Người luôn thích chứng tỏ bản thân một cách phô trương
Đối với những người này, họ luôn giống như một con nhím cứ thích xù lông chứng tỏ ta đây "nguy hiểm" ra sao. Không quan trọng đó là lãnh đạo hay đồng nghiệp, người này luôn bày tỏ ý kiến riêng, chẳng bao giờ chịu lắng nghe người khác nói.
Khi các sếp họp bàn giao và phân công công việc, họ luôn vắng mặt và luôn là người sau cùng nhận nhiệm vụ. Họ không bao giờ coi trọng những ý tưởng hay đề xuất của cấp trên, lúc nào cũng thích vạch lá tìm sâu và cố đưa ra những ý kiến phản đối. Ban đầu, sếp có thể coi đó là những lời đóng góp ý kiến, nhưng dần dần họ hiểu rằng kiểu nhân viên này chỉ đang thích chứng tỏ bản thân mình.
Kiểu nhân viên này như "ruồi" ở nơi làm việc, hầu hết mọi người đều cảm thấy khó chịu, đặc biệt là trong các doanh nghiệp nhà nước hay tổ chức công cộng.
Nhân viên thích vượt cấp
Việc không để ý đến chức vụ, vượt cấp chính là hại người mà cũng hại chính mình. Trước tình huống này, sếp lớn sẽ trách sếp nhỏ rằng không biết quản lý nhân viên. Bản thân sếp nhỏ cũng sẽ nghĩ bạn đang không tôn trọng họ, từ đó họ bắt đầu có suy nghĩ, thái độ thù ghét, gây khó khăn cho bạn về sau.
Hiện nay, tình trạng vượt cấp xảy ra khá phổ biến tại nơi công sở. Nhiều nhân viên vì không thích quản lý, cấp trên của mình mà cố tình vượt cấp, trực tiếp làm việc, báo cáo với sếp lớn. Tuy nhiên, điều này lại thể hiện nhân viên đó không hiểu quy tắc nơi làm việc, thiếu tính kỷ luật, coi thường người khác. Những người như vậy thì trong tương lai cũng khó mà thăng tiến, phát triển được.
Thích bao biện
Việc đã sai rành rành ra đó mà vẫn cố tình “móc nối” mọi thế lực để bao biện cho chính mình, tránh truy cứu trách nhiệm bản thân… quả thật là điều tối kỵ. Đừng nghĩ sếp im lặng nghĩa là đang đồng tình với bạn. Thật ra họ luôn quan sát kĩ càng thuộc cấp của họ.
Họ chỉ ủng hộ và đánh giá cao những ai dám làm dám chịu, tự nhận khuyết điểm và sửa sai. Do đó, kiểu nhân viên này cũng không được sếp coi trọng thậm chí còn bực mình.
Bất mãn vô căn cứ
Đó là những người không hài lòng, không hợp tác, hay chỉ trích mọi người và mọi việc. Những người hay gắt gỏng có thể mang lại đám mây u ám bao phủ toàn văn phòng, và có thể làm mọi người cảm thấy khó chịu. Hãy để những người này đưa ra giải pháp cho chính họ trong các vấn đề hoặc đưa ra lí do giải thích cho thái độ của mình. Nếu vẫn tiếp tục tỏ ra như vậy, thì bạn không nhất thiết phải giữ anh chàng bất mãn này lại.
Hạ Tú (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)