Đã hét lên vì sung sướng
Vào một ngày tháng 3/2012, trong khi đang lái xe trên đường, Thạch Tak Nguyễn nhận được một cuộc gọi điện thoại từ số lạ. Thạch nghe máy và phía bên kia đầu dây vang lên: “Tôi gọi từ Nhà trắng…”.
Sau gần một phút lắng nghe điện thoại, Thạch Tak Nguyễn bất ngờ hét ầm lên trong xe. Đấy chính là thời điểm, Thạch Tak Nguyễn nhận được thông báo của Nhà Trắng về việc anh và nhóm của mình với tổ chức phi lợi nhuận “Swipes for the Homeless” (Thẻ ăn cho người vô gia cư) đã lọt vào top 15 của chương trình “Campus Champions of Change Challenge”.
Nói về dự án “Swipes for the Homeless” của Thạch Tak Nguyễn. Vào mùa thu năm 2009, Thạch Tak Nguyễn cùng với một người bạn cùng trường là Brian Pazeshki quyết định thành lập tổ chức phi lợi nhuận “Swipes for the Homeless” với vai trò như một tổ chức chính thức của sinh viên đại học California nhằm giúp đỡ những người vô gia cư, đặc biệt là những sinh viên vô gia cư có hoàn cảnh đói nghèo, khó khăn.
Tổng thống Mỹ B.Obama trao danh hiệu “Champions of Change”
cho Thạch Tak Nguyễn.
Thông thường, tại các trường đại học Mỹ, mỗi sinh viên đều trả tiền ăn trước cho một kỳ học. Khi đi ăn, các sinh viên sử dụng thẻ ăn này để trừ dần các bữa ăn.
Thạch Tak Nguyễn và các thành viên trong nhóm của mình tiến hành kêu gọi các sinh viên ủng hộ những sinh viên nghèo, không nhà cửa bằng cách cà thẻ thêm một lần. Hoặc, kêu gọi những sinh viên có thẻ ăn còn rất nhiều bữa (do không sử dụng đến) đem tặng.
Hình thức hoạt động này của nhóm Thạch Tak Nguyễn mang lại hiệu quả rất tốt. Có những thời điểm, nhóm đã thu được gần 7500 bữa ăn trong một học kỳ, đưa con số tổng bữa ăn thu được là 20.000 để ủng hộ những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc người vô gia cư.
Ngoài việc vận động sinh viên đóng góp bữa ăn, tổ chức của Thạch Tak Nguyễn còn thực hiện việc thu gom những bữa ăn thừa ở các nhà hàng, các nhà ăn sinh viên để đem đến cho những người vô gia cư.
Cho đến nay, các chi nhánh của “Swipes for the Homeless đã được thành lập ở các trường đại học Southern California, UC Berkeley, Texas State University - San Marcos, thậm chí là cả những trường quốc tế như Đại học Paris, Pháp.
Việc Thạch Tak Nguyễn làm hồ sơ tham dự chương trình với mục tiêu “chiến thắng tương lai” của Tổng thống Obama đến một cách rất “vô tình”. Thạch Tak Nguyễn kể rằng, vào cuối năm 2011, trong khi đang “lướt” Facebook, anh đã thấy thông báo về cuộc tìm kiếm “Campus Champions of Change Challenge”.
Thạch Tak Nguyễn là 1 trong 5 người được Tổng thống Mỹ B.Obama
trao danh hiệu “Champions of Change”.
Vậy là anh cùng nhóm mình quyết định viết đơn và hồ sơ để gửi đi. Tuy nhiên, với những ý tưởng thiết thực và mang lại ý nghĩa lớn, góp phần làm thay đổi cộng đồng, Thạch Tak Nguyễn và “Swipes for the Homeless” đã lọt vào top 15 dự án có thứ hạng cao.
Nhờ sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, đặc biệt là chính những sinh viên các trường đại học đã được dự án của Thạch giúp đỡ, “Swipes for the Homeless” đã vươn lên và trở thành 1 trong 5 nhóm đứng đầu, có cuộc gặp gỡ với Tổng thống Obama.
Với Thạch Tak Nguyễn cùng mọi người trong tổ chức thì nhiệm vụ của “chúng tôi không chỉ là cung cấp các bữa ăn cho người vô gia cư mà còn là giáo dục và làm tăng nhận thức cho sinh viên về cách mà họ có thể trực tiếp tác động và tạo sự khác biệt hữu hình trong cộng đồng của mình”.
Trưởng thành từ nỗi đau
Gia đình Thạch Tak Nguyễn sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Lúc đó, gia đình Thạch có 5 người, gồm bố mẹ, hai người anh trai và Thạch Tak Nguyễn. Đến năm 1992, khi Thạch được 4 tuổi thì gia đình di cư sang Mỹ.
Ở Mỹ, cả bố mẹ của Thạch đều làm những người lao động bình thường với nghề cắt tóc. Một thời gian sau khi sang Mỹ thì gia đình có thêm một người em trai nữa. Tuy nhiên, do cuộc sống có nhiều khó khăn về kinh tế nên bố mẹ Thạch Tak Nguyễn thường xuyên cãi vã, xung đột.
Những mâu thuẫn đó lớn dần lên theo thời gian. Đến năm Thạch được 15 tuổi thì bố mẹ Thạch chính thức li hôn. Mẹ Thạch đi bước nữa.
Ngay từ những năm còn nhỏ tuổi, Thạch đã bộc lộ sự thông minh, sáng dạ. Học tiểu học, Thạch được học ở lớp đặc biệt dành cho các học sinh giỏi, có năng khiếu. Thành tích học tập của Thạch luôn tốt. Vậy mà, thời gian bố mẹ Thạch chia tay, kết quả học tập của Thạch bị yếu đi rất nhiều.
Song, với nghị lực của một người luôn tin vào khả năng của mình, Thạch đã dần vượt qua được những khó khăn trong đời sống gia đình. Thạch tham gia nhiều hơn vào các công việc tình nguyện, các hoạt động xã hội.
Sau đó, Thạch viết bài luận văn để xin vào học tại trường Đại học California và thành công. Trở thành sinh viên của trường Đại học California, sự trưởng thành của Thạch cũng dần được khẳng định.
Trong suốt 4 năm đại học, Thạch không nhận một khoản tiền chu cấp nào từ gia đình mình. Ý thức được hoàn cảnh kinh tế còn khó khăn, eo hẹp của bố mẹ nên Thạch nỗ lực hết sức để tự lập trong cuộc sống của mình.
Thạch đi làm thêm rất nhiều công việc – những điều mà Thạch đã quen từ hồi còn học trung học. Trong năm học đầu tiên, Thạch đi làm ca đêm, từ 9h tối đến 3h sáng với số tiền công là 9 USD mỗi giờ. Công việc vất vả đến nỗi Thạch trở nên gầy gò, xanh xao.
Đến năm học thứ hai, dưới sức ép của cha mẹ, Thạch nghỉ làm một thời gian và sống bằng tiền bố mẹ gửi cho. Mỗi tháng bố và mẹ Thạch gửi cho 200 USD (bố gửi 100 USD, mẹ gửi 100 USD).
Song, chỉ bốn tháng sau đó, Thạch lại nói với bố mẹ rằng mình đã có việc làm mới nên bố mẹ không cần gửi tiền nữa. Không những vậy, Thạch còn gửi trả lại mẹ mình 400 USD mà bà đã gửi trong thời gian bốn tháng trước đó.
Ý thức về cuộc sống của những sinh viên người cũng như những người vô gia cư nên Thạch đã rất tích cực trong việc làm tình nguyện và hi vọng công việc của mình có thể giúp đỡ cho nhiều số phận bất hạnh trong xã hội.
Đặc biệt, Thạch hi vọng rằng Thạch có thể trở về Việt Nam để thực hiện chương trình của mình. Lúc còn nhỏ, học trường năng khiếu dành cho các học sinh giỏi, xung quanh Thạch toàn là người Mỹ với văn hóa Mỹ.
Thế nhưng, càng lớn, Thạch càng thấy mình là người Việt với tâm hồn Việt và ý thức rõ nhất về nguồn gốc Việt Nam của mình. Thạch nói rằng: “Việt Nam rất quan trọng với tôi. Tôi thấm nhuần văn hóa Việt và muốn trở về giúp đỡ cộng đồng như đã giúp đỡ những người nghèo khó bên Mỹ”.
Đời Sống & Pháp Luật