỹ) thấy các cơ quan vận động của cơ thể nhanh nhạy nhất vào thời điểm này. Đây cũng là lúc hormone cortisol, loại hormone có thể gây tổn hại hệ thống miễn dịch, ở mức thấp nhất. Những người tập thể dục vào buổi sớm trông có vẻ khỏe mạnh nhưng lại có nguy cơ cao bị mắc bệnh nhiễm trùng.
19h30: giờ ăn tối
Một bữa ăn nhiều carbohydrate sẽ khiến cơ quan tiêu hóa phải làm việc quá sức, ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn. Vì lý do đó, bạn nên ăn nhiều rau và ít carbohydrate cũng như protein trong bữa tối.
22h00: giờ tắm
Nhiệt độ cơ thể giảm sẽ giúp chúng ta ngủ dễ hơn. Mặc dù ngâm mình trong bồn tắm ấm áp, khi ra khỏi nhà tắm, cơ thể bạn sẽ giảm nhiệt độ, giúp bạn dễ dàng đi vào giấc ngủ.
23h00: giờ ngủ
Lượng hormone lúc này ở mức thấp nhất và cơ thể bạn sản xuất chất melatonin gây buồn ngủ. Để có một giấc ngủ an lành, bạn không nên ăn, đọc hay xem ti vi trên giường.
Giáo sư Jim Horne thuộc Trung tâm nghiên cứu giấc ngủ Đại học Loughborough (Anh) cho biết: "Điều này sẽ tối đa hóa việc sản xuất melatonin trong bóng tối và có thể triệt tiêu các nguyên nhân gây ung thư".
Bee