Cộng đồng mạng thời gian gần đây đang xôn xao về trang cá nhân có tên Linh S*** tự xưng là sinh viên một trường ĐH về kinh tế ở TP.HCM, cô gái trẻ này công khai hình ảnh, số điện thoại và địa chỉ quê quán cùng những dòng chia sẻ choáng váng về việc cần tìm người để "thỏa mãn", "muốn đi khách sạn làm tình một đêm chân chính", hay đang hết tiền "muốn tìm một anh làm một phát"… Trang cá nhân tên Linh S*** cũng không quên cung cấp liền 2 số điện thoại di động trong trường hợp 1 trong 2 số không dùng được cho những ai “có nhu cầu”.
Người mạo danh vào chính chủ để "thỏa thuận".
Có không ít cư dân mạng tỏ ra khinh miệt và dùng những lời chửi bới nặng nề dành cho những dòng chia sẻ có phần “trơ tráo” của Linh S*** này, vì nó thể hiện lối sống buông thả, đồi trụy, lệch lạc của một bộ phận giới trẻ mà chủ trang này là một đại diện.
Nhưng Linh S*** là một người mạo danh, vì những hiềm khích giữa hai người mà kẻ trá hình đã lập trang Linh S*** để bôi nhọ danh dự của chủ nhân Linh S gốc (nghiêm túc, lành mạnh của cô gái bị bôi nhọ). Chủ nhân chính của trang Linh S gốc sau khi được bạn bè cung cấp thông tin đã sốc và bàng hoàng khi trực tiếp xem những dòng chia sẻ “bệnh hoạn” mạo danh của mình.
Không dừng lại ở đó, chủ nhân Linh S gốc cũng nhận không ít những dòng chửi bới, khiêu khích lẫn dọa dẫm từ chủ nhân trang mạo danh và những bạn của người này.
Theo như tâm sự của chủ nhân trang Linh S gốc, cô hiện là sinh viên năm 3 một trường ĐH chuyên ngành kinh tế ở TP. HCM. Giữa cô và chủ nhân mạo danh kia từng có hiềm khích, cô thừa nhận: “Em biết người đã gây ra tất cả những chuyện này. Nhưng do ban đầu em đã chọn cách im lặng nên không phản pháo. Không phải chỉ mình em mà còn rất nhiều bạn bị làm nhục như vậy. Người này có rất nhiều lời lẽ thô tục mà khi đọc sẽ không thể tin đó là của một người con gái”.
Những dòng chia sẻ trên trang Linh S*** mạo danh.
Và sau khi sự việc vỡ lở, bạn bè của chủ nhân trang Linh S gốc đã gọi lại cho cô thắc mắc về những lời lẽ “không bình thường” khiến Linh không những sốc mà còn mất niềm tin vào cuộc sống.
Linh chia sẻ: “Em cảm thấy như cái đúng và lẽ phải hình như không còn tồn tại nữa. Con người ta chỉ biết phán xét, lên án những sự việc chỉ nhìn thấy qua đôi mắt mà không cảm nhận bằng lí trí và con tim. Nó làm cho xã hội ngày càng bị căn bệnh vô tình xâm lấn. Bạn bè em có người tin, có người chê trách. Tiếng xấu đồn xa, ngay cả 1 người bạn bên nước ngoài cũng gọi về để hỏi em vì sao lại thay đổi như vậy. Nhưng bên cạch đó vẫn có nhiều người bạn cảm thông và chia sẻ với em. Em thầm cảm ơn họ vì điều đó.
Về phía gia đình em thì rất sốc và buồn. Ba em do vừa bị tại nạn gãy xương đùi nên không đi lại được. Em không muốn ba vì em mà vết thương không lành được. Ba mẹ em tin em nhưng cũng rất bức xúc. Mẹ em khóc khi đọc được tin. Ba em thét lên trong điện thoại khi biết em bị bôi xấu như vậy. Nhiều bạn bè của ba mẹ đã gọi cho ba mẹ em để hỏi rõ sự việc. Một cuộc, hai cuộc thì không sao nhưng liên tục thì làm sao ba mẹ em chịu được?”.
Đây là một trong không ít những trường hợp cư dân mạng lợi dụng mạng xã hội để bôi nhọ, hạ bệ danh dự cũng như tên tuổi của nhau đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Vẫn chưa có con số thống kê chính xác về những vụ việc và hậu quả mà nó mang lại, nhưng còn nhớ những cuộc ẩu đả ngoài đời thật có liên quan đến những xích mích và mâu thuẫn trên mạng, từ Yahoo Messenger đến Blog 360 ngày trước đã khiến tốn không ít giấy mực của báo chí.
Có một khái niệm “Cyberbaiting” (bôi nhọ trên mạng) khá phổ biến ở châu Âu để chỉ những hành vi mạo danh, chọc phá nhau trên mạng khá phổ biến. Ở Việt Nam, những hiện tượng như thế này có lẽ không hiếm nhưng nó vẫn còn ngấm ngầm và nhiều nạn nhân phải chịu đựng tệ nạn này mà không biết kêu ai vì pháp luật Việt Nam. vẫn không có những quy định rõ ràng và thực tế về vấn đề bảo vệ danh dự cá nhân người sử dụng mạng xã hội.
Giáo dục Việt Nam