Có mặt tại khu vực Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM, thuộc phường Linh Trung, quận Thủ Đức, giáp ranh tỉnh Bình Dương) vào buổi trưa. Sau giờ tan trường, rất đông sinh viên (SV) tranh thủ mua con cá, bó rau… chuẩn bị bữa cơm trưa đạm bạc bên nhau tại phòng trọ.
Vì sao SV thích ở trọ?
Bao quanh ngôi trường ĐH KH XH&NV là hơn chục dãy nhà trọ bình dân, chuyên cho SV thuê phòng. Qua khảo sát của phóng viên, phần đông các SV thích chọn giải pháp thuê nhà trọ bên ngoài để ở.
SV Nguyễn Thị H (học năm 2, khoa Anh ngữ) cho biết: “Lúc đầu, chỉ một số SV ra thuê phòng trọ ngoài nhưng về sau, hầu hết ai cũng muốn ra ở trọ. Vì vậy, phòng trọ tiếp tục tăng giá nhưng vẫn không đủ…”.
SV H nói tiếp: “Ra ở trọ được tự do, thích đi chơi đâu cũng được, không ai quản lý thời gian, chủ phòng trọ cho thuê thường vắng mặt, hàng tháng chỉ đến thu tiền, một phòng ở gồm 4 sinh viên. Bây giờ, SV thuê nhà trọ đã trở thành một trào lưu rồi…”.
Đi ngang phòng trọ số 7, chúng tôi nghe có có tiếng cãi cọ lớn. Họ là một cặp sinh viên (1 nam, 1 nữ), cả 2 đều rất trẻ. Nếu không bị gián đoạn bởi cuộc hỏi thăm của chúng tôi, có lẽ chiếc laptop đang cầm trên tay của nam SV sẽ tan tành trong phút chốc do anh chàng nổi cơn ghen khi phát hiện cô SV xinh đẹp ở chung phòng vừa “chát chít” với bạn trai khác học cùng lớp.
Tại đây, chúng tôi hỏi thăm về một nữ SV mà chúng tôi quen biết, đang mang thai… Nam SV tỏ vẻ cáu gắt, đáp nhanh “Vào thẳng bên trong mà kiếm, ở đây biết bao nhiêu cặp SV sống với nhau như vợ chồng, sinh con. Phải nói rõ họ tên trong trường, học khoa nào, năm mấy... may ra còn biết. SV ra ở trọ, sống như vợ chồng, hầu như tự thay đổi tên riêng hết rồi, còn nhiều dãy nhà trọ phía trong, vào đó mà hỏi…” rồi đóng sầm cửa phòng.
Bạn Nguyễn Thị Kiều Trinh (21 tuổi), sinh viên năm 3 Khoa Xã hội học (trường ĐH KH XH&NV cơ sở Linh Trung) cho biết: “Khu vực em đang ở có 2 dãy phòng trọ, người chủ cho thuê phòng ở xa nên rất dễ dãi trong vấn đề SV chọn bạn về ở chung. Dãy phòng đối diện đã từng có cặp sống thử là chị Tín và anh Thành, họ đều là những sinh viên, và nhiều cặp tương tự khác… Nhưng từ khi xảy ra nhiều vụ ghen tuông, đâm chém nhau tại phòng trọ, chủ nhà đã khắt khe hơn, số SV sống thử giờ tập trung về khu phòng trọ hồ cá sinh viên”.
Từng chứng kiến nhiều cặp SV sống thử, Trinh chia sẻ: “Quan hệ tình dục trước hôn nhân với sinh viên bây giờ không còn hiếm hoi, đó là cái thực tế của xã hội, nhưng quan hệ sao đừng ảnh hưởng đến xã hội, đừng ảnh hưởng đến tương lai của chính mình. SV ở thành phố tìm hiểu kiến thức kịp thời, bắt nhịp sự phát triển của thông tin truyền thông nên tìm hiểu về vấn đề quan hệ tình dục an toàn thì không quá khó. Riêng SV ở các tỉnh thành lên thành phố học, còn nhiều SV ở trọ, khó tiếp cận thông tin từ mạng internet hơn vì còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế…”.
Giáo dục từ phía gia đình, cha mẹ, ở quê các bậc phụ huynh luôn coi trọng, xem nặng những vấn đề tự ý sống thử khi con mình chưa kết hôn, về vấn đề hướng dẫn, giáo dục cho con biết cách về quan hệ giới tính là hoàn toàn không có. Với giáo dục từ nhà trường thì chưa cởi mở được vấn đề, nhiều giảng viên dạy bộ môn về giới tính, nói đến chuyện quan hệ tình dục, cô giáo vẫn còn bị đỏ mặt, không thể xoáy thẳng sâu hơn trọng tâm vấn đề, nên chuyện SV sống thử, có thai ngoài ý muốn, dẫn đến nạo phá thai, vất bỏ con sau khi sinh vẫn thường xảy ra. Đây là vấn đề nhiều SV tâm sự.
Hai SV Thành A. và Quỳnh Nh. chuẩn bị bữa cơm trưa tại phòng trọ.
Ảnh: Cao Lâm
Sống thử và hệ lụy…
Tại phòng số 3, chúng tôi gặp một cặp SV trẻ đang tất bật bên ngăn bếp để chuẩn bị bữa cơm trưa.
Nguyễn Thành A (21 tuổi, quê Bình Chánh, TP.HCM) là sinh viên năm 3, khoa Anh ngữ (trường ĐH KH XH&NV, HĐ Quốc gia TP.HCM). Sống cùng cùng A là SV Trần Thị Quỳnh Nh. (20 tuổi), đang học Trường Đại học Đồng Nai, ngành kế toán.
Vừa thấy chúng tôi, A vội vàng chuyển những con khô mực đang phơi trước sân vào bên trong phòng trọ, khép sơ cánh cửa. A tiếp chuyện chúng tôi với vẻ ngại ngùng: “Nhà em ở huyện Bình Chánh, cách trường không xa. Ban đầu, hết giờ học là về nhà, từ khi thấy nhiều sinh viên thuê phòng trọ ở ngoài, em cũng xin gia đình đi ở trọ, khỏi về nhà. Quỳnh Nh là bạn gái em, ghé chơi, có khi ở từ sáng đến tối về, cũng có khi ở hai, ba ngày…”.
Cách đó không xa, bà Nguyễn Thị Lan (57 tuổi, quê Quảng Ngãi), bán chè cho SV, sát bên ĐH Quốc gia TP.HCM, kể về chuyện của chính cháu ruột bà, cũng là sinh viên xa nhà, sống thử.
Bà Lan không thể nào quên được câu chuyện của cô cháu gái tên Ph, hiện là SV. Đang đi học năm cuối trường Đại học Ngân hàng, thế nhưng Ph đã có một con trai năm nay vừa tròn 2 tuổi. Ba mẹ nghèo, dốc hết sức lực kiếm tiền để nuôi hai đứa em Ph ăn học, giờ đây phải nuôi thêm cả con của Ph.
Năm 2010, Ph quen một nam SV đẹp trai, con nhà giàu, học trường Đại học Kiến trúc (TP.HCM). Khi thấy bạn bè ai cũng có cặp có đôi, cậu SV này làm quen với Ph, nhiều lần đưa Ph đi chơi, mua tặng nhiều quần áo đẹp, săn sóc rất chu đáo. Ph đã phải lòng, ngã quỵ trước chàng trai, những tưởng cậu ta đã yêu thật lòng nên “cho tất cả”.
Khi hay tin Ph mang thai, chàng trai hiện nguyên hình là gã "Sở Khanh", rồi “cao chạy xa bay” không một lần liên lạc. Ph đành phải xin trường bảo lưu lại một năm học để sinh con, sinh xong, Ph lại tiếp tục theo con đường học hành trong sự tủi nhục và lo toan mỗi ngày. Bà Lan nhắc lại chuyện cháu mình trong nỗi buồn rười rượi.
Bà Lan cho biết thêm, hàng ngày ngồi bán chè, chứng kiến biết bao nhiêu cặp nam, nữ SV ôm chặt lấy nhau, họ đi đứng tự nhiên như vợ chồng, nếu vào dãy phòng trọ kế bên hông khu đất trống gần trường, còn biết bao nhiêu cặp SV đang sống với nhau, một số đã có cả em bé.
Tiếp tục tìm hiểu, chúng tôi tìm đến một “mái ấm” nằm trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, nơi đã từng đón nhận, cưu mang 19 trường hợp, các bà mẹ là học sinh, sinh viên sau những lần sống thử rồi để lại những hệ lụy đáng buồn… Nơi đó đang nuôi nấng những sinh linh bé nhỏ, ngây thơ, trong sáng, nhưng lại là hậu quả đau lòng của những cuộc tình sống thử!
24H