Những thắc mắc này đã được chuyển đến trưởng ban chỉ đạo thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014 - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga. Sau đây xin trích dẫn những vấn đề mà các thí sinh, phụ huynh quan tâm sau khi kỳ thi tuyển sinh ĐH diễn ra, được Bộ GD-ĐT giải đáp.
1. Điểm thi sẽ cao hơn?
Đây là năm đầu tiên Bộ GD-ĐT áp dụng nhiều mức điểm xét tuyển, do đó theo Thứ trưởng Ga, việc xác định các mức điểm xét tuyển sẽ dựa vào số phần trăm thí sinh đạt yêu cầu. Bộ không ấn định từ đầu mức điểm xét tuyển trên cao hơn mức liền kề mấy điểm, mà độ chênh lệch điểm giữa các mức này có thể khác nhau phụ thuộc phổ điểm kết quả thi của thí sinh. Thí sinh chỉ cần hình dung đơn giản: mức xét tuyển cao dành cho các trường tốp đầu, mức xét tuyển trung bình dành cho các trường tốp giữa và mức xét tuyển thấp dành cho những trường còn lại. Sự phân chia các mức khác nhau nhằm mục tiêu phân khúc nguồn tuyển, giúp các trường giảm bớt khó khăn trong tuyển đủ chỉ tiêu như những năm trước đây.
Thí sinh đến chỉnh sửa giấy báo dự thi tại Trường ĐH Sài Gòn sáng 8-7 - Ảnh: Như Hùng
Hiện tại khó có thể khẳng định chuẩn xác phổ điểm như thế nào vì tất cả phải chờ đợi kết quả chấm thi. Tuy nhiên, qua phản ảnh của thí sinh và các chuyên gia giáo dục, có thể dự báo đỉnh phổ điểm thi các môn (điểm thi mà nhiều thí sinh đạt được nhất - PV) năm nay sẽ dịch sang bên phải và phân bố đều hơn năm ngoái (đồng nghĩa với việc thí sinh đạt điểm thi cao sẽ nhiều hơn - PV). Điều này tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc xác định các mức điểm xét tuyển cơ bản của hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào - Bộ GD-ĐT.
2. Thay đổi cấu trúc đề thi: Có lợi cho thí sinh
Với câu hỏi liên quan đến các thắc mắc về thay đổi cấu trúc đề thi tuyển sinh năm nay tại sao Bộ GD-ĐT không công bố trước, để nhiều thí sinh rơi vào trạng thái bất ngờ, Thứ trưởng Ga cho biết điều này có lợi cho thí sinh ở chỗ trong bài làm thí sinh chỉ tập trung kiến thức trong phần giao thoa của chương trình cơ bản và chương trình nâng cao. Chưa kể khi chỉ còn phần chung, thí sinh có thể tập trung làm bài ngay từ đầu, không phải phân vân lựa chọn câu này hay câu kia. Sự thay đổi này cũng giúp thí sinh tránh bị mất điểm oan do vô ý làm một vài câu trong phần tự chọn còn lại dẫn đến phạm quy và bị trừ điểm.
Theo lý thuyết, nếu ban đề thi chọn những vấn đề liên quan đến phần kiến thức khác biệt của hai chương trình thì đề thi sẽ có phần tự chọn. Tuy nhiên, quy chế tuyển sinh quy định đề thi nằm trong chương trình phổ thông, nghĩa là không có giới hạn chương trình. Do đó, nếu quy định từ trước đề thi chỉ có phần chung thì mặc nhiên những phần kiến thức khác biệt của hai chương trình sẽ bị loại bỏ. Điều này không đúng với quy chế hiện hành, đồng thời gây hổng kiến thức ở bậc THPT khi thí sinh sẽ “chọn lọc” kiến thức trong khi ôn thi.
3. Đảm bảo quyền lợi ưu tiên khu vực, đối tượng cho thí sinh
Bộ GD-ĐT đã gửi công văn đến các trường hướng dẫn tiếp tục điều chỉnh sai sót ưu tiên đối tượng và khu vực của thí sinh cho đến khi các trường công bố kết quả thi. Như vậy, khi các trường chuyển dữ liệu kết quả tuyển sinh về bộ để hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào xem xét tư vấn cho bộ trưởng các mức điểm xét tuyển thì điểm ưu tiên của thí sinh đã được điều chỉnh theo quy định. Điều chỉnh diện ưu tiên theo quy định mới chỉ liên quan đến khoảng 15% địa phương thuộc KV1. Bộ đã chuyển cho các trường danh sách trường THPT và xã thuộc KV1 để các trường điều chỉnh ưu tiên thí sinh nếu có sai sót. Dựa trên dữ liệu này, các trường có thể rà soát điều chỉnh diện ưu tiên cho thí sinh mà không gặp khó khăn gì. Sau khi công bố kết quả thi, nếu thí sinh nào thấy trường chưa xác định đúng diện ưu tiên của mình thì liên lạc với trường để điều chỉnh. Quyền lợi ưu tiên của thí sinh luôn được bảo đảm và thí sinh có thể hoàn toàn yên tâm về việc này.
4. Tháng 8: công bố điểm chuẩn trúng tuyển
Theo lịch tuyển sinh, các trường phải hoàn tất việc chấm thi và chuyển dữ liệu kết quả thi về bộ trước ngày 1-8. Một số trường có thể công bố kết quả thi trước thời gian này. Sau khi tập hợp đầy đủ số liệu tuyển sinh của các trường, hội đồng xác định tiêu chí đảm bảo chất lượng đầu vào của bộ sẽ họp vào tuần đầu tháng 8 để tư vấn cho bộ trưởng Bộ GD-ĐT công bố các mức điểm xét tuyển cơ bản. Sau đó, các trường công bố thí sinh trúng tuyển vào trường mình.
5. Tháng 9-2014: các trường phải nộp phương án tuyển sinh riêng
Theo kế hoạch, đến tháng 9 năm nay các trường phải gửi về bộ đề án tuyển sinh riêng và lộ trình thực hiện tuyển sinh riêng. Các trường phải nêu trong đề án phương thức cụ thể về tuyển sinh riêng của trường mình. Các phương thức này có thể rất đa dạng: tổ chức thi riêng, phối hợp nhiều trường tổ chức thi và sử dụng chung kết quả, xét tuyển từ kết quả kỳ thi quốc gia và bổ sung kiểm tra năng lực... Nếu kỳ thi quốc gia có được sự đồng thuận của xã hội và được triển khai trong năm học tới thì kỳ thi “ba chung” có thể kết thúc sớm hơn dự kiến. Khi đó các trường tự chủ hoàn toàn trong công tác tuyển sinh.
Đáp án mở dành cho đề thi mở
“Đề mở, đáp án liệu có mở?” - băn khoăn chung của thí sinh đã được chuyển đến buổi họp báo do Bộ GD-ĐT tổ chức chiều 10-7, ngay sau khi kết thúc hai đợt thi tuyển sinh ĐH, bằng nhiều câu hỏi liên quan đến đề thi và đáp án các môn thi.
“Thất nghiệp do bộ”: Được tính điểm không?
Trong môn địa lý dành cho khối C, đề có câu hỏi yêu cầu thí sinh nêu nguyên nhân và giải pháp cho tình trạng thiếu việc làm đang diễn ra gay gắt tại Việt Nam. Vậy trong phần trả lời, thí sinh đưa ra một trong những lý do dẫn đến gia tăng thất nghiệp nằm ở lỗi của Bộ GD-ĐT khi một thời gian dài mở ngành, mở trường quá tràn lan, thì giáo viên có chấm điểm cho ý trả lời này hay không?
Đáp lại, ông Mai Văn Trinh - cục trưởng Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT - khẳng định “đề mở, đáp án phải mở”. Theo ông Trinh, đáp án đóng là “đếm ý lấy điểm”, còn đáp án mở chấp nhận thí sinh đưa những ý tưởng mới trên cơ sở nội dung của đáp án với cách thức truyền tải thông điệp, ý tưởng phù hợp với thuần phong mỹ tục, pháp luật Việt Nam bằng những lập luận chặt chẽ, ngôn ngữ trong sáng. Theo đó, câu trả lời của thí sinh liên quan đến chính chức năng của Bộ GD-ĐT, nêu thực trạng thất nghiệp mà đề thi đề cập thuộc trách nhiệm của Bộ GD-ĐT vẫn được tính điểm khi bảo đảm được tiêu chí lập luận, hành văn theo kiểu “mở”. “Đáp án không có vùng cấm” - ông Trinh khẳng định.
Trước thắc mắc về việc đề thi môn vật lý đưa yêu cầu về thao tác sử dụng đồng hồ đa năng hiện số đo điện áp xoay chiều, nhưng có thể thiết bị này chưa “phủ sóng” hết các trường THPT, ông Phạm Ngọc Phương - chánh văn phòng Bộ GD-ĐT - cho rằng về mặt nguyên tắc, đây là đồ dùng học tập nằm trong danh mục thiết bị tối thiểu được trang bị trong tất cả các trường THPT và các trường phổ thông đều phải mua sắm thiết bị này. “Thực tế, nếu trường nào không có đồng hồ này sẽ rất khó dạy học. Trong quá trình dạy học phải có thực hành, thí nghiệm. Còn trường nào không có thiết bị này thì nằm ngoài quy định” - ông Phương nhấn mạnh.
Quý 3-2014: công bố phương án kỳ thi “2 trong 1”
Tại buổi họp báo, lãnh đạo Bộ GD-ĐT khẳng định đang nghiên cứu và dự kiến công bố phương án cụ thể cho kỳ thi “2 trong 1” vừa xét tốt nghiệp THPT vừa làm cơ sở dữ liệu để các trường xét tuyển ĐH trong quý 3-2014. Song theo ông Mai Văn Trinh, tại thời điểm này Bộ GD-ĐT chưa thể nói chính xác kỳ thi đổi mới đó sẽ bắt đầu được thực hiện khi nào.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số trường ĐH dù đang xây dựng phương án tuyển sinh riêng theo yêu cầu của bộ lại tỏ ra băn khoăn: trường xây dựng đề án riêng, trong khi bộ vẫn tiến tới kỳ thi chung, liệu có lãng phí? Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho rằng không có sự mâu thuẫn nào trong chủ trương này vì đề án tuyển sinh riêng của các trường có thể đề xuất sử dụng kết quả kỳ thi “2 trong 1”, cũng có thể không sử dụng, hoặc kết hợp sử dụng kết quả kỳ thi “2 trong 1” với một tiêu chí đánh giá, kiểm tra bổ sung đi kèm.
Tuy nhiên, điều mà xã hội và chính các trường ĐH đang đặc biệt quan tâm là liệu kỳ thi “2 trong 1” có bổ sung kênh giám sát nào cho kết quả thi cử thực chất hơn khi kỳ thi tốt nghiệp THPT bao lâu nay vẫn khiến dư luận nghi ngờ vì kết quả đỗ luôn chót vót ở mức 98-99%? Để tăng độ tin cậy cho dữ liệu từ kết quả một kỳ thi quốc gia, hấp dẫn các trường sử dụng kết quả của kỳ thi làm căn cứ để xét tuyển ngay cả khi không còn “ba chung”, liệu Bộ GD-ĐT có mạnh dạn lắp camera vào phòng thi để giám sát?
Ông Phạm Ngọc Phương khẳng định Bộ GD-ĐT hiểu rất rõ vai trò giám sát của camera ở phạm vi không chỉ trong trường học mà cả trong các cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, để áp dụng vào giám sát kỳ thi quốc gia là một việc rất lớn. Bộ GD-ĐT đã đưa vấn đề này ra bàn bạc, nhưng phân tích kỹ lưỡng thì chưa thể thực hiện ngay. “Tính một cách sơ bộ, chúng ta có khoảng 500.000 phòng thi. Với thời gian ngắn vừa phải lắp đặt vừa tổ chức quản lý, hướng dẫn sử dụng, rồi kinh phí... thì thấy không thể áp dụng ngay trong kỳ thi vừa qua. Bộ GD-ĐT hiện đưa vấn đề này vào nghiên cứu trong thời gian tới khi tiến hành đổi mới thi, xem cách thức tiến hành thế nào, lấy tiền ở đâu, xã hội hóa hay từ nguồn tài trợ doanh nghiệp...” - ông Phương phân tích.
Tuổi Trẻ