Ý nghĩ bệnh hoạn ấy khiến tôi luôn phải khổ sở chùm khăn kín đầu, kín mặt để làm tình.
“Tôi năm nay 35 tuổi, kết hôn đã hơn chục năm nay. Cục cưng của tôi cũng đã tròn 10 tuổi. Cuộc sống gia đình khá êm đềm. Tuy nhiên, tôi quyết định gắn bó cuộc đời với anh, không phải vì tình cảm quá mãnh liệt, chỉ đơn giản anh là một người đàn ông đáng tin cậy.
Sau giai đoạn tìm hiểu, tôi nhận ra giữa hai chúng tôi có nhiều điểm không thể hòa hợp. Điều khiến tôi thất vọng nhất có lẽ là tính vô tâm của chồng mình. Suốt mấy năm yêu nhau, anh chưa từng tặng tôi một món quà, chưa bao giờ khen ngợi vẻ ngoài hoặc tài năng của bạn gái, thậm chí ngại giới thiệu tôi với bạn bè chiến hữu. Nhưng tôi bỏ qua tất cả những thứ vụn vặt ấy và chấp nhận đến với anh. “Nhân vô thập toàn”, nếu đòi hỏi quá cao, có lẽ tôi sẽ phải ngậm ngùi tiếc nuối vì bỏ qua một người đàn ông tốt.
Mẹ chồng mất sớm, chúng tôi ở chung với bố để tiện chăm sóc cụ lúc trái gió, trở trời. Thực lòng, tôi rất sợ và có cảm giác ghê ghê với bố chồng. Ông cụ có tướng mạo không mấy ưa nhìn, tính cách hung hãn, lại rất ty tiện. Tôi chưa từng nghe ông nói được câu tử tế với người ngoài.
Trước khi sinh nhóc con hiện tại, tôi bị sảy hai lần. Chồng tôi tuy sống chân thực nhưng đúng là hạng vô tâm. Vợ đau đớn vì mất con, nhưng anh chưa từng chăm chút vợ mà nhanh nhanh chóng chóng tống tiễn tôi về nhà mẹ đẻ. Những lần như thế, tôi khóc lên khóc xuống. Tới lần thứ ba, khi mang bầu được ít lâu, chồng tôi lại tênh tếch bỏ vợ ở nhà để đi công tác một tuần. Tôi khóc trọn một tuần vì thực sự khủng hoảng khi phải ở với bố chồng - một ông cụ cục cằn, khó tính trong căn nhà vỏn vẹn 50 m2. Bất đắc dĩ, sau chuyến công tác, chồng tôi đành dỗ ngon dỗ ngọt cho cụ về quê, nhằm xoa dịu bầu không khí ngột ngạt trong gia đình.
Có lẽ vì quá ức chế tinh thần nên thời gian gần đây, tôi khổ sở vì một
chứng bệnh lạ. (ảnh minh họa)
Được một thời gian yên ổn, chồng tôi lại đòi rước cụ lên với lý do có người đỡ đần việc cơm nước, chăm cháu. Tôi một mực phản đối, nhưng không thuyết phục nổi chồng. Cuộc sống của tôi kể từ lúc ấy lại rơi vào địa ngục. Chồng thì công tác liên miên, để mặc tôi, con trai và bố chồng trong căn nhà chẳng mấy rộng rãi. Suốt từng ấy năm trời, tôi sống cảnh nhẫn nhịn, vì không muốn cãi lộn với người già. Nhưng tới khi không chịu nổi, tôi hằn học đòi chồng đưa cụ qua nhà chị gái ở một thời gian. Biết chuyện, ông cụ càng giận dỗi, ở lỳ nhà tôi, khiến không khí càng thêm nặng nề. Đến cả thằng nhóc cũng không thích gần gũi ông nội.
Có lẽ vì quá ức chế tinh thần nên thời gian gần đây, tôi khổ sở vì một chứng bệnh lạ. Mỗi lần gần gũi đức lang quân, tôi lại nghĩ tới gương mặt đáng sợ của bố chồng - đầu hói, tóc lơ thơ bạc, mắt tam giác, gò má cao, răng vàng khè, ánh nhìn dữ dằn như đang oán hận…Bao nhiêu hứng thú bỗng dưng bay biến. Tôi không dám ôm hôn anh, càng không muốn nghĩ tới chuyện làm tình. Những lần bắt buộc, tôi đều tắt hết đèn hoặc phải khổ sở chùm kín khăn quanh đầu và mắt.
Vì chuyện ấy, tôi thấy ghét chính mình, ghét cuộc sống hôn nhân bức bí. Nhiều lần, tôi đề nghị chia tay, nhưng chồng tôi kiên quyết phản đối. Anh là một người sống có trách nhiệm với gia đình, yêu con cái. Cho tới giờ, chồng tôi vẫn đối tốt với vợ và chăm sóc chu đáo cho con trai. Với bố mẹ vợ, anh hết mực hiếu thảo. Vì lẽ ấy, hai cụ nhà tôi luôn coi anh là con đẻ. Nhưng anh càng tử tế bao nhiêu, tôi càng muốn rời xa anh bấy nhiêu.
Hiện, bố chồng đã về quê. Có lẽ cụ cũng hiểu phần nào không khí căng thẳng khi sống cùng chúng tôi. Nghĩ tới cảnh người già 80 tuổi sống côi cút một mình, lòng tôi bỗng thắt lại. Tôi biết mình bất hiếu và vô cùng quá quắt vì không chịu hòa hợp với bố chồng. Nhưng chứng bệnh kỳ quái ấy vẫn ngày đêm hành hạ tôi, khiến tôi không tài nào giáp mặt cụ hằng ngày. Tôi phải làm sao để giải tỏa chuyện này?”
Theo ý kiến của các chuyên gia tâm lý, người phụ nữ trong câu chuyện này là người vợ bất hạnh vì thiếu thốn tình yêu trong cuộc sống hôn nhân. Trước khi cưới, cô không hề có cơ hội cảm nhận những tình cảm nồng nhiệt của người yêu. Sau khi kết hôn, sự lạnh nhạt của chồng càng khiến cô rơi vào vực thẳm của tự ti và trầm uất. Không ai phủ nhận người chồng sống rất chân thực. Nhưng một người đàn ông chân thực, chưa hẳn là người chồng hoàn hảo trong gia đình.
Khi bố chồng đã rời khỏi nhà, nàng dâu tỏ ra áy náy, day dứt vì thái độ
không thiện cảm của mình. (ảnh minh họa)
Anh ta không biết tán dương những ưu điểm của vợ, không màng tới chuyện giới thiệu vợ trước bạn bè, thậm chí chưa từng chủ động tặng người mình yêu một món quà có ý nghĩa. Tất cả những biểu hiện ấy chứng tỏ, anh ta là người không biết bộc lộ tình cảm. Rất có thể, tính cách ấy được hình thành trong môi trường sống không hoàn hảo.
Với những người đàn ông không thích có sự giao lưu, sẻ chia cảm xúc như vậy, người phụ nữ cần chủ động đưa ra yêu cầu của mình. Hãy trò chuyện thẳng thắn với chồng những nỗi bức xúc mà mình phải kìm nén bấy lâu. Nếu cứ giấu kín trong lòng, không những người vợ phải chịu đau khổ, mà còn gây khó chịu và ức chế cho chồng".
Theo các chuyên gia, người vợ hiện đang có những biểu hiện khá nghiêm trọng của chứng trầm cảm. Giải pháp hợp lý nhất là nên tới khám và điều trị tại các bệnh viện chuyên khoa. Bố chồng đã về quê sống, đồng nghĩa với việc, người vợ được cách ly với “đối tượng gây bệnh” cho mình, hãy nhân cơ hội này để hâm nóng lại tình cảm với chồng.
Khi bố chồng đã rời khỏi nhà, nàng dâu tỏ ra áy náy, day dứt vì thái độ không thiện cảm của mình. Điều đó chứng tỏ, cô ấy là một phụ nữ có tấm lòng lương thiện. Nhưng dù sao, sức khỏe vẫn nên đặt lên hàng đầu. Nếu muốn sống trọn đời với người chồng hiện tại, cô ấy cần cố gắng lạc quan và sống lành mạnh hơn nữa.
Cả người chồng và bố chồng đều rất hiểu chuyện và biết cách cư xử khi chủ động tạo ra không gian sống thoải mái như hiện nay. Họ hy vọng người phụ nữ duy nhất trong gia đình khỏe mạnh trở lại, để cuộc sống thêm tốt đẹp.
Nếu hiểu thấu tấm chân tình của chồng và bố chồng, người vợ nên có lối sống tích cực hơn. Có thời gian, cả nhà nên về thăm cụ, biếu cụ chút tiền hay gửi về vài bộ quần áo mới lúc giao mùa. Muốn tỏ lòng thương yêu, tôn kính với người già, đâu chỉ có một vài cách. Không nhất thiết cứ phải sống chung trong một nếp nhà. Mọi người đều vui vẻ, thoải mái với nhau, đó mới là bí quyết giúp quan hệ gia đình trở nên đầm ấm, hạnh phúc.
Eva