"Chim khôn chọn chỗ mà đậu, chim dại chê tổ mà xa rời"
Trong lần họp mặt với nhóm bạn hồi Đại học, Tiểu Quân kể rằng anh vừa xin nghỉ việc ở công ty, bạn bè hỏi lý do tại sao, anh bèn làm một bài sớ dài phàn nàn về sếp cũng như đồng nghiệp cũ của mình.
Lý do đưa ra là: "Sếp quá keo kiệt, lương quá thấp"; "Đồng nghiệp khó hòa đồng, luôn giở trò sau lưng"; "Công ty chẳng có chút triển vọng nào cả, hoàn toàn không nhìn thấy tương lai"…
Tất cả chúng tôi im lặng, không ai nói gì. Một lâu sau, A Phàn - cô gái của nhóm hỏi ngược lại: "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân. Cậu đã mắc sai lầm gì không?". Dù Tiểu Quân ra sức chống chế rằng cậu làm việc rất tốt, mọi thứ ổn ngoại trừ những lý do kể trên. Anh tiếp tục đổ lỗi cho sếp và đồng nghiệp cũ, cho rằng bản thân là 'chim khôn chọn chỗ mà đậu', nên mới xin nghỉ việc. Công ty ấy không xứng đáng để có Tiểu Quân làm việc.
Người ta nói: "Chim khôn chọn chỗ mà đậu, chim dại chê tổ mà xa rời". Những lời phàn nàn cũng là lý do nghỉ việc của rất nhiều người, bởi vì chê bai đối phương cũng là khẳng định rằng bản thân không có lỗi. Thực ra, chuyển việc hay nghỉ việc là chuyện rất bình thường, với nhiều chuỗi nhà hàng hoặc những công ty bán lẻ, việc điều chỉnh nhân lực lại càng có tỷ suất cao hơn. Nếu quan sát kỹ, những người có quan hệ cá nhân tốt, thái độ làm việc cũng tốt, thì thường nhận được lời khen từ đồng nghiệp và khách hàng. Những người có thái độ làm việc không tốt, không tận tâm tận lực thậm chí vô trách nhiệm thì cả khách hàng và đồng nghiệp lắc đầu.
Sự khác biệt giữa hai mẫu người nói trên không chỉ thể hiện ở khả năng làm việc, mà còn phản ánh cả trong thái độ khi nghỉ việc của họ. Người có năng lực thường nói về công ty cũ bằng những lời nhã nhặn và thiện chí: "Công ty và đồng nghiệp đều rất tốt, chỉ là tôi có dự định khác, mọi người vẫn liên lạc với nhau". Họ không đổ lỗi cho công ty hoặc đồng nghiệp, mà chỉ nói rằng lý do nghỉ việc là của riêng cá nhân mình, như thế khi rời đi vẫn để lại tiếng thơm và ấn tượng tốt đẹp cho mọi người.
Nhưng những người không có năng lực lại thường lắc đầu ngao ngán: "Công ty quá tồi tệ, vì thế tôi không muốn làm nữa". Những người như thế chỉ thích phàn nàn về công ty, chỉ trích sếp cũng như đồng nghiệp, nguyên nhân xin nghỉ luôn luôn là vì người khác chứ không phải bản thân mình.
"Chim khôn chọn chỗ mà đậu, chim dại chê tổ mà xa rời", là chim lành hay chim xấu chỉ khác nhau ở thái độ. Chim khôn biết cân nhắc môi trường và các điều kiện khách quan rồi mới đưa ra lựa chọn tốt nhất, cũng chính là "tư duy kiểm soát từ bên trong". Chim dại thường đổ lỗi cho ngoại cảnh, đa phần là "tư duy kiểm soát từ bên ngoài".
Nhiều lúc, cảm xúc không phải do người khác mang lại mà là do thái độ và hành vi của bản thân. Đối với những điều không suôn sẻ, người ta thường có thói quen phàn nàn và chỉ trích, cho rằng mình luôn đúng. Nhưng những lời phàn nàn và chỉ trích ấy lại không mang đến cho chúng ta bất cứ lợi ích nào, thậm chí còn khiến người khác đánh giá tiêu cực về chúng ta. Vì thế đừng lãng phí thời gian và sức lực vào những lời như thế.
Một người lãng phí quá nhiều thời gian và tinh thần vào việc chê bai sếp cũ, trong mắt người khác, họ có năng lực tới đâu cũng không thể gọi là nhân tài, mà là người sống vô trách nhiệm.
Benjamin Franklin từng nói: "Người ngu ngốc đặt tâm ở ngoài miệng, người thông minh đặt miệng ở trong tâm". Nếu muốn là người thông minh nơi làm việc, đôi khi cũng cần giả khờ mà nói lời "ngốc nghếch"…
Nguyên tắc khi nhảy việc, nghỉ việc
Rời bỏ một công ty thì dễ nhưng để "hạ cánh" vững chắc tại một nơi mới mẻ lại là chuyện không đơn giản. Nếu có ý định nhảy việc, nên tuân thủ những nguyên tắc sau.
1. Đặt vấn đề chuyên môn làm nhân tố quan trọng hàng đầu
Trên thực tế, nhiều người thường xuyên nhảy việc, không chỉ thay đổi về chức vụ mà còn thay đổi về chuyên môn nghề nghiệp. Chẳng hạn: lúc thì làm trong bộ phận bán hàng, khi lại làm về tư vấn dịch vụ hoặc về hành chính…Vì họ cho rằng, làm như vậy họ có thể tích lũy được nhiều kinh nghiệm hoặc "đa di năng" về năng lực nghề nghiệp. Các làm này chỉ khiến họ phải "nhảy việc" nhiều lần mà thôi.
Cách tốt nhất nên trung thành với những kỹ năng chuyên môn, định rõ phương hướng nghề nghiệp, kiên trì "nhất nghệ tinh" để trở thành chính chuyên gia giỏi trong chuyên nghành của bạn. Có như vậy bạn mới có cơ hội thăng tiến trong công việc.
2. Hãy giữ thái độ chuyên nghiệp cho đến ngày cuối cùng
Sự thật là bạn sắp có hướng mới để đi, bạn có vô vàn kế hoạch cho công việc mới, hoặc cho việc du lịch… Dù cho bạn đang ngồi tại công ty, nhưng tâm trí bạn đã phiêu du cùng những kế hoạch sắp tới của bạn rồi. Bạn thấy hơi uể oải một chút. Nhưng chờ đã, thái độ này hoàn toàn không tốt tí nào đâu.
Lời khuyên: Cố gắng làm tốt công việc của bạn cho đến ngày cuối cùng. Cho dù bạn cảm giác tồi tệ thế nào về công ty hay sếp, bạn muốn được thoát khỏi chỗ này thế nào, hãy chuyên nghiệp cho đến phút cuối. Trong những ngày làm cuối cùng, hãy giữ nguyên thái độ và hiệu quả công việc như thể bạn vẫn còn là một nhân viên của công ty.
Người ta không thể nhớ tới lần bạn làm ròng rã 18 tiếng đồng hồ cho một dự án quan trọng 2 năm về trước đâu. Tuy nhiên, đồng nghiệp bạn, những người có thể sẽ là người cho nhận xét về bạn với nhà tuyển dụng mới hoặc là đối tác sau này sẽ nhớ bạn đi làm trễ như thế nào, lơ đãng như thế nào và về sớm như thế nào trước khi bạn nghỉ việc. Vì vậy, hãy để lại ấn tượng tốt đến giây phút cuối nhé!
3. Không nhảy việc vì lương thấp
Dù cho bạn đang phải đối mặt với sức ép về kinh tế, khi muốn thay đổi công việc, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về những cái được và mất cho công việc mới, ngoài việc đơn thuần chỉ xem xét mức lương. Nếu chỉ coi trọng đến tiền lương, đảm bảo bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có và thường xuyên phải nhảy việc.
Ngoài tiền lương, bạn nên cân nhắc kỹ lưỡng về thực lực của công ty, cơ hội phát triển, môi trường làm việc… Bởi chính những nhân tố này sẽ quyết định mức lương của bạn trong tương lai.
4. Không nên nhảy việc vì mâu thuẫn cá nhân
Nhiều người chỉ vì lý do không hài lòng với công việc đang làm hoặc đồng nghiệp trong công ty…mà nhanh chóng nhảy việc. Họ không biết rằng, đến nơi làm mới, tình cảnh tương tự rất có thể xảy ra. Lẽ nào lúc ấy họ lại nhảy việc? Nếu chỉ do một số nguyên nhân khách quan như vậy mà đã không ngại ngần nhảy việc chỉ chứng tỏ khả năng thích ứng của họ kém cỏi, họ chỉ còn cách trốn tránh mà thôi.
5. Đừng để lại ác cảm
Nguyên tắc khi nghỉ việc là: Đừng đi xung quanh nói xấu đồng nghiệp cũ, đặc biệt là nói với những người mới. Bạn sẽ vô tình gây thù chuốc oán, hay ám ảnh cho những người công ty cũ. Điều này cực kỳ không tốt cho công việc và các mối quan hệ sau này của bạn. Bạn đâu biết sau này khi nào sẽ gặp lại họ.
Do đó, dù lý do ra đi của bạn là gì, hãy giữ thái độ tích cực và thân thiện với những người trong công ty cũ, giữ được mối quan hệ tốt sẽ mở ra rất nhiều cơ hội với bạn trong tương lai.
Hoàng Mai (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)