Cho đến bây giờ, nhiều đồng nghiệp của Thu thỉnh thoảng vẫn còn nhắc lại cái ngày đầu tiên thấy một cô bé cụt chân chống nạng xông thẳng vào phòng ‘sếp’ để phỏng vấn xin việc.
Lúc ấy, mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía cô bé khuyết tật có dáng người nhỏ bé, vừa mới ra trường mà ‘không hiểu sao lấy đâu ra nhiều tự tin thế’.
Nguyễn Thị Lệ Thu (quê Bắc Giang), sinh năm 1994 đang là kế toán cho một công ty tại Hà Nội. Ảnh: Nguyễn Thảo
3 năm làm việc ở đây, bây giờ hình ảnh của Thu trong mắt các đồng nghiệp không còn là một cô bé cụt chân như ấn tượng ban đầu. Nhắc đến tên Thu, mọi người sẽ nghĩ đến một cô kế toán lúc nào cũng vui vẻ, hòa đồng, hay cười hay nói.
Sinh năm 1994, một ngày cuối năm học lớp 5, Nguyễn Thị Lệ Thu gặp nạn. Đó là một ngày mùa đông, bố em đi làm thợ xây ở xa, mẹ đi bẻ ngô ngoài đồng.
Sáng hôm đó, cùng với đám bạn, Thu bế em gái mới 8 tháng tuổi leo lên bãi đất cao để xem người ta xúc đất. Không may, chiếc máy xúc bị lật. Đám bạn nhanh chân nhảy xuống. Lúc đó em ngờ nghệch lắm, không như bọn trẻ 10 tuổi bây giờ. Em chỉ nghĩ đơn giản là mình nhảy xuống thì em mình bị đau. Em chấp nhận đứng nguyên tại chỗ để thà máy đè lên mình để đau thay cho em. ‘Em cũng không nghĩ mình có thể mất mạng vì điều đó’.
Sau 2 tiếng tìm cách giải cứu, em được chuyển ngay lên Bệnh viện Việt Đức. Ngày hôm sau tỉnh dậy, em đã thấy chân phải bị cắt cụt lên tới đùi.
Câu hỏi đầu tiên của em là ‘chân con đâu?’, nhưng kỳ thực cô bé Thu 10 tuổi lúc ấy chỉ coi việc mất chân giống như mất một món đồ.
Mãi cho đến một ngày, đứa cháu của em hỏi các bác: ‘Dì mất chân rồi có mọc lại được nữa không’. Các bác bảo: ‘Chân mất rồi thì không mọc lại được nữa’. Nghe thấy vậy, em trùm chăn òa khóc. Lúc ấy, em bắt đầu nhìn thẳng vào sự thật.
Mất một chân nhưng Thu vẫn sống, làm việc và tham gia mọi hoạt động như những người bình thường khác. Ảnh: NVCC
Thời gian đầu, em phải bò lê vì chân trái cứng đơ. Rồi em nghĩ nếu cứ như thế này thì mình sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào gia đình. Em nén đau, tập co duỗi chân mỗi ngày một chút.
Chỉ 1-2 tháng sau, Thu đã đòi đi học. Bố mẹ thay phiên nhau chở em đi học bằng xe đạp. Em lại nghĩ, nếu thế này bố mẹ sẽ phải phục vụ mình suốt đời. Em lại quyết tâm tập đi xe đạp bằng một chân.
Suốt 7 năm học sau đó, em đã tự đi xe đạp một mình đến trường.Thu nhớ, đường đến trường cấp 3 chỉ dài 2 km nhưng có một đoạn dốc. Cứ mỗi lần lên dốc là các bạn lại ríu tay em kéo lên.
Lệ Thu nói: 'Em luôn đặt ra cho mình những mục tiêu trong cuộc sống để chinh phục'. Ảnh: Nguyễn Thảo
Năm 2012, em đỗ vào Trường ĐH Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, chuyên ngành Kế toán. Suốt 4 năm đại học, năm nào em cũng giành được học bổng. Thu cũng là một trong 4 sinh viên có điểm luận văn tốt nghiệp cao nhất khoa và tốt nghiệp bằng giỏi.
Từ năm thứ 2, em vừa học vừa đi làm thêm từ gia sư cho tới marketing online. Đến khi ra trường được 6 tháng, em đã tự mua cho mình chiếc xe máy 3 bánh có giá 24 triệu đồng.
‘Lúc nào em cũng trong trạng thái phải nỗ lực hơn người khác’ – Thu nói.
Thu tâm sự, từng có 2 chàng trai yêu thương em, nhưng cũng vì khiếm khuyết cơ thể mà gia đình bên kia phản đối. Đó cũng là nỗi lo lớn nhất của bố mẹ em bây giờ.
‘Nhiều khi bố mẹ em cười mà ra nước mắt. Có những lúc mọi người khen ‘con bé xinh xắn, học giỏi thế mà…’.
Mặc dù mọi người khen em nhưng đó là những câu nói khiến bố mẹ em đau lòng nhất’.
Bây giờ, bằng thái độ sống tích cực của mình, Thu còn truyền động lực sống cho những người khác cùng cảnh ngộ. Em trò chuyện, làm clip đăng tải trên kênh Youtube riêng có tên Amputee Land (nghĩa là Vùng đất của những người cụt tay/ chân).
'Em tin mình đẹp theo cách riêng' - Thu nói. Ảnh: NVCC
Những video giản dị chia sẻ cách Thu đi xe đạp, giặt quần áo, trồng cây… khiến nhiều người cảm phục. Điều đặc biệt nhất là Thu luôn làm mọi việc với nụ cười trên môi cho dù cuộc đời không hề mỉm cười với em.
Theo Vietnamnet.vn