Theo cô Cao Thị Đan Thanh - nguyên tổ trưởng tổ văn Trường THPT Nguyễn Thượng Hiền, TP.HCM, với những đề văn mở thì giáo viên cũng nên có cách ứng xử theo hướng “mở”. Ví dụ như bài văn của em học sinh ở Hải Phòng đúng là chưa đi sát với yêu cầu của đề bài. Tuy nhiên, giáo viên nên đặt mình vào vị trí của học sinh để lắng nghe và hiểu các em.
“Nếu là tôi, tôi sẽ công nhận với học sinh rằng em viết không sai, viết đúng sự thật nhưng chưa sát với yêu cầu của đề bài. Nếu ở buổi tọa đàm về bạo lực học đường mà có ý kiến như bài em viết thì rất hay. Nhưng với đề bài của cô thì em phải làm lại”- cô Thanh nói. Cô Thanh cho rằng giáo viên không nên quy chụp cho học sinh về ý thức này nọ mà phải giải thích, định hướng để các em “tâm phục khẩu phục”.
Đa số những bài văn lạc đề xuất hiện trong thời gian gần đây đều viết với lời lẽ khá khúc chiết chứ không lan man, chứng tỏ học sinh không phải là người yếu kém môn văn, điều quan trọng là giáo viên chưa uốn được cho các em đi đúng hướng mà thôi. Ở bộ môn văn, dạy học sinh theo kiểu áp đặt sẽ rất khó thuyết phục các em. Trước những bài văn lạc đề, nếu giáo viên làm cho vấn đề thêm nặng nề, trầm trọng thì học sinh sẽ bất mãn và không thích môn văn.
Dạy văn chính là dạy người. Vì thế giáo viên cần có cách xử lý phù hợp
đối với những bài văn lạc đề. Trong ảnh: một tiết học văn
ở Trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM
Trong khi đó, nhà nghiên cứu giáo dục Lê Thị Thanh Thảo lại cho rằng vấn đề học sinh làm văn lạc đề là... không có gì phải ầm ĩ. Đây là một sự thật, một thực tế trong cuộc sống khiến các em khó chịu, bực bội nhưng không có dịp nói ra. Vì vậy, các em mượn bài văn để nói lên suy nghĩ của mình.
Cô Thảo kể: “Tôi đã đi thực tế nhiều nơi, tôi thấy nhiều nơi phòng học còn không có cái quạt nào nữa kia. Tuy là bài văn lạc đề nhưng phản ánh đúng sự thật thì giáo viên nên có cách giải quyết hợp lý hợp tình hơn. Nếu giáo viên có buổi nói chuyện một cách thẳng thắn với học sinh, rằng em đã phản ảnh đúng sự thật, rằng đúng là cô cũng vô tình nên các em phải chịu sự thiệt thòi, cô sẽ phản ảnh với ban giám hiệu trường để giải quyết vụ này. Thế nhưng, với đề bài cô đưa ra thì em làm chưa đúng yêu cầu”.
Và khi đó, người giáo viên nên định hướng cho học sinh cách viết một bài văn nghị luận sao cho đúng với yêu cầu, giải thích cho học sinh hiểu nếu cứ viết tùy tiện thì khi đi thi sẽ không có điểm.
Đối mặt với nhiều học sinh cá tính, cô Hoàng Thị Thu Hiền - giáo viên môn văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - đưa ra ý kiến: với những đề văn mở thì người giáo viên nên có tầm nhìn rộng hơn, xa hơn: đó là sự sáng tạo phải đi đôi với thiện chí của học trò. Tức là sự sáng tạo của các em cần được trân trọng, nâng niu nhưng phải xem ý thức học tập của các em ra sao.
Cô Hiền cho biết: “Trước đây, tôi có ra một đề bài “Quan niệm của em về sự bình yên”, cả lớp đều viết sự bình yên là hạnh phúc, nhưng riêng một em viết rằng em không thích sự bình yên, chán ghét sự bình yên. Tôi đã cho bài văn ấy điểm cao vì đây là một học sinh có ý thức học tập tốt, có hứng thú học tập môn văn. Lấy ví dụ như thế để kết luận rằng với những đề văn mở thì cách chấm của giáo viên cũng quan trọng không kém, không phải thầy cô nào chấm đề thi mở cũng chính xác. Ra đề mở là điều đáng khuyến khích, nhưng cuối cùng giáo viên phải làm cho học sinh hiểu được rằng dù đề mở đến đâu cũng phải dựa vào nền tảng chung: đó là phải hướng đến những điều tốt đẹp của cuộc sống chứ không phải đạp đổ nó đi. Bởi nghị luận xã hội chính là dạy học sinh cách làm người”.
24h