Trong môi trường làm việc ngày càng chú trọng đến hiệu quả và sự phối hợp, kỹ năng giao tiếp không còn là lựa chọn mà trở thành yêu cầu thiết yếu. Tuy nhiên, không ít người dù đã nỗ lực trau dồi khả năng truyền đạt vẫn rơi vào bế vì "Tại sao đối phương luôn hiểu lầm ý mình?", "Vì sao mình muốn nói mà lại không dám nói?", hay "Tại sao tôi chỉ mong người kia nhanh chóng kết thúc câu chuyện?". Tất cả những câu hỏi đó đều bắt nguồn từ khoảng cách, một khoảng cách do thiếu sự đồng cảm trong giao tiếp.
Không chỉ là cách nói chuyện khéo léo, giao tiếp đồng cảm còn là nghệ thuật thấu hiểu cảm xúc người khác để xây dựng những mối quan hệ chân thành, bền vững cả trong công sở lẫn cuộc sống thường nhật (Ảnh minh họa)
Giao tiếp đồng cảm giúp phá vỡ rào cản vô hình
Theo chuyên gia quản lý nổi tiếng Nam Dũng, tác giả cuốn sách "Giao tiếp đồng cảm", chìa khóa để vượt qua rào cản đó chính là khả năng thấu cảm (empathy). Khái niệm này lần đầu được nhà sáng lập trường phái nhân bản Rogers đưa ra và sau đó được Daniel Goleman - "cha đẻ của trí tuệ cảm xúc" khẳng định là yếu tố cốt lõi trong EQ của con người. Thấu cảm là khả năng kết nối cảm xúc, tư duy và quan điểm giữa các cá nhân, từ đó giúp giao tiếp trở nên hiệu quả và mang tính xây dựng hơn.
Người giỏi ăn nói, thường là bậc thầy về đồng cảm
Trong môi trường giao tiếp hàng ngày, những người có khả năng biểu đạt tốt thường khiến người khác cảm thấy dễ chịu, dễ lắng nghe và dễ chia sẻ. Họ không chỉ biết nói điều gì mà còn biết cách nói như thế nào, nói vào lúc nào và nói với ai. Đó là biểu hiện rõ nét của năng lực giao tiếp đồng cảm.
Ví dụ, khi bạn lắng nghe một người trình bày quan điểm mà bạn cảm thấy như đang được trò chuyện với một người bạn thân thay vì bị thuyết giảng hay áp đặt thì đó chính là sức mạnh của thấu cảm. Những người như vậy thường tạo ra cảm giác gần gũi, khiến người nghe không chỉ tiếp nhận thông tin mà còn cảm thấy được tôn trọng và thấu hiểu.
Người có kỹ năng giao tiếp đồng cảm luôn quan tâm đến cảm xúc người khác, nhạy bén với tâm lý và biết cách phản hồi phù hợp. Đây là lý do họ dễ tạo được mối quan hệ bền vững và nhận được sự tin tưởng từ người xung quanh.
Người tốt và thành thật, mới thực sự hiểu được thấu cảm
Một câu chuyện về Lưu Bá Ôn - vị tể tướng nổi tiếng thời Minh là minh chứng cho sức mạnh của thiện tâm. Trên đường đi, ông được một người phụ nữ mời nước uống, nhưng cô cố tình rắc vỏ trấu vào nước khiến ông phải từ tốn nhấp từng ngụm. Ban đầu ông hiểu lầm, nhưng sau biết rằng đó là cách giúp ông tránh bị đau bụng vì uống quá nhanh khi đang mệt. Tấm lòng chân thành đó khiến ông cảm thán: "Nhà có lòng thiện, không cần xem phong thủy, nơi nào cũng là đất quý".
Người có lòng tốt thường cũng là người biết giữ chữ tín. Trong cuốn "Giao tiếp đồng cảm", tác giả nhận định rằng sự thất tín là "kẻ đao phủ" của mọi mối quan hệ, bởi một người thất tín hôm nay sẽ tạo ra phản ứng dây chuyền khiến người khác mất lòng tin và cuối cùng, chính họ cũng trở thành nạn nhân. Thấu cảm không thể tồn tại trong môi trường thiếu trung thực và thiện ý.
Không thể cảm thông tuyệt đối, nhưng vẫn có thể hiểu nhau
Không ai có thể hoàn toàn "đặt mình vào vị trí người khác" vì cảm xúc là trải nghiệm cá nhân. Nhưng đồng cảm cho phép ta cố gắng tiếp cận cảm xúc đó bằng sự chân thành và quan sát.
Một ví dụ điển hình là câu chuyện từng lan truyền trên mạng xã hội: một chàng trai làm thu ngân trong siêu thị liên tục sai sót và lơ đãng khiến khách hàng phàn nàn. Đến khi anh bật khóc, người ta mới biết rằng mẹ anh vừa qua đời và anh vẫn phải làm việc để kiếm tiền thuê nhà. Khoảnh khắc đó, mọi lời phàn nàn đều lặng đi bởi sự đồng cảm đã xóa nhòa ranh giới giữa người lạ với nhau.
Khi đồng nghiệp của bạn bỗng cáu gắt, nhân viên thường sai sót hoặc người thân thở dài thường xuyên thay vì trách móc, hãy dừng lại và tự hỏi họ có đang trải qua điều gì khó khăn? Chính sự thấu cảm đó sẽ giúp bạn vừa nâng đỡ người khác, vừa làm giàu thêm bản thân.
Giao tiếp đồng cảm là chất keo cho mọi mối quan hệ
Không chỉ trong công sở, thấu cảm còn là sợi dây liên kết trong gia đình, xã hội và bạn bè. Nó giúp hóa giải mâu thuẫn, kéo gần khoảng cách, và xây dựng những mối quan hệ bền vững dựa trên sự thấu hiểu và chia sẻ.
Trong thời đại kết nối nhưng dễ xa cách này, giao tiếp đồng cảm không chỉ là kỹ năng, mà còn là một phẩm chất cần rèn luyện để thành công và sống hạnh phúc hơn.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)