Trong cuộc sống, không ít người luôn cẩn trọng trong từng lời nói, hành động, chỉ vì sợ… làm phiền người khác. Trong công việc, họ sẵn sàng gác lại việc riêng để giúp đỡ đồng nghiệp dù bản thân đang bận rộn. Trong cuộc sống thường nhật, dù không thực sự muốn, họ vẫn miễn cưỡng đồng ý khi bạn bè nhờ vả. Với họ, không làm phiền ai dường như đã trở thành châm ngôn sống. Tuy nhiên, đằng sau vẻ ngoài tử tế, chu đáo ấy lại có thể là biểu hiện của một vấn đề tâm lý đáng lo ngại - hội chứng "người thích làm vừa lòng người khác".
Theo chuyên gia tâm lý Harriet B. Braiker - tác giả cuốn "Không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người", việc không muốn làm phiền ai nhiều khi đồng nghĩa với việc ôm hết trách nhiệm về phía mình, từ đó vô tình gây áp lực tâm lý nặng nề. Việc không dám từ chối người khác cũng có thể biến bạn thành "con mồi" cho những kẻ lợi dụng cảm xúc, khiến bạn kiệt quệ cả thể chất lẫn tinh thần.
"Hội chứng làm vừa lòng người khác" - một kiểu nhân cách gây tổn thương cả tinh thần lẫn thể chất nếu không được nhận diện và điều chỉnh kịp thời (Ảnh minh họa)
Căn nguyên tâm lý từ tuổi thơ
Nhiều người mang trong mình nỗi sợ làm phiền người khác là do ảnh hưởng từ lối giáo dục thời thơ ấu, khi trẻ thường được dạy rằng phải ngoan ngoãn, biết điều, không gây rắc rối. Những câu như “chuyện của con, con tự làm”, “đừng làm phiền người lớn” đã gieo mầm cho nhận thức rằng việc nhờ vả là xấu, là điều khiến người khác không thích. Trải qua thời gian dài, điều này được nội hóa thành nỗi sợ bị đánh giá, sợ bị từ chối. Đây là một dấu hiệu điển hình của lòng tự trọng thấp.
Người có khuynh hướng này thường cảm thấy bản thân không xứng đáng được người khác dành thời gian hay công sức. Họ lo sợ rằng nếu lên tiếng đề nghị giúp đỡ, họ sẽ bị từ chối. Để tránh bị tổn thương, họ chọn cách im lặng, tự gánh vác tất cả.
Từ tự ép buộc đến tổn thương tinh thần
Một ví dụ điển hình là minh tinh Anne Hathaway. Khi đóng vai Fantine trong phim "Những người khốn khổ", cô từ chối sự hỗ trợ của chuyên gia dinh dưỡng hay huấn luyện viên. Cô chỉ ăn 500 calo mỗi ngày để giảm cân, liên tục từ chối sự quan tâm của bạn bè với lý do: "Đây là trách nhiệm của tôi, tôi không thể chuyển áp lực cho người khác". Dù giành giải Oscar với vai diễn này, Anne suýt ngất trên sân khấu vì kiệt sức. Sau này, cô thừa nhận trong tự truyện: "Tôi cứ ngỡ đó là sự chuyên nghiệp, hóa ra lại là sự cô lập nguy hiểm".
Khi hội chứng trở thành tính cách
Nếu nỗi sợ làm phiền người khác phát triển quá mức, nó có thể hình thành nên kiểu nhân cách gọi là "người làm vừa lòng người khác" (people-pleaser). Đặc điểm của nhóm người này là luôn che giấu cảm xúc, sợ mâu thuẫn, thường xuyên nói lời xin lỗi và có xu hướng nhận lỗi về mình. Họ đặt nhu cầu của người khác lên trên bản thân, chấp nhận làm cả những việc vượt ngoài trách nhiệm chỉ để được yêu mến.
Trong giao tiếp, họ hay răm rắp đồng tình với người khác, luôn nói "bạn nói đúng", và thường xuyên tự ti, cảm thấy bản thân không bằng người khác. Quan trọng nhất, họ đánh giá bản thân qua con mắt của người khác và sống dựa vào sự công nhận từ bên ngoài. Chính vì thế, họ hiếm khi dám nói không dù điều đó đi ngược lại lợi ích hoặc mong muốn cá nhân.
Hậu quả âm thầm nhưng dai dẳng
Lối sống làm vừa lòng người khác quá mức có thể gây ra hàng loạt hệ quả tiêu cực:
- Giảm sút giá trị bản thân: Vì quá phụ thuộc vào đánh giá từ bên ngoài, họ dễ rơi vào trạng thái tự nghi ngờ, tự phủ nhận chính mình nếu không được công nhận.
- Mối quan hệ rạn nứt: Dù cố gắng làm hài lòng người khác, họ có thể khiến đối phương cảm thấy ngột ngạt hoặc coi việc giúp đỡ là điều đương nhiên. Việc luôn giấu đi cái tôi thật khiến họ khó thiết lập mối quan hệ sâu sắc, chân thành, dễ bị cô lập, lạc lõng.
- Tổn thương tinh thần và thể chất: Khi liên tục kìm nén cảm xúc, không được giải tỏa, họ dễ mắc các rối loạn như lo âu, trầm cảm, hoặc bộc phát những cảm xúc tiêu cực.
- Ảnh hưởng đến thói quen ăn uống: Nỗi ám ảnh với sự hòa thuận có thể khiến họ ăn những món không thích, ăn khi không đói, hoặc bắt chước chế độ ăn của người khác, dễ dẫn tới rối loạn ăn uống.
- Thiếu định hướng cá nhân: Vì quá chú tâm đến nhu cầu và mục tiêu của người khác, họ dần mất đi động lực và niềm tin vào chính mình.
Làm sao để thoát khỏi "cái bẫy" làm vừa lòng người khác?
Điều quan trọng nhất là thay đổi nhận thức. Hãy hiểu rằng việc nhờ người khác giúp đỡ là điều bình thường và không có gì sai trái. Mỗi người đều có giới hạn, từ chối đúng lúc là cách bảo vệ bản thân, chứ không phải là sự ích kỷ.
Thay vì vội vàng đồng ý, bạn có thể xin thêm thời gian suy nghĩ khi ai đó nhờ giúp. Nếu không thể hoặc không muốn giúp, hãy học cách từ chối một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Bên cạnh đó, hãy học cách quan tâm đến cảm xúc và nhu cầu của bản thân. Bắt đầu từ những việc nhỏ như ăn món mình thích, làm điều mình muốn, nói ra suy nghĩ thật. Tất cả giúp bạn từng bước xây dựng lòng tự trọng và tự tin.
Ngoài ra, việc trau dồi kỹ năng giao tiếp, học cách thể hiện suy nghĩ một cách chân thành, rõ ràng cũng là bước đệm quan trọng để xây dựng các mối quan hệ lành mạnh và bình đẳng.
Cuộc sống này, không ai có thể làm hài lòng tất cả mọi người. Biết từ chối để giữ gìn bản thân, biết nhờ cậy khi cần thiết, đó mới là sự trưởng thành đích thực. Hãy can đảm thoát khỏi chiếc lồng của hội chứng làm vừa lòng người khác, sống thật với chính mình và xây dựng những mối quan hệ dựa trên sự tôn trọng và thấu hiểu.
Nguyễn Giang (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)