Có một thực tế mà chắc không nhiều người biết là chúng ta vẫn đang đi liêu xiêu trên con đường tiến tới bình đẳng giới.
Theo báo cáo mới nhất của tổ chức Lao động quốc tế ILO, thì từ 1997 đến 2011, chỉ có 13 quốc gia trên thế giới là khoảng cách giữa thu nhập của đàn ông và phụ nữ không được rút ngắn, mà còn tăng lên. Trong số 13 “học sinh cá biệt” này, có Việt Nam.
Tất nhiên là để xét đến bình đẳng giới còn nhiều yếu tố. Nhưng hẳn nhiều người sẽ thừa nhận rằng khoảng cách thu nhập giới (GPG) là một trong những yếu tố quan trọng nhất. Đồng tiền lúc nào cũng là thứ khách quan nhất, bởi nó vô tình.
Thế là bất chấp những thống kê nghe có vẻ lạc quan như tỷ lệ lao động có việc làm là nữ giới (chiếm 49%, nghĩa là coi như đúng một nửa), phụ nữ tham gia Quốc hội (đứng thứ 2 trong ASEAN và 43 thế giới), tỷ lệ sinh viên nữ (nhiều hơn cả sinh viên nam), thạc sỹ, tiến sỹ,... thì thật ra chúng ta vẫn đang đi tụt lùi.
Mà cũng không biết gọi là “đi tụt lùi” có phải phép không vì phụ nữ Việt Nam trong thơ văn truyền thống thường được mô tả là những người “quanh năm buôn bán ở mom sông, nuôi đủ năm con với một chồng”, chưa bao giờ là lực lượng lao động yếm thế. Vậy mà xã hội càng phát triển họ lại càng kiếm ít tiền đi so với đàn ông. Chúng ta đang tiến đến cái gì, ông Tế Xương hẳn cũng không thể mô tả được.
Chuyện cũng không khó lý giải lắm. Giở báo ra, hôm qua lại thấy một phiên tòa ở Bình Định xử “bảo mẫu” ở một nhà trẻ chui làm trẻ chấn thương sọ não. Những sự việc liên quan đến bạo hành hay tai nạn ở nhà trẻ bây giờ nhiều không kể xiết, vụ này chưa hạ nhiệt trong dư luận, đã có vụ khác.
Dịch vụ chăm sóc trẻ em, một trong những yếu tố quan trọng trong việc quyết định sự nghiệp của người phụ nữ, đã được quy hoạch và quản lý như thế nào, và những kết quả (nếu không muốn dùng từ hậu quả) của nó như thế nào hẳn không cần trình bày ra ở đây.
Những câu hỏi thì đã được đặt ra nhiều năm rồi nhưng cho đến mấy ngày trước, một khảo sát ở các khu công nghiệp tại Bình Dương, TP.HCM, Đồng Nai đưa ra một kết luận đau lòng: 25% công nhân được hỏi biết cơ sở mầm non có bạo hành, nhưng vẫn phải gửi con.
Những thông tin tiêu cực gắn với bọn trẻ, bao giờ nghe cũng xót hơn với người lớn. Nhưng xót rồi chẳng biết phải làm gì.
Không có câu trả lời từ các nhà quản lý, có lẽ mỗi gia đình phải tự vận động. Chị em nên ra sức đồng lòng hạ thu nhập của đàn ông xuống, yêu cầu họ phải ở nhà cùng trông con. Cùng kéo lùi nhau xuống như thế, sang năm có thể thống kê của ILO về Việt Nam sẽ rất đẹp. Không cùng tiến lên được thì cùng đi lùi, cũng là bình đẳng vậy.
DepPlus.vn