Thu nhập hơn 1 tỷ đồng mỗi ngày nhờ game... "ngớ ngẩn"
Trò chơi trên điện thoại di động có tên Flappy Bird đang tạo ra một cơn sốt trên phạm vi toàn cầu. Trang tin công nghệ Cnet cho biết, trò chơi này đem về cho tác giả Nguyễn Hà Đông, một lập trình viên trẻ ở Hà Nội, mức thu nhập lên tới 50.000 USD, tương đương hơn 1 tỷ đồng, mỗi ngày.
Hiện Flappy Bird đang chiếm vị trí dẫn đầu về số lượng lượt tải về tại cửa hàng ứng dụng trực tuyến App Store dành cho hệ điều hành iOS cũng như tại gian hàng Google Play dành cho các thiết bị sử dụng hệ điều hành Android.
Flappy Bird đang chiếm vị trí dẫn đầu về số lượng lượt tải về tại cửa hàng ứng dụng
trực tuyến App Store dành cho hệ điều hành iOS
Số lượt tải về Flappy Bird trên App Store đã đạt hơn 50 triệu, trong khi số lượt nhận xét đã đạt hơn 47.000. Các con số này ngang ngửa với số lượt tải và nhận xét dành cho các phần mềm đình đám như Gmail, Evernote…
Chính lượng tải về đã tạo ra nguồn thu nhập đáng nể cho tác giả của Flappy Bird. Là trò chơi được tải miễn phí, nhưng khi được chơi, Flappy Bird có một khung nhỏ trên màn hình dành cho quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ. Và tiền thu về từ các quảng cáo này chính là thu nhập cho lập trình viên Nguyễn Hà Đông.
Flappy Bird rất dễ chơi, theo đó người dùng chỉ cần chạm vào màn hình là con chim bay lên, nếu không là chim sẽ rơi xuống. Vì vậy, người chơi phải liên tục chạm vào màn hình để chim bay và dẫn chim bay đúng hướng. Đơn giản là vậy, nhưng đây là một trò chơi rất thách thức vì người chơi rất dễ bị “chết” nếu không cẩn thận.
Giao diện trò chơi Flappy Bird
Đây là một tựa game miễn phí được cho rằng khá "ngớ ngẩn", nhưng chính sự ngớ ngẩn trên đã giúp nó tăng hạng một cách chóng mặt, đẩy các ứng dụng nổi tiếng như Snapchat, Facebook Messenger, Clash of Clans, Youtube... để chiếm vị trí top 1 trên bảng xếp hạng ứng dụng miễn phí AppStore và Google Play. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Flappy Bird ở thời điểm hiện tại đang phổ biến hơn cả tựa game Angry Birds đình đám.
Nguyễn Hà Đông cũng khiến cộng đồng quốc tế ngạc nhiên khi biết có tới 3 game của anh đang xếp vị trí cao trên kho ứng dụng AppStore, với game Super Ball Juggling ở vị trí thứ 2 và Shurriken Block ở vị trí thứ 8. Những game này đều do một mình Nguyễn Hà Đông xây dựng dưới tên studio .Gears (dotGears).
Trò chơi khiến hàng triệu người "phát điên"
Nhiều người so sánh Flappy Bird với các game đã có trên thị trường, tuy nhiên, khi trải nghiệm thực tế, họ sẽ thấy trò chơi này tạo cảm giác hoàn toàn khác biệt. Đó là cảm giác khó chịu vì quá khó để đạt điểm cao, cảm giác bị "trừng phạt" khi chỉ cần mắc một lỗi nhỏ là trò chơi kết thúc và họ phải quay lại từ đầu.
Flappy Bird đang làm đảo lộn các công thức về thành công trong phát triển ứng dụng.
Người chơi chỉ cần chạm ngón tay vào màn hình điều khiển con chim đi qua các ống để ghi điểm nhưng họ phải chạm làm sao "không quá mạnh và cũng không quá nhanh" để chim tránh bị va vào ống. Nguyễn Hà Đông cho hay, số điểm cao nhất mà người chơi đạt được mới là hơn 300 và bản thân anh cũng chỉ được 150 điểm. Tất cả những số điểm lên đến hàng nghìn hay hàng triệu mà người dùng chia sẻ đều là nhờ "hack" máy chủ.
Cứ xem cách chơi và hình ảnh đồ họa tưởng rằng đơn giản, nhưng Flappy Bird chỉ dễ ở hai cấp đầu cho ai muốn giải trí chút chút thì tha hồ mà thử tài. Còn những ai muốn thử thách lên cấp 3 rồi cấp 4 là cực kỳ khó. Nhiều người mê game di động nói rằng game này khó chưa từng thấy. Game có tính “chọc tức” khiến người ta dễ ấm ức: “Dễ vậy mà mình không thắng nổi sao?” Bạn Nubia Carreon đã phải thú nhận mình bị nghiện game này mất rồi.
“Tôi đã đạt được điểm cao tới 42 nhưng tôi muốn cao hơn nữa kìa.” Bạn Adina Houston cảnh báo: “Đừng download game này nếu bạn bị sẵn bất kỳ dạng stress nào. Chỉ download nếu bạn muốn đập nát chiếc điện thoại của mình đang xài để mua một cái mới.”
Bạn Nickolas Hinson thì còn “kinh khủng” hơn khi sáng 4/2/2014 hậm hực: “Đừng chơi game này vì bạn sẽ nổi con thịnh nộ với cả thế giới. Game này sẽ khiến bạn muốn giết chết bất cứ con chim nào mà mình nhìn thấy.” Còn bạn Rob Andrion ngày 3/2/2014 đánh giá: “Đây là một game rất thách thức. Nó làm bạn muốn ném điện thoại và đập nát thành từng mảnh. Một game rất độc đáo, khác thường".
Bạn Someone Random123 trong cộng đồng iOS sau khi cho Flippy Bird điểm 5/5 đã viết: “Flappy Bird cho tới nay là một game chọc tức nhất mà bạn từng chơi trong đời mình. Nó sẽ khiến bạn phải nổi khùng lên la hét om sòm (tôi không có đùa đâu nghen).”
Và một sự việc khiến cộng đồng thế giới phải bàng hoàng liên quan đến game độc đáo và gây "nghiện" này là một thiếu niên tại Chicago (Mỹ) vừa bị bắt vì giết anh trai mình sau khi bị vượt mặt trong trò chơi Flappy Bird. Người em trai đã không kiềm được sự tức giận và ghen tức với anh trai mình nên đã hạ sát một cách thương tâm.
Vụ án thương tâm được truyền thông đưa tin
Gary Wright, 16 tuổi, đang chơi trò chơi "Flappy Bird" cùng anh trai, Jabari Wright, 17 tuổi. Khi Jabari vượt đạt được mức điểm 17 trong trò chơi thì người em Gary giật phắng điện thoại khỏi tay người anh vì cứ mãi trêu mình chỉ được 6 điểm. Rồi Gary vung dao và đâm vào ngực anh trai mình 17 nhát (tượng trưng cho số điểm 17). Gary sau đó đã tự gọi điện cho cảnh sát đầu thú.
Tất nhiên, việc người chơi phát điên, nổi cáu, giận cá chém thớt hay mất kiềm chế khi chơi Flappy Bird chủ yếu là do cá tính của từng người. Tuy nhiên, những ví dụ kể trên cho thấy một sức hút không thể chối cãi của trò chơi này.
Game Việt gây bão được viết trong 3 ngày
Tác giả của game Flappy Bird được xem là người "chỉ thích làm việc lặng lẽ" và không thích xuất hiện trước công chúng. Hà Đông chỉ cho TechCrunch biết mình là người sáng tạo duy nhất tại .GEARS do anh thành lập và điều hành. Anh tiết lộ mình chỉ mất 2-3 ngày để hoàn thành game Flappy Bird và đã sử dụng lại những đồ họa từ các game khác.
Hà Đông nói với TechCrunch: “Tôi không biết game của mình lại có thể rất phổ biến như vậy. Hầu hết người chơi là học sinh. Tôi muốn cảm ơn các em đã chơi game của tôi và chia sẻ với những người khác.”
Nguyễn Hà Đông (phải) là tác giả của game Flappy Bird đang gây bão
(Ảnh do Phóng viên Phương Thúy chia sẻ).
Về độ khó của game, tác giả khẳng định không có bất cứ tình huống nào mà người chơi không thể vượt qua được. “Trong tất cả các game của tôi, điểm giành huy chương Platinum Medal là điểm số cao nhất mà tôi đạt được vào thời điểm tôi phát hành các ứng dụng này.” Anh chỉ khuyên người chơi đừng đẩy “quá mạnh và quá nhanh”.
Về tương lai, Hà Đông cho biết dự định cập nhật các game Flappy Bird, Super Ball Juggling, và Shuriken Block ngay. Anh cũng sẽ cố gắng phát hành một game iOS mới với nhân vật con mèo trong game HTML5 đã có của mình là Smashing Kitty nhưng dùng cơ chế chơi khác hẳn".
Hà Đông cho biết chưa hề dùng bất cứ phương pháp quảng cáo nào cho game Flappy Bird hay các game khác của mình. Các tài khoản giới thiệu game này trên các mạng xã hội đều là của những người hâm mộ giúp quảng bá cho cộng đồng. Nhưng bây giờ thì game này đã trở thành một hiện tượng dưới nhiều góc độ, từ thế giới di động, cộng đồng game, tới giới phát triển phần mềm ứng dụng, kinh doanh điện tử, cho tới cả chuyện khởi nghiệp trong kỷ nguyên công nghệ. Quá nhiều trang mạng và cả những tờ báo nổi tiếng như Forbes, Huffington Post, Atlantic, Cnet, Time, USA Today, Reuters, PC Magazine… đã có bài nói về Flappy Bird.
Đông cho hay hòm thư của anh luôn ngập tràn e-mail tiêu cực nhưng anh "đủ mạnh để chịu đựng trước những nhận xét như thế". Trong khi đó, nhiều người cho rằng một lập trình viên của Việt Nam không có sự hậu thuẫn nào có thể tạo ra không chỉ một mà tới 3 trò chơi nằm trong bảng xếp hạng 10 ứng dụng phổ biến của App Store là một kỳ tích mà bất cứ công ty game hay chuyên gia phát triển độc lập nào cũng phải mơ ước, do đó "hãy ngừng nói về việc Đông may mắn, trò chơi nhàm chán, sao chép... Tất cả những điều đó không còn quan trọng, hãy tận hưởng khoảnh khắc chiến thắng này".
"Danh tiếng bất ngờ tất nhiên sẽ làm đảo lộn cuộc sống của bất kỳ ai, đó là chuyện hết sức bình thường. Một nhà phát triển nhỏ bé có thể có 3 ứng dụng nằm trong top 10 của App Store Mỹ là điều dường như không tưởng. Truyền thông Mỹ rất thích những câu chuyện như vậy và họ sẽ tìm cách lái câu chuyện theo nhiều hướng khác nhau để thu hút dư luận. Mặc dù đã có sự chuẩn bị trước nhưng thực sự tôi vẫn bị bối rối và có phần cẩu thả trước giới truyền thông", Đông chia sẻ.
Cho tới hôm nay, Đông gần như "tránh" truyền thông, các cuộc phỏng vấn. Hiện tại có hai tờ báo của Mỹ là Wall Street Journal và New York Times đang hẹn phỏng vấn chàng trai "gây sốt' này.
Trên nhiều trang mạng, ngoài việc ngưỡng mộ, nhiều người cũng tỏ ra "ghen tị" với thu nhập khủng mà có thể chàng trai này đang thu về mỗi ngày. Tuy nhiên, trên tất cả đây là tín hiệu đáng mừng cho giới công nghệ trong nước nhân dịp đầu năm mới.
Theo Pháp Luật Xã Hội