Quan niệm này liệu có cơ sở? Phải chăng, tất cả những bé nam sinh ngày mùng một âm lịch, bé gái sinh ngày rằm đều có tính cách khác thường? Lý giải của các chuyên gia, nhà văn hóa sẽ phần nào hé mở cùng bạn đọc về quan niệm dân gian này.
Ảnh minh họa
Chịu ảnh hưởng từ sức hút của mặt trăng
TS. Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học ứng dụng (UIA) thì lý giải mối quan hệ giữa việc con trai sinh đêm mùng một, con gái sinh đêm hôm rằm trên cơ sở sức hút của mặt trăng với thủy triều. Theo đó, "sức hút của mặt trăng theo âm lịch, của mặt trời theo dương lịch. Thủy triều thay đổi theo sức hút của mặt trăng. Đồng thời, chính sức hút của mặt trăng cũng đã gây ra trạng thái "thủy triều sinh học" trong cơ thể con người, làm cho chất lỏng trong cơ thể con người cũng có những thay đổi. Nó chính là nguyên nhân gây nên những kích thích thần kinh đến khủng hoảng, bị rối loạn và mất thăng bằng, làm trầm trọng thêm các chứng bệnh thần kinh... Đồng thời, những ai sinh vào hai đêm đó sẽ có những biến đổi sinh học đặc biệt hơn so với người sinh vào các đêm khác", ông Khanh nói.
Khoa học và dịch lý học giải thích rằng, nguồn khí âm thái quá của ánh trăng trong ngày rằm là căn nguyên tạo ra trạng thái thần kinh không quân bình, dẫn tới tính khí thất thường, ngang ngạnh, u tối hay tâm lý bất ổn, hoảng loạn. Như thủy triều ngoài đại dương, sức hút của mặt trăng đã gây ra trạng thái "thủy triều máu", "thủy triều sinh học" trong cơ thể con người. Nó chính là nguyên nhân gây nên những kích thích thần kinh đến khủng hoảng, bị rối loạn và mất thăng bằng, làm trầm trọng thêm các chứng bệnh thần kinh và là nguyên nhân trực tiếp của nhiều vụ tai nạn, tự tử, ngộ sát, phạm tội...
Cũng chính "thủy triều máu" đã làm cho máu chảy mạnh trong huyết quản, gây nguy hiểm cho các ca mổ (không chỉ làm bệnh nhân mất máu nhanh mà còn giảm sự minh mẫn, chính xác của phẫu thuật viên). Nó còn làm cho thuốc tiêm khó được cơ thể con người tiếp nhận, dễ bị phân rã và đào thải. Vì thế mà nhiều nhà khoa học cho rằng cần xem xét việc định ngày giờ cho các ca mổ, đồng thời đề cao thuyết "nguyệt y học" (về ảnh hưởng của mặt trăng đến y học).
"Đức năng thắng số"
Cũng theo ông Khanh, trong quan niệm văn hóa dân gian thì mặt trăng đại diện cho âm khí, đồng nghĩa với con gái, còn mặt trời đại diện cho dương khí (con trai). Ngày rằm trăng sáng nhất, đẹp nhất thì âm khí cũng lớn nhất. Con gái sinh vào đêm đó được hội tụ ánh sáng đó, một phần được chuyển hóa vào trong tính cách. Ngược lại, ngày mùng một trăng mờ nhất, dương khí sẽ thịnh. Con trai sinh vào đêm đó sẽ hội tụ những dương khí lớn này vào tính cách. "Gắn với việc thủy triều lên xuống vào hai ngày đó, cộng với sự thống kê bằng kinh nghiệm dân gian nên người ta thực sự tin rằng, "trai mùng một, gái hôm rằm" có những tính khí đặc biệt, khác người, đương nhiên có hoặc tích cực hoặc tiêu cực chứ không hoàn toàn thiên về một bên nào", ông Khanh cho hay.
Có nhiều năm làm công tác nghiên cứu, giảng dạy về văn hóa, đặc biệt là văn hóa dân gian, TS. Nguyễn Ánh Hồng, giảng viên Khoa Văn hóa phát triển, Học viện Báo chí và Tuyên truyền xác nhận: Lâu nay, người ta vẫn nhầm tưởng việc sinh con trai vào ngày mùng 1 (âm lịch), con gái sinh vào ngày rằm (ngày 15 âm lịch) đều "khó nuôi", tính khí khác người. Thế nhưng, hoàn toàn không phải vậy. "Nó chỉ áp dụng cho việc sinh vào ban đêm chứ không mấy tác dụng đối với việc sinh vào ban ngày. Việc người ta cứ đánh đồng để tăng thêm sự hồ nghi, ly kỳ cho những người sinh ra vào hai ngày này", bà nhấn mạnh. Lý giải điều này, bà Hồng cho hay: "Văn hóa phương Đông vẫn tồn tại những câu chuyện bí ẩn về việc ma cà rồng xuất hiện cùng chu kỳ của mặt trăng. Ngày mùng 1 là bắt đầu cho một chu kỳ mới, ngày 15 trăng sáng nhất lại đánh dấu chu kỳ tiếp theo là trăng mờ dần. Vì thế mà người ta gắn câu chuyện này vào những người được sinh ra trong hai đêm đó để tăng thêm tính huyền bí".
Mặc dù thừa nhận quan niệm dân gian cũng có một phần cơ sở khoa học (xét trong mối quan hệ giữa ánh trăng với thủy triều) song ông Doãn Phú, Trung tâm Nghiên cứu Tiềm năng Con người lưu ý đó mới chỉ là yếu tố ban đầu ảnh hưởng đến tính cách trẻ sinh ra trong hai đêm đó. "Còn cơ bản, tính cách ấy chịu sự chi phối bởi những quan niệm vốn đã tồn tại hàng trăm năm nay", ông Phú nói.
Theo ông Phú, người Việt có phong tục thờ cúng tổ tiên, đi lễ chùa vào mùng một, ngày rằm (ngày sóc và ngày vọng). "Những ngày ấy dân gian vẫn coi là ngày của thánh thần. Đứa trẻ sinh ra trong ngày đó được coi như là "lộc". Họ cũng sợ nếu như không đón tiếp, chăm sóc chu đáo thì phạm vào thánh thần, đứa trẻ sẽ bỏ cha mẹ mà đi (khó nuôi). Do đó, họ đón tiếp với một thái độ khác hẳn so với những đứa trẻ sinh vào các ngày khác, đêm khác. Họ chiều chuộng, nâng niu hơn. Từ đó tạo cho trẻ thế ỷ lại, coi mình là nhất, là "trung tâm vũ trụ" và ai cũng phải phục tùng, săn đón. Tính cách ấy có thể là tốt, cũng có thể theo hướng trở thành người xấu", ông Phú cho hay.
Cùng chung quan điểm, TS. Nguyễn Ánh Hồng cũng cho rằng "đức năng thắng số". "Dù sinh ra vào ngày, giờ nào nhưng được sự giáo dục, quan tâm chăm sóc của gia đình sẽ giúp cho đứa trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tâm hồn một cách hài hòa. Không thể cứ đổ tội cho sinh vào mùng một, ngày rằm để thoái thác vai trò giáo dục của gia đình được", bà nêu quan điểm.
Theo giadinh.net.vn