Dưới đây là ba chiến thuật ứng xử khéo léo, được nhiều chuyên gia tâm lý đánh giá cao, giúp bạn xử lý hiệu quả các “ngòi nổ” nơi công sở.
1. Phản đòn bằng kỹ thuật "gương chiếu"
Khi nghe ai đó nói: “Nghe nói bạn được thăng chức là nhờ quan hệ”, thay vì nổi giận phản bác, bạn có thể nhẹ nhàng trả lời: “Thật à? Mình cũng đang định hỏi bạn về vụ báo cáo tháng trước, hình như phòng tài chính đang kiểm tra lại đó…”
Chiêu này khiến người buông lời đồn rơi vào thế bị động, thậm chí bối rối vì không biết bạn đang nắm giữ thông tin gì. Việc trả lời bằng câu hỏi ngược, nhất là liên quan đến công việc sẽ khiến họ dè chừng lần sau.
Việc bị đồng nghiệp đặt điều sau lưng khiến không ít người đi làm từng trải qua cảm giác ức chế (Ảnh minh họa)
2. Hạ nhiệt bằng cách "khen ngược"
Một đồng nghiệp bóng gió rằng: “Không ngờ bài thuyết trình đơn giản vậy mà sếp lại duyệt”, bạn có thể mỉm cười và đáp: “Nhờ có bạn hôm trước chỉ mình cách chỉnh slide đó! Nhờ vậy sếp khen cả nhóm mình làm việc chỉn chu".
Sự khéo léo trong cách khen lại người đố kỵ sẽ khiến họ khó lòng tiếp tục công kích. Đồng thời, việc chuyển sự chú ý về phần việc của họ là cách hiệu quả để “ném bóng trở lại sân bên kia”.
3. Đưa tin đồn ra ánh sáng
Khi biết ai đó đang lan truyền thông tin sai sự thật về đời tư của bạn, hãy chọn thời điểm phù hợp để chủ động đề cập. Ví dụ, trong cuộc họp nhóm, bạn có thể nói một cách nhẹ nhàng: “Dạo này có tin đồn vui ghê, ai đó bảo mình là con cháu đại gia. Nếu đúng vậy chắc mình không cần đi làm nữa!”
Việc chủ động kể lại tin đồn với thái độ hài hước sẽ khiến người tung tin bất ngờ và mất mặt. Quan trọng là bạn không chỉ bác bỏ thông tin sai, mà còn khiến người khác hiểu bạn không dễ bị bắt nạt.
Giữ uy tín nơi công sở không phải là việc dễ dàng, đặc biệt trong môi trường nhiều cạnh tranh. Nhưng thay vì đối đầu trực tiếp, chọn cách xử lý khéo léo sẽ giúp bạn không chỉ bảo vệ danh tiếng, mà còn khiến những kẻ buông lời ác ý phải dè chừng.
Dương Huyền (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)