Ngày nay, chỉ cần nhắc tới quan hệ yêu đương, hôn nhân, cha con, mẹ con, rất nhiều người đều sẽ nghĩ ngay tới khái niệm “gia đình hạt nhân”, ý chỉ những gia đình được tạo thành từ bố mẹ, con cái chưa lập gia đình, ông bà. Sinh ra và lớn lên trong gia đình, bạn tiếp nhận những tư tưởng, quan niệm, những đặc điểm tính cách, cách cư xử và phương pháp giáo dục từ cha mẹ mình. Trong tiềm thức, những điều này sẽ ảnh hưởng tới việc bạn lựa chọn bạn đời, ảnh hưởng tới những mối quan hệ yêu đương, quan hệ hôn nhân và quan hệ cha con, mẹ con.
Đương nhiên, một tuổi thơ hạnh phúc quả thực có thể sưởi ấm tâm hồn bạn, dạy bạn yêu và được yêu như thế nào. Vậy thì, một tuổi thơ bất hạnh có thực sự cần thời gian cả đời để chữa lành hay không?
Nhân cách tương đồng
Quan hệ thân mật là một kiểu quan hệ giữa người với người trong xã hội, nó bao gồm những đặc điểm sau: Nương tựa lẫn nhau lâu dài, thường xuyên tác động lẫn nhau, có cảm giác thỏa mãn về mặt tình cảm và tinh thần. Ví dụ: Mối quan hệ giữa bạn với cha mẹ, quan hệ với bạn đời, quan hệ với con cái đều là quan hệ thân mật.
Trong 3 mối quan hệ này, quan hệ hôn nhân là kiểu quan hệ đặc biệt nhất. Nó vừa là nền tảng của một gia đình, cũng là mối quan hệ duy nhất mà bạn có thể lựa chọn. Khi hai con người độc lập nắm tay nhau tiến tới hôn nhân thì sẽ từ “cá nhân” phát triển thành “nhân cách tương đồng”. Nếu có thể xử lý ổn thỏa thì sẽ có thể chữa lành cho nhau, thỏa mãn lẫn nhau.
Vậy nhân cách tương đồng là gì?
Theo học thuyết của nhà trị liệu phân tích tinh thần người Mỹ - Diex, nhân cách tương đồng là một cặp tình nhân trong tiềm thức đã lựa chọn đối phương, cùng nhau xây dựng, duy trì một hình thức tương tác nào đó. Hai người có thể yêu nhau, ngoài hình thức bên ngoài thì còn có sự thu hút lẫn nhau trong tiềm thức.
Ví dụ: Những cô gái lớn lên trong gia đình thiếu thốn tình yêu thương, do trong quá trình trưởng thành, thiếu được cổ vũ, được khẳng định. Thế nên trong mối quan hệ yêu đương sẽ thường rung động bởi những người đàn ông chu đáo, ấm áp, biết cách dỗ dành. Thậm chí vì “anh ấy đối xử tốt với tôi” mà tiến tới hôn nhân không hề đắn đo.
Nhưng sau khi kết hôn, họ tiếp tục dựa theo những gì có được trước kia mà yêu cầu chồng mình phải ưu tiên mình trong mọi việc, phải chú ý cảm nhận của cô ấy mọi lúc mọi nơi, dù là ở nhà hay ở ngoài, cho dù là không kiếm được tiền cũng không sao cả.
Chồng của họ, không thể không dành nhiều thời gian, nhiều sức lực hơn trước để dỗ dành họ, lấy lòng họ, đương nhiên sẽ rất khó có thể giành được thành tựu trong sự nghiệp, dần dần trở thành kiểu gia đình “nữ kiếm tiền bên ngoài, chồng ở nhà nội trợ”.
Trong khi đó, trong những cuộc hôn nhân lành mạnh không phải chỉ có bao dung và thỏa hiệp, mà còn có cùng nhau trưởng thành. Người chồng sẽ chỉ đáp ứng mong muốn của vợ mình một cách có điều kiện, đồng thời giúp vợ có được sự cân bằng giữa dựa dẫm và độc lập, phát triển nên một hình thức tương tác mới.
Sau khi đọc ví dụ bên trên xong, có lẽ bạn sẽ hiểu lầm một điều rằng một người sở dĩ sống không hạnh phúc đều là vì hồi nhỏ thiếu thốn tình yêu từ cha mẹ.
Sự ảnh hưởng từ gia đình dành cho bạn không hề lớn như bạn tưởng
Một mặt là vì bạn hiện tại đã trưởng thành, đã không còn là bạn của trước kia nữa. Trước kia bạn không thể phản kháng, chỉ có thể bị ép buộc phải tiếp nhận. Nhưng cùng với việc lớn lên, bạn bắt đầu có quyền nói “không”. Bố mẹ bạn, cùng với sự gia tăng tuổi tác cũng sẽ dần ý thức được rằng con cái tự có phúc phận của nó, sẽ bớt kiểm soát bạn hơn, để bạn có thể sống theo cách mà mình muốn.
Mặt khác, ảnh hưởng từ gia đình hạt nhân có thể thông qua việc cố gắng luyện tập để loại bỏ. Ví dụ có thể bạn đã từng “chiến tranh lạnh” với bố mẹ, bố mẹ bạn vì yêu thương bạn nên sẽ thỏa hiệp với hành vi của bạn. Điều này khiến bạn ý thức được rằng đây là một cách có hiệu quả, có thể giải quyết được vấn đề. Thế là bạn bắt đầu liên tục sử dụng “chiến tranh lạnh” để cư xử với người thân, người yêu và bạn bè của mình để ép họ phải thỏa hiệp.
Cho tới một ngày, bạn gặp được một người, khi bạn phát động chiến tranh lạnh, người đó sẽ nói với bạn rằng: “Anh cho em thời gian suy nghĩ kỹ, sau đó chúng ta nói chuyện tử tế”. Sau khi bạn thử làm việc này vài lần, bạn phát hiện ra rằng những điều bạn mong muốn đều được thỏa mãn, hơn nữa mối quan hệ giữa hai người cũng trở nên thân mật hơn. Có phải bạn cũng sử dụng cách “chiến tranh lạnh trước, sau đó nói chuyện tử tế với đối phương”?
Tất cả những gì bạn có đều là do bạn rèn luyện mà ra, nó trở thành thói quen của bạn. Chỉ cần bạn ý thức được rằng những cách này không ổn, bạn sẽ cố gắng thay đổi nó, như vậy thì có thể dần dần loại bỏ được sức ảnh hưởng của gia đình bạn, từ đó sống cuộc đời khác biệt mà mình mong muốn.
Sự khác biệt giữa hai giới tính, thay đổi vị trí cho nhau để giải quyết mâu thuẫn
Cũng chính là vì những sự khác biệt này, trong khi hai người khác giới ứng xử với nhau thường sẽ xảy ra những mâu thuẫn, xung đột. Ví dụ khi bạn gái kể lể những nỗi khổ của mình với bạn trai, người bạn trai có lẽ sẽ tưởng rằng cô ấy cần có một phương án giải quyết vấn đề mà đã bỏ qua tâm trạng tồi tệ của đối phương, thực tế cô chỉ là đang buồn bực mà muốn tâm sự với ai đó mà thôi.
Nếu muốn duy trì một mối quan hệ lâu dài, ngoài việc suy nghĩ từ góc nhìn của đối phương ra thì chúng ta cần phải hiểu nhau, còn có thể thông qua việc đóng vai của nhau để tìm hiểu những nhu cầu của nhau. Nói một cách cụ thể, khi bạn gái cảm thấy không hài lòng, bạn trai có thể thẳng thắn nói với cô ấy: “Anh khiến em không vui, anh rất đau lòng, cũng muốn biết anh phải làm như thế nào mới được, thế nên đợi em hết giận, chúng mình chơi một trò chơi, anh đóng vai em, em đóng vai anh, em dạy anh phải làm như thế nào nhé?”.
Việc đóng vai của nhau sẽ có hiệu quả hơn việc nhận lỗi một cách hời hợt rất nhiều, như vậy có thể giúp cả hai thực sự nhìn thấy lỗi sai nằm ở đâu. Sau đó, khi đóng vai của nhau, con gái có thể chủ động diễn những việc mà mình muốn bạn trai làm được, ví dụ như kiên nhẫn hỏi han và lắng nghe, cho đối phương một cái ôm ấm áp đầy tình yêu thương,... Như vậy thì đến lần sau, nếu cô bạn gái lại không vui thì con trai sẽ biết mình nên làm thế nào.
Mỗi người chúng ta khi sinh ra đều là một trang giấy trắng. Trước khi trưởng thành, chúng ta được bố mẹ, thầy cô vẽ lên, uốn nắn chúng ta từng chút một. Sau khi trưởng thành, cây bút vẽ ấy đã tới tay của chính bạn. Thế nên, muốn sống cuộc đời như thế nào, phải xem xem bạn giác ngộ như thế nào thôi.
Chúc mọi người đều có thể sống một cuộc đời hạnh phúc mà mình mong muốn.
Vũ Phong (Theo Thuơng Hiệu và Pháp Luật)