Sẽ là rất bình thường nếu một người vì kém may mắn mà mang một căn bệnh hiểm nghèo hay một nỗi khiếm khuyết trên cơ thể tự ti với chính mình, nhất là họ mang thân phụ nữ. Thế nên tôi thừa nhận rằng mình hoặc thậm chí nhiều người sẽ không "giàu trắc ẩn" đến mức luôn cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy người thiệt thòi nào đó nhận được niềm an ủi, chỉ cho đến khi chị ấy lên xe hoa cùng người chồng hết lòng yêu thương. Mọi người, cả tôi nữa, hình như ồ lên "Cổ tích quá!".
Tôi không mang trên mình lỗi đau của Châu Loan, và đa số những người đã trầm trồ, có một sự thật hầu hết là phụ nữ. Tôi mường tượng ra rằng, nỗi xúc động phản ánh (hoặc là chạm đến) nhiều mong muốn. Các bạn hiểu ý tôi không? Giống như trường hợp của mẹ tôi, bà khóc ngay giữa bữa cơm trưa khi vì một "nhà vô địch" Đường lên đỉnh Olympia đang cười toe nhận vòng nguyệt quế. Căn nguyên cũng tại mẹ muốn tôi được như vậy. Trở lại chuyện khi nãy, căn nguyên cũng tại tôi (phụ nữ chúng tôi?!) vốn đã có trong mình đầy rẫy những khao khát hạnh phúc, bên cạnh đầy rẫy tủi thân. Chúng tôi ước gì người yêu mình sẽ ân cần như anh Vượng, ước gì chồng mình hi sinh như anh Vượng, ước gì mình-được-như-cô-ấy (!); mà ngày ngày ra đường ngó quanh chỉ thấy đàn bà than thân tố khổ kể tội đàn ông, về nhà đọc báo mạng lại cũng toàn chồng phụ bạc vợ, bạn trai tẩm xăng đốt người tình. Sự tủi phận cứ như thể lúc nào cũng giấu sẵn trong người. Cho nên khi nhìn thấy anh Vượng vì tình yêu mà đem đến cho Châu Loan một "happy ending" chân thành và hết sức bình thường như của bao người đàn bà khác, tôi cảm thấy như đám cưới ấy thuyết phục quá, đến mức có thể mừng thay cho Loan và cô ấy như trở thành chút gì đó hình tượng mang tính an ủi chính tôi, an ủi phụ nữ.
Trước đây tôi cứ hỏi tại sao đàn bà thích được xem thật nhiều phim Hàn, thứ phim lãng mạn ngôn tình đến sến sẩm và cực kì thiếu thực tế. Bởi vì đâu đó trong mỗi chúng tôi có một chút tự ti gây nên có một nỗi sợ hãi hiện thực, sống đối phó với các biến cố và thói quen tìm sự bình yên trong những an toàn giả tưởng hoặc những hạnh phúc không thuộc về mình. Bây giờ chính là lúc cao trào của "Cổ tích" đây, những tưởng là "ending" trong "happy" rồi, thế mà Loan lại đau thêm một lần nữa, tôi lại khóc thêm một lần nữa. Lần này thì tôi tin, đúng thực những giọt nước mắt của thứ cảm thông lớn hơn cái chạnh lòng đàn bà khi trước, một cái gì đấy giống như nỗi trắc ẩn con người mà không đơn thuần là trách móc số phận. Những sắp đặt của số phận thì vẫn khó lường và hàm chứa nhiều khổ đau, chúng ta điều biết thế, tôi cũng biết thế, vẽ ra cổ tích rồi lại bày ra bi kịch. Tôi chẳng định bắt đầu cho những lời chia sẻ kiểu như "Cuộc đời ai cũng có biến cố, không lớn thì nhỏ, chúng ta phải bla bla...". Không, lố quá! Lâu rồi tôi không còn xem phim Hàn nữa, tôi cho rằng bản thân ai cũng có trong mình câu chuyện, và người phụ nữ tiềm ẩn sức bật mạnh mẽ lắm. Cho nên tôi tin Loan có khả năng vượt qua lớn hơn nhiều lần những lời sáo rỗng ấy.
Tôi mong chờ cái ngày chị ấy vơi bớt nỗi đau mất mát, chị đứng dậy bình thản từ chính vực thẳm trong miền cổ tích đời mình, tôi (và cả phụ nữ chúng tôi) lại được mỉm cười hạnh phúc trước hạnh phúc của chị ấy - không dừng lại ở việc chị ấy sẽ có một người chồng ân cần như nỗi ước ao thuần túy đàn bà, mà chính ngay ở nụ cười chiến thắng số phận làm rung động trái tim con người.
Ôi phụ nữ ơi, những con người hay tủi thân và mau nước mắt! Tôi tha thiết mong rằng chúng tôi sẽ chẳng mãi ngồi đấy khóc cười với những đố kị và bất lực. Bởi chúng ta đang sống với thực tại mà, nên nếu có những thước phim đẹp, tôi chỉ mong người ta đừng chuẩn hóa thành "cổ tích", mà hãy cố gắng đưa được nó lồng vào câu truyện cuộc đời để vượt qua hết thăng trầm trong kiếp sống.
Depplus.vn/MASK