Mới đây, nhiều người được phen trầm trồ trước nhan sắc năm 17 tuổi của cụ bà Nguyễn Thị Băng Tâm (sinh năm 1921), hiện nay đã 103 tuổi, sinh sống tại Hà Nội.
Theo lời kể, cụ Tâm sinh ra tại Pháp, lên 4 tuổi, bố mẹ dẫn về Việt Nam và cụ được một gia đình buôn vải tại Bắc Ninh nhận làm con nuôi. Ngay từ lúc nhỏ, cụ Tâm được hưởng cuộc sống tiểu thư vương giả khi công việc chính là học hành, còn những việc nhà đều đã có giúp việc lo. Mỗi lần muốn đi đâu cụ đều có xe tay (xe người kéo) đưa đón.
Năm Mậu Dần 1938, khi cụ bà tròn 17 tuổi đã được mai mối với một người con trai xuất thân trong gia đình giàu có tại Hà Nội. Đám cưới cũng được tổ chức cùng năm.
Ngay cả trong ảnh gốc chưa được phục chế, cụ Băng Tâm rất đẹp khiến dân mạng trầm trồ.
Nhan sắc đẹp "sắc nước hương trời" của cụ Băng Tâm khi tuổi 17.
Hiện tại, cụ Băng Tâm đang sống ở khu phố Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Dù đã ngoài 100 tuổi nhưng cụ vẫn minh mẫn, đọc tiếng Pháp vanh vách. Tuổi cao nên tai cụ Tâm không còn nghe rõ, nhưng giọng nói vô cùng nhẹ nhàng khiến ai ai cũng cảm mến.
Năm tháng qua đi, nàng hoa khôi nổi tiếng một thời đó đã bước sang mùa xuân thứ 103.
Xem lại bức ảnh lan truyền trên mạng những ngày vừa qua, cụ Tâm cười nói "Đúng là tôi đó, ảnh chụp cách đây 83 năm trước, khi tôi mới 17 tuổi đi lấy chồng, năm 1938 Mậu Dần".
Những ký ức thanh xuân một thời tươi đẹp hiện hữu trong tâm trí cụ. Trong tấm ảnh chụp chung với chồng, cụ Tâm mặc chiếc áo dài nhung, đầu đội khăn vấn, cổ đeo chuỗi ngọc trai, chân đi hài. Ngày ấy, đám cưới của cụ Tâm thuộc dạng "to nhất nhì" cả một vùng. Những khoảnh khắc đẹp ấy bao năm qua cụ vẫn cất cẩn thận, gìn giữ như kho báu.
Ngồi bên cạnh mẹ, ông Đặng Trần Quang (66 tuổi, con trai út của cụ Tâm) chia sẻ, ông được nghe mọi người kể lại chuyện mẹ được mệnh danh là "hoa khôi của vùng", nhan sắc không phải dạng vừa.
"Ngày ấy có phải được tự do yêu đương như bây giờ đây, các cụ nghiêm khắc lắm, nên con cái đến tuổi là cha mẹ sẽ lựa chọn gia đình môn đăng hộ đối để gả", ông Quang chia sẻ.
Chồng của cụ Tâm là con trưởng trong gia đình 10 anh em, giàu có tại Hà Nội. Năm 18 - 19 tuổi, ông đã lái xe ô tô đi khắp nơi. Sau khi tốt nghiệp trường Bưởi (Hà Nội), ông tham gia kháng chiến, sau là cán bộ kháng chiến tiền khởi nghĩa.
Một năm sau khi kết hôn, cụ Tâm sinh con gái đầu lòng. Không còn cuộc sống của một nàng tiểu thư đài các, cụ bắt đầu công việc chăm sóc gia đình, nuôi dạy con khi chồng đi kháng chiến.
Năm 1954, khi thủ đô giải phóng, cả gia đình từ Tuyên Quang chuyển về Hà Nội. Hai vợ chồng cụ được thuê một căn nhà theo chính sách, sau đó cụ Tâm nhận làm văn phòng tại Bộ Văn hóa. Còn chồng chuyển công tác làm tại Ủy Ban liên lạc văn hoá đối ngoại.
Năm 1968, cụ ông qua đời do bạo bệnh, một mình cụ Tâm tiếp tục nuôi nấng 7 người con ăn học nên người, công việc ổn định. Khi bố mất, ông Quang chỉ mới 12 tuổi, nhưng trong tâm trí ông, bố là một người luôn nghiêm khắc với các con.
Cụ ông là một người giỏi tiếng Pháp, lại được tiếp xúc với các nhà lãnh đạo nên tư tưởng rất cởi mở, tân tiến. Còn đối với cụ Tâm thì chưa từng nặng lời quát mắng con mà lúc nào cũng dịu dàng, nhẹ nhàng nhưng không vì thế mà bà chiều chuộng làm hư con.
Năm 1982, cụ Tâm về hưu, từ đó ở nhà quây quần bên con cháu. Hiện tại khi đã ở tuổi ngoài 100, nhưng cụ vẫn rất minh mẫn. Cụ nhớ hết tên của con, cháu của mình, nhớ địa chỉ nơi sinh ra tại Pháp. Cụ vẫn tự sinh hoạt bình thường, ăn uống điều độ và luôn nhắc con cái đề cao tính tiết kiệm.
Nguồn: Tiệm Ảnh Thanh Hà
Tường San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)