Tôi là một người phụ nữ sống khép kín. Tôi không quen nói về mình với bất kỳ ai, dù tôi có khá nhiều bạn. Tôi biết mình sống như thế là ích kỷ nhưng tôi cũng không thể nào làm khác được.
Tôi luôn khao khát tìm được một người hiểu mình, một người mà khi ngồi bên cạnh họ, tôi cảm thấy bình yên, hạnh phúc.
Có thể khi nghe xong những dòng tâm sự của tôi, một số bạn sẽ đồng cảm, chia sẻ với tôi và cũng có nhiều người sẽ cho tôi là kẻ ngu ngốc. Nhưng bây giờ, tôi đang cần một niềm tin, một niềm tin để tiếp tục bước tiếp.
Tôi là một đứa trẻ sinh ra trong bất hạnh bởi nạn “bạo lực gia đình” – 4 từ tôi mới biết đến cách đây vài năm. Không như những đứa trẻ khác, luôn sợ bố mẹ mình ly dị, còn tôi từ lúc 9 tuổi, tôi đã học cách viết đơn ly dị (vì như thế sẽ tốt hơn cho mẹ và những đứa em tôi).
Tôi biết làm như vậy thì mình sẽ phải xa mẹ và sống với người bố nát rượu, không làm ra tiền, suốt ngày đánh đập vợ con nhưng chắc chắn một điều rằng, nếu bố mẹ ly dị thì cuộc sống của mẹ và em tôi sẽ không còn đau đớn như bấy giờ nữa.
Tôi nhớ những đêm tôi không ngủ vì phải trốn chạy, những đêm lang thang quanh nghĩa địa để lẩn tránh, những đêm lóng ngóng xung quanh nhà vì sợ mẹ và các em bị ông ấy bắt được. Và rồi sáng ra, mấy mẹ con chúng tôi lại phải đối diện với cảnh đổ nát của trận chiến hôm trước.
Dù giận bố đến bao nhiêu, tôi vẫn cố gắng lo cho ông ấy những bữa cơm đầy đủ vì dù sao, ông ấy cũng là bố tôi. Khi tỉnh rượu, dường như ông ấy là một người hoàn toàn khác, một người trầm tính và luôn yêu thương mẹ con. Tại sao lại thế? Đó là câu hỏi mà mỗi lần nhìn vào mắt bố, tôi thật sự không hiểu.
Ông căm ghét mẹ con tôi hay tại con ma men làm ông trở nên như thế?
Hầu như tất cả các buổi tối, tôi không có thời gian dành cho học tập, làm bài. Tôi chỉ tranh thủ chút ít thời gian giải lao ít ỏi trên trường để chuẩn bị những thứ cần thiết cho ngày mai (vì buổi tối của tôi là ở ngoài đường hoặc ở nghĩa địa).
Có những đêm, khi mẹ con tôi đang ngủ say giấc thì ông ấy lại trở về trong cơn say khướt. Ông dựng mẹ tôi dậy hành hạ, đánh đập, mắng nhiếc… và hình ảnh bố dùng gậy, dùng chổi đánh đập mẹ đã in hằn trong tâm trí tôi cho đến tận bây giờ. Còn nỗi đau nào bằng nỗi đau khi nhìn thấy người mình yêu thương nhất bị đánh đập, hành hạ không thương tiếc? Dù rất thương mẹ nhưng tôi vẫn không dám can ngăn… mà chỉ dám ngồi ở xa khóc lóc trong nỗi sợ hãi.
Tôi nhớ một lần năm tôi 11 tuổi, khi nhìn thấy cảnh mẹ bị đánh đập dã man, tôi đã lao vào bênh vực mẹ không một chút sợ sệt. Và kết quả là tôi phải bỏ học cả tuần liền vì mặt tôi sưng vù và người chi chít vết thương. Đó cũng là lần đầu tiên ông đánh tôi vì với ông, tôi là đứa con gái rượu duy nhất.
Kể từ ngày đó, tôi thay đổi hoàn toàn. Tôi trở nên mạnh mẽ nhưng ngang ngược, bướng bỉnh hơn. Tôi không còn sợ bất cứ thứ gì ngoại trừ nước mắt của mẹ. Tôi mong mình lớn thật nhanh để có thể bảo vệ bà… nhưng tôi cũng không nỡ ghét bỏ bố vì dù sao ông cũng là bố tôi. Ông ấy rất thương tôi, dù biết rằng, tôi luôn đứng ra bênh vực mẹ. Tôi cứ sống như vậy suốt bao nhiêu năm qua, âm thầm và chịu đựng.
Năm 23 tuổi, tôi đã yêu say đắm một người. Anh theo gia đình từ Bắc vào Nam lập nghiệp. Suốt 4 năm xây dựng tình cảm, tôi đã cho anh tất cả và không giữ lại bất cứ điều gì cho riêng mình. Tôi đã cùng anh xây dựng sự nghiệp cho riêng anh mà không mảy may nghĩ đến bản thân mình.
Đến khi anh trở thành ông chủ thì cũng là lúc anh nói lời xin lỗi tôi. Anh nói rằng, anh yêu tôi, anh nợ tôi rất nhiều thứ, anh không thể sống thiếu tôi… nhưng anh không thể cưới tôi vì bố tôi là một người đàn ông say xỉn, gia đình tôi không nề nếp…
Tôi đã khóc rất nhiều nhưng vẫn kiêu hãnh ra đi vì tôi không cho bất cứ một ai xúc phạm đến gia đình tôi và cả bố tôi nữa. Tôi tìm cách quên anh và quyết định bỏ quê vào Sài Gòn tìm việc. Ở thành phố nhộn nhịp này, nó thật xa lạ với tôi, nó khiến tôi cảm giác chông chênh, vô phương hướng…
Một năm sau vào đúng ngày sinh nhật tôi, anh gởi tin nhắn chúc mừng sinh nhật và mong tôi sớm tìm được hạnh phúc. Rồi chúng tôi đã quyết định gặp lại nhau, lại là những giọt nước mắt chua xót... Tôi phát hiện ra anh gầy đi trông thấy nên tôi đã đưa anh tới bệnh viện để xét nghiệm.
Bác sỹ kết luận, anh bị lao kháng thuốc nên rất khó chữa khỏi. Anh đã rất lo sợ và suy sụp đi rất nhiều. Còn tôi, tôi đã bỏ mọi công việc của mình để ở bên anh, dù tôi vẫn nhớ như in cảm giác khi bị anh bỏ rơi. Tôi nói với anh rằng, “Em sẽ ở bên cạnh anh cho đến khi nào anh khỏi bệnh”, dù bệnh của anh đã bị kháng thuốc và rất khó để chữa trị.
Suốt gần hai năm điều trị, anh bị mọi người xa lánh vì sợ lây nhiễm nhưng tôi lại không sợ điều đó. Vì tôi biết rằng, nếu tôi rời xa anh lúc này thì rất khó khăn để anh có thể hồi phục.
Khi cơn nguy kịch qua đi, anh vẫn phải tiếp tục uống thuốc để duy trì sự sống thì cũng là lúc tôi trở lại Sài Gòn để tìm việc. Mọi thứ phải làm lại từ đầu khiến tôi không khỏi xót xa và mệt mỏi. Suốt bao năm sống cho tình yêu, sống vì người khác như vậy thì tôi sẽ được gì? Lại là hai bàn tay trắng sao? Tôi tự vấn lòng mình, chẳng nhẽ tình yêu là cho và nhận đây ư? Cho đi tất cả để lấy về những niềm đau sao?
Tôi vào Sài Gòn nhưng vẫn thường xuyên điện thoại về thăm anh. Trong khoảng thời gian này, anh đã tìm được người yêu mới nhưng anh vẫn muốn có tôi. Anh nói với tôi rằng, “Em là tình yêu của anh, còn cô ấy là trách nhiệm của anh với gia đình. Anh muốn em suốt đời này sẽ là người tình của anh”. Nghe những lời nói đó, tôi bật cười chua xót... Tôi tự hỏi, anh là người đàn ông tôi đã yêu thương và hy sinh tất cả cho anh suốt bao năm đây sao? Sao tôi không nhận ra điều này sớm hơn… để bây giờ nhận ra bộ mặt ích kỷ, hèn hạ của người đàn ông mình đã từng yêu, tôi không khỏi xót xa thương chính bản thân mình. Chẳng nhẽ tất cả đàn ông trên cõi đời này đều ích kỷ như vậy sao?
Đôi khi ngồi suy nghĩ lại mọi chuyện, tôi thấy mình thật ngu ngốc. Tôi dường như mất hết niềm tin vào cuộc sống. Dù bên cạnh tôi cũng có khá nhiều người theo đuổi nhưng tôi không còn bất cứ niềm tin vào người đàn ông nào nữa.
Bắt đầu làm lại mọi thứ ở cái tuổi 28, chúng đều khiến tôi mệt mỏi. Tôi sợ chính tay mình phải xây dựng lại mọi thứ rồi lại chính mắt mình nhìn thấy nó sụp đổ. Tôi sợ phải tìm hiểu, hẹn hò, giận hờn, để rồi kết cục cũng là những giọt nước mắt cay đắng của tôi. Tôi sợ trái tim mình lại đau thêm một lần nào nữa… vì tôi vẫn chưa thể nào quên được nỗi đau đó!
Khi có ai đó hỏi tôi, “Bao giờ lấy chồng?”. Tôi đều trả lời là “năm sau”. Vậy mà đã bốn cái "năm sau" trôi đi, tôi vẫn một mình như thế! Bây giờ tôi thật sự không dám về quê vì tôi sợ phải trả lời các câu hỏi đại loại như vậy… để rồi tôi lại tự hỏi chính bản thân mình: "Biết lấy ai khi mình không dám cho ai cơ hội?".
Khám phá