Khi đã có một bé, câu hỏi: "Có nên sinh thêm con?", "Bao lâu nên sinh thêm?"... là thắc mắc của nhiều vợ chồng. Điều này tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, chăm sóc, mong muốn của các cặp đôi.
Lắng nghe tâm sự của một người mẹ dưới đây, khi con trai đầu đã lớn cô muốn sinh thêm con để có anh, có em nhưng bé không đồng ý.
Nghe xong lý do của con, người mẹ chỉ biết ngậm ngùi ôm con vào lòng. Sau một đêm bàn bạc thì cả hai đã quyết định triệt sản để có nhiều thời gian hơn cho con. Nội dung như sau: "Mình hỏi: "Con có thích có em không?".
Thằng bé lắc đầu: "Con không thích em bé?".
Mình xoa đầu con: "Vậy hả, vậy thì cũng không sao hết" đấy là phần cuối trong cuộc trò chuyện gần đây của mình với cậu con trai 10 tuổi.
Mình học xong đại học được 1 năm thì lấy chồng, chồng mình hơn mình 3 tuổi, sau 1 năm thì có cậu con trai đầu lòng. Vì tính chất công việc 2 vợ chồng đều bận rộn, bố mẹ mình thì ở nước ngoài, bố mẹ chồng ở quê thì lớn tuổi, lại hay ốm đau, nên phần lớn tuổi thơ con cho đến năm 6 tuổi đều là ở với bảo mẫu và người giúp việc.
Năm con lên 7 thì mình quyết định bỏ bớt lại mọi thứ để quan tâm con nhiều hơn, còn chồng mình thì vẫn bận rộn nước trong nước ngoài suốt. Nhớ lại hồi con còn 3,4 tuổi thì không sao, đến sau đấy thì cứ mỗi lần về quê dịp giỗ Tết hay gặp mặt gia đình, ai cũng 1,2 câu sao không đẻ thêm đứa nữa đi, đẻ thêm cho có anh có em.
Mình cũng chỉ đành lựa lời cho qua, vì khi đó mình và chồng thật sự không thể sắp xếp công việc để chăm con nhỏ nữa. Nhìn đứa con trai mới có vài tuổi đã 2 vợ chồng đã không chăm sóc được cho con, bản thân mình cũng thấy có lỗi với con nhiều lắm.
Sau này, khi mình đã ổn định được cả việc ở bên con và công việc, chồng mình cũng có nhiều thời gian hơn trước, mình mới tính hay là đẻ thêm đứa nữa cho con có thêm em.
(Ảnh minh họa)
Nhưng lúc đó cũng là khi mình nhận ra con không thích những đứa trẻ ít tuổi hơn con, đặc biệt là các bé sơ sinh, mỗi lần gia đình có tụ họp thì con chỉ chơi với các anh chị em cùng tầm tuổi hoặc lớn hơn, con không thích sờ vào các em bé sơ sinh.
Mà mỗi lần có ai nói với con: "Anh về bảo mẹ đẻ em bé nữa đi cho có người chơi cùng" là con lại tỏ ra ra khó chịu hẳn dù trước đó vẫn đang nô đùa cười ầm ĩ với những anh chị em khác. Mới đầu mình cũng thấy lo, thế là thử mua cả chó và mèo con về nuôi, thì con lại tỏ ra rất vui, hàng ngày đều tự chải lông, dọn cát rồi cho chúng ăn, đi học về phát là phải sờ con corgi đầu tiên rồi làm gì thì làm.
Thế là mình quyết định nói chuyện với con một cách thật nghiêm túc. Hỏi mãi thì con cũng chịu nói, lý do là vì từ ngày con bắt đầu có nhận thức đến bây giờ, con ít khi được ở gần bố mẹ. Từ ngày bố mẹ ở nhà nhiều hơn, con vui lắm, nhưng rồi con lại nghe người ta đùa: "Sau này mẹ A mà có em bé nữa thì A ra rìa cho mà xem", từ đấy con trở nên ghét và sợ những đứa trẻ sơ sinh.
Con sợ bố mẹ mới ở bên con chưa được bao lâu thì lại bỏ con để chăm sóc em bé. Lúc đấy mình chỉ biết nén tạm nước mắt mà ôm con thật chặt, hứa là cho dù thế nào cũng sẽ vẫn yêu thương con như lúc trước. Bản thân mình và chồng có lỗi với con khi không thể chăm sóc cho con nhiều hơn.
(Ảnh minh họa)
Sau một đêm bàn bạc với chồng thì 2 vợ chồng cùng quyết định đi triệt sản, chắc hẳn phần lớn mọi người nghe thấy vậy thì sẽ phản đối, nhưng mình thật sự không đủ tự tin để sinh con thêm lần nữa. Chỉ mong mọi người khi đã có con hãy để ý đến đời sống tinh thần và tình cảm của con nhiều hơn, tiền thật sự rất quan trọng, nhưng những năm tháng đầu đời của con là thứ không bao giờ có thể lấy lại được".
Tâm sự này của bà mẹ trẻ được nhiều người đồng cảm. Bởi lẽ kiếm tiền rất quan trọng nhưng việc dành thời gian cho con phát triển toàn diện còn quan trọng hơn.
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)