Cuộc chiến giữ hai mầm sống
Bị truy đuổi, cùng đường, O. (sinh năm 1995) đã viết đơn kêu cứu gửi PV. Theo lời O., cô quen Huỳnh Đỗ Đạt (sinh năm 1990, ngụ ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, huyện Củ Chi) và có thai. Biết gia đình sẽ phản đối, cô âm thầm giữ, một mặt thuyết phục Đạt chuẩn bị tổ chức đám cưới. Ngày 26/7, gia đình cô phát hiện con gái mang thai, đã “làm dữ” và ép đi phá. Bác sĩ chẩn đoán, 9X này mang song thai, đã được 11 tuần.
Trong gia đình, mẹ và bà ngoại của O. tỏ ra thông cảm, chấp thuận việc cô giữ thai cho đến ngày cưới. Tuy nhiên, người cha phản đối kịch liệt. 10h sáng ngày 29/7, khi O. đang ở nhà bà ngoại thì cha, các cô tìm đến thuyết phục thêm lần nữa, nhưng O. kiên quyết không chịu bỏ thai. Sau một hồi giằng co, cô đã bị túm lấy và "thảy" lên ô tô, chở đến bệnh viện Hùng Vương thêm một lần nữa. Sau khi ra sức vùng vẫy, thiếu nữ này vẫn giữ được thai và bác sĩ cho về nhà. Cô nức nở: “Người nhà của tôi đã canh giữ tôi rất nghiêm ngặt, không cho sử dụng điện thoại di động, lại còn lên kế hoạch đưa tôi đến một cơ sở nạo hút thai tư nhân, khiến tôi rất sợ”.
Bà Đỗ Thị Lan (mẹ Đạt) chia sẻ: “Con dại cái mang. Tôi đã nhiều lần qua nhà O., xin lỗi gia đình và xin được tổ chức đám cưới cho các con, nhưng họ không đồng ý, còn tỏ vẻ coi khinh gia đình tôi. Thú thật, con trai tôi đang chung sống như vợ chồng với một cô gái khác đã hơn 5 năm nay, chưa sinh con và cũng chưa đăng ký kết hôn. Giờ tôi vẫn muốn Đạt đến với O. để làm tròn nghĩa vụ chăm sóc đứa con trong bụng”.
Ngày 30/7, O. có dấu hiệu bị động thai, sốt ruột, nên đã nhờ mẹ Đạt và Đạt ứng cứu. Họ đã “giải thoát” được cô, đưa đến bệnh viện khám và bí mật trú ngụ ở một khách sạn trong trung tâm TP.HCM.
Bức thư giãi bầy hoàn cảnh của O.
Không môn đăng hộ đối?
Bà Lan cho biết: “Gia đình O. chê gia đình tôi, chê Đạt không có nghề nghiệp ổn định, nhưng tôi thấy về mặt kinh tế, gia đình tôi còn ổn hơn họ. Tôi nói với gia đình bên ấy rằng, dù xảy ra việc gì, thì cũng hãy vì tình người trước đã. Bào thai song sinh đã hơn ba tháng, người lớn hè nhau ép phá, không có cảm giác ác sao? Tôi chấp nhận chịu thiệt, chịu nhục để năn nỉ, van xin, nhưng gia đình O. vẫn không thay đổi ý định”.
Được biết, sở dĩ nhà gái không chấp thuận Đạt làm con rể, vì từ lâu đã biết Đạt lêu lổng, ham mê đá gà, thậm chí còn chơi “hàng đá”. Đạt vẫn muốn giúp O. giữ thai và sinh con, mặt khác lại đang vướng với mối quan hệ cùng một cô gái khác đã 5 năm, nên rất khó “danh chính ngôn thuận” khi đặt vấn đề cưới hỏi đối với O.
Đáng thương nhất là O., cô mới biết tin đậu vào trường ĐH Marketing TP.HCM, vẫn ngây thơ tin rằng Đạt sẽ chia tay “vợ hờ” để đến với mình. O. thật thà chia sẻ: “Anh Đạt nói sẽ bỏ cô gái ấy để cưới tôi, tôi phải giữ hai mầm sống đang lớn dần trong bụng mình, đó là kết quả tình yêu của tôi với Đạt”. Hỏi về tương lai sẽ ra sao khi còn trẻ mà phải làm mẹ, cô chỉ biết khóc: “Đến đâu hay đến đó, tôi chỉ biết rằng, không thể nhẫn tâm giết hai đứa con của mình”.
Bà mẹ 9X chịu nhiều nỗi khổ. Ảnh: minh họa.
Bà Trần Thị Lệ, Phó chủ tịch Hội LHPN huyện Củ Chi cho biết: “Chúng tôi đã đến nhà của O. để vận động, thuyết phục gia đình chấp thuận cho cô bé giữ thai. Tuy nhiên, chỉ có mẹ của O. là xuôi theo hướng giữ thai, phía cha và các cô vẫn chưa đồng ý. Việc cô bị người nhà “giam lỏng” và ép lên xe để đưa đến bệnh viện là sai. Chúng tôi cũng đã phân tích với gia đình về cách ứng xử và giải quyết vấn đề, cần phải nhẹ nhàng và đúng pháp luật. Trong những ngày tới, chúng tôi sẽ tiếp tục vận động”.
Hiện O. đã về ở tại nhà bà ngoại. Bà Lan cho biết, tối 31/7, có ô tô chở bảy người đến nhà bà và hỏi tên của con trai bà, sau đó lại bảo là “nhầm nhà” như một cách dằn mặt, khiến bà rất hoảng sợ. Riêng Đạt, vì sợ “giang hồ” kiếm, nên đã trốn bặt tăm, bà Lan không thể liên lạc được.
Người mang thai có quyền tự quyết
Hai bạn Đạt và O. đều đã trưởng thành, có quyền tìm hiểu nhau và đi đến kết hôn nếu có đủ các điều kiện kết hôn. O. năm nay 19 tuổi, đã đủ năng lực hành vi dân sự, có các quyền nhân thân và được pháp luật bảo vệ như quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể (điều 32 Bộ luật Dân sự (BLDS), quyền kết hôn (điều 39 BLDS), quyền được hưởng sự chăm sóc giữa các thành viên trong gia đình (điều 41 BLDS)… Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ phụ nữ, trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ (khoản 6 điều 2 Luật Hôn nhân và gia đình), làm mẹ là quyền tự nhiên và thiêng liêng của người phụ nữ nên được pháp luật và xã hội công nhận. Vì vậy, O. là người có quyền quyết định quyền làm mẹ của mình.
Cha mẹ nào cũng luôn thương yêu và mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho con của mình, tuy nhiên, không vì vậy mà có những quyết định thiếu tôn trọng con, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, đạo đức xã hội. Bởi làm như vậy là vi phạm quyền và nghĩa vụ của cha mẹ với con (điều 34 Luật hôn nhân và gia đình).
LS Lê Nguyễn Thuyền Quyên (Đoàn Luật sư TP.HCM)
phunuonline.com.vn