Trên Facebook cá nhân của chàng trai Hà Thành có tên Như Vũ vừa xuất hiện một bài viết có nội dung về quan điểm kiếm tiền và bằng cấp với những lập luận thẳng thắn và sâu sắc của tác giả. Đứng ở vị trí của một người ít nhiều đã trải qua không ít gian nan vất vả của việc kiếm tiền khi bản thân không có bằng Đại học, chàng trai Hà Thành Như Vũ đã chỉ ra những điểm tích cực lẫn tiêu cực trong suy nghĩ của các bạn trẻ về việc tìm một con đường thành công, trong khi bản thân lại được bao bọc quá kỹ bởi gia đình.
Một trong những điểm thu hút nhất trong bức tâm thư là tâm sự chân thành về con đường khởi nghiệp không trải hoa hồng của chàng thanh niên trẻ, khi buộc phải tự xoay sở trên thương trường khi bản thân không tiền, không bằng cấp, không có chỗ dựa kinh tế… Tất cả chỉ nhờ chăm chỉ, và tận tâm khi bắt tay vào việc, đến nay chàng trai đã có thể tự tin chia sẻ về công việc kinh doanh ổn định mình đang theo đuổi với số lãi “khủng” lên tới 500 triệu đồng/tháng.
"Bỏ ngang Đại học mà đút túi nửa tỷ một tháng cũng không dễ đâu. Mình không phủ nhận học thức, phủ nhận kiến thức, vì đến giờ này mình vẫn mong muốn học, vẫn đang học. Học những thứ mà chẳng trường Đại Học nào cung cấp nổi ngoài trường Đời.
Những ngày này, mình rất mệt vì mấy đứa em liên tục khóc, khóc và khóc như phim “Cô dâu 8 tuổi” chỉ vì: lo lắng điểm thi đợt vừa qua không tốt! An ủi, chia sẻ mãi, chúng nó vẫn khóc cả nghìn tập. Ức chế!
Đã vậy, lại còn bố mẹ chúng kêu ca than vãn con cái “chỉ ăn với học mà không nên hồn”. Thần linh ơi! Anh điên cái đầu mất thôi. Nhục cái, lại lôi mình ra làm “tấm gương lớn” mới oách. Mà mình gương nỗi gì? Bỏ ngang Đại Học đi kinh doanh, thèm học Đại Học bỏ xừ mà không có tiền nên mới bỏ ngang mà. (tiếp tục kêu “Thần linh ơi!” phát nữa).
Mình nhớ, nhiều năm trước chỉ vì làm vừa lòng bố mẹ, mình thi vào Đại học Xây Dựng, điểm số khá cao lúc ấy, rồi mình cũng bỏ sau gần 1 năm học. Mình thấy nản với các môn học khô khan và không “xay” ra tiền ngay lập tức. Mình, khi ấy, không một đồng xu trong túi. Bố mẹ thuộc công nhân viên chức, chỉ đủ ăn. Mình đã theo chân các anh, chị học nghề kinh doanh mỹ phẩm. Bởi khi ấy, mặt hàng mỹ phẩm đang khá là hot, nhất là hàng xách tay của nước ngoài.
Từ một đứa vét mông cả ngày không có 1 xu, mình làm tiết kiệm được vài tỉ. Làm thương mại sản phẩm spa, mở spa, mất trắng cả vài tỉ ấy, mình vẫn cười. Quan trọng là mình đã kiếm tiền, dùng tiền và đánh mất tiền, và có thêm bài học.
Nhiều người trẻ kinh doanh đánh mất tiền nhiều, nhưng họ có bài học để cho những lần kinh doanh tiếp theo. Nhiều người trẻ không dám mất thứ gì, chỉ cứ ngồi chẹp miệng chửi đổng sau bàn phím, hoặc ngồi chém gió bão sau bàn phím, hoặc tiếc nuối vì không có gan làm. Tuổi trẻ, hơn thua mình có gan, mình chịu khó vận động, không ỉ lại thôi.
Mấy đứa em mình luôn ước ao kiếm được nửa tỉ mỗi tháng đút túi như mình, hay nhìn vào mấy cái spa của mình để tặc lưỡi “I like”, thế nhưng lại tặc lưỡi: Em không giỏi như anh. Mình lại nghĩ khác: Chúng mày giỏi gấp tỉ lần anh.
Vì rõ ràng, bảng điểm học cấp 3 chúng khá hơn mình, nghĩa là chúng thích nghi với nền giáo dục này tốt hơn mình. Tiếng Anh, Pháp, Nhật chúng tốt hơn, khi mà mình vẫn đang phải cặm cụi học gần như từ đầu. Chúng ăn mặc, chơi, có gout tốt hơn mình, bắt kịp xu hướng hơn mình, mình vẫn lẹt đẹt xa nền thời trang cả 5, 7 năm, chiến tích gái gú bậc thầy của mình nữa.
Chúng thích nghi tốt hơn hẳn. Vậy vì sao chúng vẫn không là mình?
Vì:
Chúng nó được bố mẹ cung cấp đầy đủ, ăn có người nấu, mặc có người lo, xe có người mua, đồ có người giặt… Trong khi mình thì miếng ăn cũng vừa chạy vừa ăn, nấu tự nấu, lại còn trông thêm con em nghịch như giặc. Mặc đi mặc lại vài cái quần áo cũ, nếu được mẹ mua cũng phải cân nhắc chán. Xe đến giờ vẫn đi 2 bánh, không có nhu cầu đi 4 bánh dù muốn vẫn dư sức mua dòng xe sang… Và, ở cái đầu 8 đít chơi vơi như mình vẫn đang phải lo tất cả về chi phí gia đình, em út học hành, bố mẹ ốm đau… Cái gì giúp mình làm được điều ấy? Chính là cái nghèo, khổ, sự bứt lên cái nghèo - khổ mà thôi.
Nhưng, lũ em vẫn cứ mơ ước giỏi như mình, vì tâm lý ai cũng nghĩ “cỏ bên đồi xanh hơn”. Trong khi chúng nó cần lăn xả vào cuộc đời này đi làm, trải nghiệm, kiếm tiền chịu khổ đi cho biết … thì không dám. Mà thật ra, các cô chú họ nhà mình cũng chẳng dám để chúng nó lăn xả vào cuộc đời đâu, họ lo, lo gì chẳng biết nhưng cứ “lo bò trắng răng” vậy đó.
Trong khi bố mẹ mình chẳng biết có lo nhiều vậy không, nhưng mình cứ buộc phải lăn xả vào cuộc đời này để hết tấn công đến phòng ngự, và tự tạo ra cơ chế phản vệ tốt với cuộc đời. Tất nhiên, mình vẫn sẵn sàng đón nhận các đợt tấn công mới của cuộc đời. Vì cuộc đời đâu chỉ rượu thơ và gái ngọt, nhất là việc kinh doanh. Nhỉ!
Tiếp nữa, chúng nó lo không đỗ trường này sẽ đành vào trường kia (dù trường đấy không có khoa mình thích, nhưng miễn là được học Đại Học. Thế đấy!). Bố mẹ chúng cũng hy vọng thế! Hy vọng con đỗ Đại học, mở mày mở mặt, hy vọng nó ra có nghề nghiệp ổn định. Mà không hề biết rằng: Chúng nó chẳng nghĩ xa vậy đâu, chỉ mong được kéo dài cuộc sống “chỉ biết chơi thôi chẳng biết gì/ Tiền và chi phí mẹ phải chi”.
Để rồi, khi ra trường một lố học dù có đến đầu đến đũa nhưng không yêu, không đam mê nghề, không chịu cực nhọc khổ sở vì nghề… Vậy thì ai dám thuê, đốt veo 4 năm tuổi trẻ cộng với tiền bạc gia đình.
Trong khi đó, mình định hướng ngay: Mình cần gì bây giờ? Tiền. Mình muốn học gì? Kinh doanh thương mại. Và mình bỏ Xây Dựng để theo nó. Mình vẫn tiếc lắm vì tuổi trẻ thì qua nhanh, mình trễ việc học vài năm rồi. Nhưng không có nghĩa là mình không quay lại giảng đường một ngày nào đó. Nhưng tất nhiên, học không chỉ lấy bằng, mà học vì mong mỏi kiến thức. Nên, đừng đốt tuổi trẻ trong giảng đường Đại Học, hoặc hãy ra đời trải nghiệm dù không được nửa tỷ như anh. Các em nhé!" - chàng trai Hà Thành Như Vũ viết.
Ngay sau khi xuất hiện đoạn tâm thư này, Như Vũ nhận được nhiều luồng ý kiến trái chiều của dư luận. Nhiều người tỏ ra đồng quan điểm và ủng hộ anh chàng nhưng cũng không ít cư dân mạng phản đổi. Với hầu hết các bạn trẻ, Đại học vẫn là một giai đoạn cần thiết trước khi bước vào đời.
Hoàng Lê (Theo Giadinhvietnam.com)