Vợ khó chịu vì phải phục vụ cơm nước
Sáng sớm ra đã nghe tiếng vợ văng vẳng bên tai, giật mình thức giấc thì ra vợ đang nói cạnh, nói khóe, rồi lại nồi niêu xoong chảo rơi liêu xiêu, nghe nhức óc, nhức đầu. Bật dậy, hỏi vợ chuyện gì, vợ chỉ cau mày, húng hắng: “Sáng ra đã cơm cơm nước nước, mệt hết cả người, chẳng còn sức mà đi làm”.
Chỉ cần nhìn ánh mắt ngại ngùng của bà cô và đứa em họ là tôi ngại đến tím tái cả mặt mày. Chắc trong lòng người cô họ cũng hiểu được đôi điều từ thái độ của vợ. Cô đi lên nhà, chẳng nói chẳng rằng, chỉ thở dài ngao ngán. Còn đứa em gái thì nhanh tay xuống bếp phụ giúp chị. Nhưng bà chị dâu nhất định không nhờ tới, nhưng miệng thì cứ lẩm bẩm luôn tục.
Số là, mấy ngày gần thi đại học, dưới quê có họ hàng lên ở nhờ vài ba hôm cho tới hết đợt thi, nhưng vợ tôi cáu bẳn, mặt mày sưng lên, nói những câu khó nghe vì phải phục dịch. Nói thật, bây giờ, tôi mới phát hiện ra tính xấu của vợ. Vợ luôn luôn coi trọng gia đình nhà mình, còn nhà chồng vợ để ngoài tầm mắt. Việc em họ lên thi đại học, ở nhờ nhà anh chị mấy hôm thì có gì mà không lo được cho em, có phải ở cả năm cả tháng đâu. Cái tính tủn mủn chi li của vợ quả thật khiến tôi xấu hổ vô cùng.
Thật là không còn chỗ nào để chui đi nữa. (ảnh minh họa)
Vợ tính toán cả việc, những ngày có khách phải mua thêm bao nhiêu là thứ. Tốn kém thức ăn. Bình thường 2 vợ chồng chỉ ăn hai món, giờ có người nhà lên phải làm cơm to hơn, tốn tiền hơn và thường xuyên mua hoa quả. Vả lại tốn tiền điện nước cho đứa em ôn thi cũng được vợ tôi tính toán và danh sách ki bo của mình. Thật là không còn chỗ nào để chui đi nữa.
Mất tình cảm họ hàng
Thấy thái độ của vợ, tôi vào phòng xem bà cô thế nào. Ai ngờ, hành lý đã được xếp sẵn, cô định đi ra ngoài thuê nhà nghỉ, ở tạm mấy hôm. Tính khí cô tự ái rất cao. Vì chỉ có mỗi đứa cháu trên Hà Nội nên xin ở nhờ, nếu không ở thì họ hàng dưới quê lại nghĩ này nọ. Nói thật, nhà bà cô dưới quê không phải là khó khăn gì, thậm chí còn thuộc hàng khá giả. Nhưng vì tình cảm cô cháu nên muốn cho em ở nhờ thôi. Vợ tôi có vẻ không biết điều đó, nghĩ cô nhà quê, lên bày biện này nọ, lại tốn kém nên khó chịu. Phận làm chồng như tôi thật thấy bẽ mặt.
Tôi phải ngăn mãi cô mới chịu ở lại. Bữa đó, cô thuê taxi ra ngoài siêu thị, mua bao nhiêu thứ đồ về nhà tôi, tha lôi đủ các thứ nào là thức ăn, đồ uống, đồ dùng cá nhân. Nói thật, số ấy cũng thừa cô ở đây cả tháng chứ không phải chỉ ở vài ngày.
Vợ tôi nhìn thấy thế, tím tái cả mặt, xấu hổ lây vì trước giờ luôn nghĩ cô ăn bám, cậy nhờ nhà mình. Mấy đồng bạc với cô tôi mà nói có hà gì, nhưng mà cô ngại là ngại cháu chắt mà thôi, sợ gia đình cháu lại nghĩ cô khách sáo. Bây giờ thì mới bẽ cái mặt.
Sau trận ấy, vợ bớt lắm lời hẳn (ảnh minh họa)
Từ đó, không khí gia đình căng thẳng hẳn. Cô tôi cũng chẳng thèm nói với vợ tôi câu nào. Có lẽ, nếu không nể mặt đứa cháu trai thì có lẽ, cô đã chuyển đi từ lâu rồi. Đưa con đi thi đại học là việc quan trọng, nhưng tiện thể thăm cháu chắt, xem cháu sống ra sao cũng là việc cần. Nên cô mới cố gắng sống cùng nhà cháu.
Sau trận cô mua bao nhiêu đồ về, vợ tôi dường như nhận thấy thái độ của cô nên cũng ngại đôi ba phần, không dám cáu bẳn và tỏ ra hối lỗi. Có lẽ, cô cũng chẳng hài lòng tí nào. Không biết, khi cô về quê, cái tiếng xấu của vợ tôi có bị lan truyền hay không. Nếu mà đến tai bố mẹ tôi chắc tôi xấu hổ lắm. Mà thú thực, cái tính này của vợ có lẽ đến giờ tôi mới phát giác, vì có bao giờ nhà tôi có người ở nhờ đâu.
Thôi thì cũng là một bài học đắt giá cho vợ, để lần sau chừa cái tội khinh nhà chồng.
Eva