Ảnh chỉ mang tính chất minh họa
“Lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ phát triển chậm chạp, lạc hậu so với các quốc gia trong khu vực. Nền sản xuất trong nước ít tạo ra được các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, tham gia vào chuỗi các giá trị toàn cầu. Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới thuộc Liên hiệp quốc công bố bảng xếp hạng chỉ số đổi mới toàn cầu năm 2012, trong đó Việt Nam bị tụt hạng, và theo kết quả những năm gần đây, Việt Nam nằm dưới lằn ranh trung bình. Các chuyên gia trong nước vào ngoài nước cảnh báo nếu không có sự đột phá trong sáng tạo, đổi mới thù Việt Nam sẽ là một quốc gia thiểu năng trí tuệ”, đó là một đoạn trong bài xã luận “Nhân tài và thế nước” đăng trên báo Lao động số Tết.
Trong chương trình kinh tế trên VTV chiếu vào dịp Tết, một so sánh được chỉ ra: lợi nhuận bán 3 tấn gạo của Việt Nam mới đúng bằng lợi nhuận bán 1 chiếc Iphone 5 của Apple. Tức là cùng một giá trị lợi nhuận của sản phẩm, nhưng con số khối lượng sản phẩm thì chúng ta phải gấp họ tới 27.000 lần. 3 tấn gạo, là biết bao mồ hôi công sức của bao người nông dân, nhưng 1 sản phẩm Iphone 5, thì ở đó bao gồm bao nhiêu hàm lượng trí tuệ? So sáng không phải để làm giảm giá trị của sản xuất nông nghiệp, nhưng thực tế chỉ ra, nếu không có hàm lượng trí tuệ cao, thì chúng ta phải đổi lại bằng công sức lao động tay chân.
Phải bán đến cả vài tấn gạo mới thu được lợi nhuận bằng bán 1 chiếc
Iphone 5. Nếu không có hàm lượng trí tuệ cao trong sản phẩm, thì
chúng ta phải đổi lại bằng mồ hôi công sức lao động tay chân.
Khoa học của chúng ta phát triển chậm chạp, lạc hậu hơn so với các quốc gia trong khu vực, cái đó chẳng cần những con số thống kê làm gì, cứ đặt chân sang nước khác là ta nhìn rõ ngay những cái ta kém họ. Singapore , Thái Lan , Malaysia , về tài nguyên, họ đâu có gì hơn chúng ta, nhưng họ phát triển hơn ta ở nhiều cái, nhiều lĩnh vực. Rồi năm qua, có 1 số liệu thống kê nào đó chỉ ra, Việt Nam có rất ít những bằng sáng chế khoa học, rồi thì các công trình khoa học có ứng dụng vào thực tế, thúc đẩy sản xuất và có ý nghĩa nhân văn, cũng không nhiều.
Thanh niên, có ai cảm thấy nhục, thấy xấu hổ, trước những vấn đề trên hay không? Có ai xấu hổ, tự ái, khi Việt Nam , nếu không nỗ lực, thì sẽ trở thành một quốc gia thiểu năng trí tuệ hay không?
Con người Việt Nam không ngu si, thanh niên Việt Nam không dốt nát, cái đó là truyền thống dân tộc, là trí tuệ cha ông truyền lại, trí tuệ và lòng quả cảm của dân tộc Việt, là điều cả thế giới phải công nhận?
Chúng ta không thiếu người tài, người giỏi, chúng ta không thiếu trí tuệ. Vậy tại sao, Việt Nam vẫn là nước kém về khoa học công nghệ? Do đâu, và ai là người giải quyết?
Không ai khác ngoài thế hệ trẻ, thế hệ đứng trước sứ mệnh lịch sử phát triển đất nước, khi được kế thừa lại thành quả bằng mồ hôi xương máu cha ông, một thế hệ những 7x,8x, 9x sướng hơn nhiều so với cha anh đi trước, sống trong hòa bình, thoải mái hơn về vật chất và đầy đủ phương tiện để bước ra thế giới hay tự sống khỏe trên quê hương mình.
Bao nhiêu vụ tai nạn giao thông chết người trong cái Tết này là do thanh niên uống rượu rồi phóng nhanh vượt ẩu? Ai đó gọi thế hệ thanh niên ở nông thôn giờ đây là thế hệ “lên nóc nhà rồi bắt con gà”, cứ nhạc vào là “bay lắc” tùm lum, phóng xe bạt mạng "đường làng là của ta". Ai đó gọi thanh niên đô thị là một thế hệ tự kỉ, suốt ngày lên facebook chém gió, than thở kêu chán rồi chửi đời. Còn “cái bọn trẻ sắp lớn” thì là những đứa trẻ hóa rồ vì các Ồ-pa Hàn Quốc, hời hợt và quên mất thậm chí quay lưng lại với các giá trị truyền thống. Đánh giá như thế là quá phiến diện, thiếu tích cực, chỉ nhìn mặt tiêu cực, nhưng nhìn lại thử xem, chẳng phải rất nhiều “thanh niên thế hệ mới” đang sống như vậy sao.
Anh diễn viên hài Quang Thắng vừa rồi đóng Táo kinh tế đã nhảy “hoang mang xì-tai” rồi hát “một năm kinh tế buồn”. Sẽ còn nhiều khó khăn trong năm Qúy Tỵ, kinh tế vẫn có nguy cơ “buồn” hơn, sẽ còn nhiều những hệ quả nếu chúng ta không sáng tạo, và vượt khó vươn lên.
Tin rằng, những bí thư chi bộ xã, nhưng doanh nhân thành đạt, những nhà khoa học tài giỏi, nhà báo, nhà văn, bác sĩ, chiến sĩ trên địa đầu Tổ quốc…những con người đáng vinh danh trong thời kì phát triển mới của Đất nước, sẽ từ những người trẻ biết nhìn xa trông rộng, biết sống có lý tưởng, nhìn xa hơn những hoài bão cá nhân, là những người trẻ, biết thấy xấu hổ, thấy nhục của ngày hôm nay.
“Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn”. Trong những ngày đầu xuân, khi chúng ta cùng tưởng nhớ cua Quang Trung thắng giặc ngoại xâm, thì cũng hãy nhìn về phía trước, đặt niềm tin hơn vào thế hệ trẻ, và cũng mong thế hệ trẻ, hãy sống sao cho có ý nghĩa hơn.
VnMedia