Tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, khoa Quốc tế, ĐH Mở, Vũ Kim Chi, sinh năm 1993, đến từ Hà Nội, ứng tuyển vào một vài công ty tài chính tư nhân với vị trí kế toán. Mới ra trường chưa có nhiều kinh nghiệm, cộng thêm môi trường làm không có nhiều ưu đãi, Chi chỉ kiếm được khoảng 4 triệu đồng mỗi tháng.
Cảm thấy bản thân không phù hợp với công việc văn phòng nhiều ràng buộc, mức không được cao, Chi quyết định nghỉ hẳn. Cô mở cửa hiệu nối mi làm đẹp tại nhà. Sau một năm gắn bó với nghề, mức thu nhập hiện tại của 9X đã chạm mốc 30 triệu mỗi tháng, đặc biệt, cô cảm thấy hài lòng vì có nhiều thời gian để ở bên, chăm sóc bản thân cũng như gia đình hơn trước.
Vũ Kim Chi - 9X bỏ việc văn phòng, kinh doanh nối mi kiếm 30 triệu/tháng.
Bà đuổi khách, bố cắt tiền chu cấp
Vốn thích con cái có công việc ổn định sau khi ra trường, khi nghe Kim Chi chia sẻ ý định sẽ nghỉ hẳn việc văn phòng để về nhà đi học nghề nối mi, cả nhà cô giận, đặc biệt là bà và bố. Họ thể hiện sự chống đối ra mặt với việc làm đầy mạo hiểm này của cô. Kim Chi vẫn nhớ:
"Trước khi nghỉ hẳn công việc ở công ty tài chính, mình dành một tháng để chuẩn bị công việc kinh doanh, học nghề. Những ngày đầu khi người tìm đến nhà nối mi, bà mình khó chịu ra mặt, thậm chí sẵn sàng đuổi khách. Còn bố, ông thẳng tay cắt hết mọi khoản chu cấp cho mình trước đó, để mình tự bươn chải. Đó là lúc khó khăn nhất với một đứa vừa nghỉ việc lại mới tập tành kinh doanh, vốn liếng không nhiều. Có những hôm, muốn nối mi cho khách, mình phải đến tận nhà hoặc dẫn họ đến nhà vài người bạn thân để làm, tuyệt đối không dám mời về nhà".
Dẫu vậy, Chi rất thấu hiểu lý do cả bà và bố đều không đứng về phía mình, đó là vì quan điểm nối mi là nghề "làm dâu trăm họ", bấp bênh, không có tương lai. Khó khăn chồng chất khó khăn nhưng 9X chưa bao giờ từ bỏ quyết tâm cho gia đình thấy lựa chọn của mình tuy có mạo hiểm nhưng cũng đầy hứa hẹn:
"Mình rất hay đi nối mi và cũng thường xuyên trải qua cảnh phải xếp hàng đợi đến lượt, nên nhận ra nhu cầu làm đẹp của các bạn nữ là rất lớn, trong khi nhiều cơ sở làm mi có uy tín lại thường xuyên quá tải.
Bản thân mình lại yêu thích nột môi trường tự do, giờ giấc thoải mái, đặc biệt, công việc đó phải liên quan đến làm đẹp hoặc nghệ thuật, vậy tại sao không thử trở thành một thợ nối mi? Mình đã đến với nghề nối mi với những suy nghĩ ban đầu như thế!".
Từ người tay ngang đến một thợ nối mi chuyên nghiệp, Kim Chi phải chi trả một khoảng học phí là 7 triệu đồng. Cô được thầy hướng dẫn lý thuyết trong vòng 7 ngày và sau đó bắt tay vào thực hành, đầu tiên là trên ma-nơ-canh và tiếp đến là trên người thật.
Chi đang nối mi cho khách tại nhà. Cô thuyết phục gia đình cho mở cửa hiệu
kinh doanh riêng.
Cảm thấy tay nghề cứng cáp, cô bắt đầu nhận nối mi cho những khách hàng đầu tiên. Trong quá trình tham khảo từ những bạn bè xung quanh, Kim Chi nhận thấy mọi người thường phàn nàn về tình trạng nặng mắt và rụng mi khi nối. 9X đã tìm tòi được loại keo và mi phù hợp, thực hành nối thử cho bạn bè, người thân và nhận được phản hồi rất tốt. Đây cũng chính là một trong những điểm khác biệt của Chi so với những đối thủ kinh doanh khác, giúp cô khẳng định uy tín trong thời gian ngắn.
Nhờ có "bí quyết riêng", Chi tự tin hơn hẳn, cô thuê thêm người làm, sửa nhà mình thành cửa hàng và bắt tay vào công việc kinh doanh nghiêm túc, cách đây 3 tháng.
Bên cạnh việc tìm tòi học hỏi và lắng nghe phản hồi từ khách hàng, Chi còn khá chịu khó. Thời gian đầu mới mở dịch vụ kinh doanh, chưa nhiều người biết đến, 9X phải lặn lội đến nhà khách từ sớm, thậm chí ở xa đế nối, lấy công làm lãi. Nhờ sự cẩn thận, nhẹ nhàng, kỹ thuật tốt, chị em phụ nữ tìm đến Chi để có bộ mi đẹp ngày một đông.
9X tiết lộ, hiện tại thu nhập mỗi tháng của cô là 30 triệu đồng. Về con số này, Chi giải thích:
"Một bộ mi nối mình lấy giá 200 nghìn đồng. Trước đây, mỗi ngày mình chỉ nhận làm từ 3 – 5 bộ, không nhiều hơn. Lý do vì nối mỗi bộ mi muốn đẹp phải mất ít nhất 45 phút - 1 tiếng đồng hồ. Thời gian gần đây khi có thêm thợ thì làm được nhiều hơn gấp đôi, gấp ba. Vì giá thành hợp lý, nên lượng khách tìm đến rất đông và ổn định, mình lại không tốn tiền thuê mặt bằng nên thu nhập mỗi tháng cũng khá cao".
Từ ngày thấy công việc làm ăn của Chi thuận lợi, cộng thêm phản hồi tích cực từ phía khách hàng, gia đình đã rất tin tưởng và ủng hộ lựa chọn của cô. Việc cho phép Chi sửa nhà để mở cửa hiệu kinh doanh riêng là một bước tiến lớn trong quá trình chinh phục lòng tin của người thân nhờ thành quả trông thấy mà 9X gặt hái được.
Phải yêu nghề mới trụ vững
Có rất nhiều cơ sở kinh doanh nối mi được mở ra để khách hàng thoả sức lựa chọn vì thế, để tồn tại với nghề không hề đơn giản. Với Kim Chi, cô luôn đặt sự tỉ mỉ và chữ tâm lên đầu trong những nguyên tắc kinh doanh.
Bản thân là thợ nối mi nên Kim Chi có hàng mi rất đẹp.
Vẻ ngoài xinh xắn, kỹ thuật nối tốt, giúp Chi dễ chiếm
được cảm tình và sự tin cậy của khách hàng.
"Vì nối mi ảnh hưởng trực tiếp đến mắt, nên yêu cầu đặc biệt với thợ nối mi là sự tỉ mỉ, cẩn thận, kiên nhẫn và đặc biệt là phải có tâm với khách hàng. Nếu mình làm qua loa, không tiệt trùng dụng cụ sạch sẽ hay sử dụng keo và mi kém chất lượng thì rất dễ gây bệnh về mắt cho khách hàng. Mọi người thường nói nghề làm mi, làm móng “hái ra tiền” nhưng thực ra, công sức mình bỏ vào sản phẩm cũng rất nhiều chứ không đơn giản là gắn mi vào mắt là hết trách nhiệm.
Mình luôn tâm niệm rằng, thà làm ít mà chất lượng hơn làm nhiều mà bị mang tiếng. Nếu tham công tiếc việc, người thợ nối mi có thể không đầu tư tỉ mỉ, chăm chút cho từng bộ mi của khách hàng, rất dễ dẫn đến trường hợp xấu ngoài ý muốn" - Kim Chi nói.
Vào nghề, Chi từng đối diện với không ít tình huống dở khóc dở cười. Một lần, 9X nhận đến nhà khách nối mi và đã gặp một tai nạn nhỏ:
"Mình vừa nối mi cho khách xong, chuẩn bị ra về thì bị anh trai của khách hàng đóng cửa không cho đi. Anh ta đang trong tình trạng ngà ngà say nên mình cũng không dám chống cự mạnh. Chủ nhà vừa đi tắm nên chẳng hay biết chuyện gì đang xảy ra bên ngoài. Sợ hãi quá, mình đành gọi cho một người bạn đến tận nơi giải cứu. May sao, người bạn ấy đến đúng lúc vị khách kia cũng vừa tắm xong, đôi bên giải quyết mọi chuyện. Từ đó về sau, nhận nối mi cho khách ở xa, mình không bao giờ đi một mình nữa" - Kim Chi nhớ lại.
9X không ngại bỏ tiền đầu tư dụng cụ, phụ kiện chất lượng tốt để hành nghề.
Theo Chi, nghề nào cũng có ưu điểm và nhược điểm của riêng nó. Làm nối mi giúp cô có giờ giấc tự do, đúng công việc mình yêu thích, nhưng nhược điểm là tiếp xúc với nhiều đối tượng khách hàng khác nhau, "chín người mười ý" lắm lúc cũng mệt mỏi. Hơn nữa, cái nhìn của mọi người về thợ nối mi vẫn chưa thể sánh bằng một nhân viên văn phòng hay một người kinh doanh, dẫu thu nhập ngang bằng.
Tuy nhiên, 9X khẳng định, không có gì hạnh phúc bằng được làm công việc mình thích: "Mình yêu nghề và được nghề chọn là một điều may mắn nên dù khó khăn cỡ nào vẫn quyết tâm theo đuổi đến cùng".
Theo Zing.vn