Ở tuổi 30, cô giáo trong chia sẻ dưới đây có cuộc sống khiến nhiều người phải mơ ước. Cô hiện đã lập gia đình, có một con gái 5 tuổi. Cuộc sống an nhàn, thảnh thơi nhưng bỗng xảy ra biến cố khi phải cắt đi "một nửa tâm hồn" vì phát hiện mắc ung thư vú.
Cô kể: "Hôm ấy đi dạy về. Thay quần áo ra, mặc bộ ngủ 2 dây ở nhà. Đang soi gương tao nhìn thấy nách có cục gì nổi lên hơi to. Tao hỏi mẹ chồng. Mẹ bảo nhìn lạ con à, con đi khám xem. Tao cũng chủ quan bảo chắc không sao. Thế là mãi hơn tháng sau mới đi khám. Hôm ấy đi còn bảo với chồng và mẹ chồng là không cần đi cùng đâu. Trêu chồng là ở nhà trông con, em đi lên Hà Nội hẹn hò trai đây. Thế là tao đi 1 mình. Đi khám mà có gì đâu. Coi như đi chơi vậy. Lâu lắm không được đi chơi.
Một mình chạy khắp nơi chụp chiếu xét nghiệm, may được cái nhanh miệng nên hỏi khắp nơi các khoa phòng nên cũng xong. Cầm kết quả trên tay đọc không hiểu gì. Tao đi vào phòng khám. Tao nghe 2 bác sĩ nói gì với nhau mà trẻ quá, muộn quá. Xong tao vào nghe bác sĩ nói: 'Cháu là X à. Ung thư rồi cháu nhé', nhẹ nhàng như tiếng gió qua tai, sao đi khám muộn vậy. Chủ quan quá. Để khối u to rồi. Chắc phải truyền hóa chất xong mới mổ được cháu nhé, nhập viện sớm càng tốt. Cháu đang giai đoạn 3 rồi'. Tao bần thần cười cầm kết quả ra về. Về nhà suy nghĩ linh tinh, đi đường như người mất hồn.
Bố mẹ gọi tao còn bảo không sao. Đi đường nước mắt rơi. Ung thư có phải là chết không? Con mình rồi ai chăm? Hay sống với mẹ ghẻ nó sẽ như thế nào. Tao cứ thế khóc mãi đến khi về. Gạt nước mắt, tao bảo bố mẹ và chồng: 'Con không sao đâu. Bác sĩ bảo cắt đi là khỏi'. Cả nhà tao hôm ấy như đưa đám, tao bảo con không sao rồi cười cười, cố giữ không khí gia đình không tiêu cực".
Sau đó là quãng hành trình dài chữa trị ở bệnh viện: "Xạ trị tới giờ không nhớ nổi bao lần. Tao cũng quen dần đi. Lúc đầu hồi hộp căng thẳng lắm. Cảm giác lần đầu tiên chất lỏng ấy chảy trong người khó tả lắm: lúc thì nóng bừng lên thấm vào da thịt rồi lại lạnh buốt, nôn nao. Thốn tận tâm can. Tao hôm đầu miên man từ sáng tới tối. Từ sợ thành quen vì có chồng chăm sóc. Động viên. Cứ thế tầm 20 ngày lại vào viện truyền hoá chất một lần trong 6 tháng. Lông mày, lông mi, tóc trọc hết. Cảm giác cứ ăn ngủ rồi chờ ngày truyền hoá chất y như phạm nhân trong tù.
"Cảm giác cứ ăn ngủ rồi chờ ngày truyền hoá chất y như phạm nhân trong tù" (Ảnh minh họa)
Mệt mỏi. Đau đớn. Sợ hãi. Nhớ con. Bác sĩ bảo nên cắt đi. Tao sợ phẫu thuật hơn cả xạ trị. Vì không một người phụ nữ nào muốn mất 1 bên vú, nét đẹp của người phụ nữ ở đó chứ ở đâu. Nhưng không cắt thì chết. Thế là tao lên bàn mổ. Từ từ chìm vào cơn mê. Tỉnh dậy nhẹ nhàng. Thế là đã thẳng băng. Đẹp quá. Bác sĩ mổ đẹp. Vết mổ ngắn gọn gàng. Tao ôm chồng khóc nức nở. Tủi thân. Tao sợ nhất ánh mắt mọi người khi nhìn tao khi đó, y như lúc tao đầu trọc, ám ảnh lắm".
Rồi được tháng tao tiếp tục xạ trị, bác sĩ chấm lên ngực những vết cần xạ trị, rồi chỉ định điều trị hoá chất bao những đợt tiếp theo. Tao mệt mỏi sợ hãi. Sợ xấu xí, sợ chết, tao nhớ con, nhớ nhà lắm. Đáng sợ là gì hả chúng mày? Đáng sợ là khi sống và đợi chờ, rồi thấy hoặc nghe tin các bệnh nhân cùng phòng mình mất. Nó y như án tử hình.
Chỉ khác là không được định sẵn thôi. Bây giờ chỉ biết tao còn được gặp con, được tỉnh lại là mừng rồi. Tao nhận ra xấu không quan trọng bằng được sống... Giá như tao không chủ quan quá, muôn vàn lần giá như. Nhưng tao tin ông trời đã lấy đi của tao 1 nửa tâm hồn, sẽ không lấy đi của tao tất cả. Nhất định tao sẽ sống đợi con gái tao lớn phải không?".
Bên dưới, nhiều người động viên cô giáo chiến thắng căn bệnh quái ác. Vì dù sao cô cũng đã đi qua chặng đường khó khăn nhất, giờ quan trọng là giữ vững niềm tin đến khi khỏi bệnh hoàn toàn.
Thủy Chi (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)