Vườn treo Babylon là một kỳ quan được ghi chép lại rất nhiều trong các tài liệu của các nhà sử học Hy Lạp, tuy nhiên có rất ít bằng chứng về sự hiện diện của chúng. Theo sử liệu thì vườn treo này do vua Nebuchadnezzar II xây dựng nên từ khoảng năm 600 TCN để cho người vợ của ông vơi nỗi nhớ quê hương.
Vợ của ông là con gái của vua Uvaxshtra, trị vì đế quốc Mada, quê hương bà là một vùng đất xanh tươi với núi non hùng vĩ. Khi lấy chồng, bà luôn buồn chán và nhớ cố hương nên nhà vua quyết định tái tạo lại quê hương hoàng hậu bằng cách xây nên một vùng núi non nhân tạo bằng những vườn treo trên mái nhà.
Thế nhưng khu vườn treo này liệu có thật hay không? Và nếu có thật thì nó có tồn tại Babylon (Iraq ngày nay) hay không?
Những bằng chứng lịch sử hết sức quan trọng
Vườn treo Babylon, một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại, thực sự đã không hề tồn tại ở Babylon mà thay vào đó đã nằm cách Babylon khoảng 300 dặm về hướng Bắc ở Nineveh, kẻ thù lớn nhất của Babylon, theo khẳng định của sử gia hàng đầu thuộc Đại học Oxford (Anh)-TS. Stephanie Dalley.
Sau hơn 20 năm nghiên cứu miệt mài, TS. Stephanie Dalley, đến từ Viện nghiên cứu phương Đông của Đại học Oxford, cuối cùng đã chắp ghép đủ bằng chứng nhằm chứng minh những ngờ vực hợp lý về sự tồn tại quần thể các khu vườn danh tiếng đã được xây dựng ở Nineveh bởi nhà cai trị Sennacherib của nhà nước Assyria – mà trước đó giới sử gia vẫn luôn nghĩ rằng chính vua Nebuchadnezzar xứ Babylon mới là người đã xây dựng nên Vườn treo Babylon.
Ấn phẩm công bố đầu tiên của TS. Stephanie Dalley đã chỉ đích danh rằng Nineveh chứ không phải là Babylon là địa điểm đã tồn tại khu vườn treo kỳ vĩ, và ngay từ năm 1992, bà Dalley đã viết trên tờ The Independent rằng, bà cần thêm 2 thập kỷ tìm tòi để chứng minh quan điểm đúng đắn của mình.
Công trình Vườn Treo Babylon
Dự kiến cuối tháng 5/2013, TS. Stephanie Dalley sẽ cho xuất bản một quyển sách quan trọng do Nhà xuất bản Đại học Oxford ấn hành, trong đó cung cấp 4 bằng chứng quan trọng về nguồn gốc và địa điểm chính xác tồn tại vườn treo Babylon.
Sau khi nghiên cứu chi tiết về các bản mô tả lịch sử của Vườn Treo Babylon, bà Dalley nhận ra rằng một bức phù điêu từ cung điện của Sennacherib ở Nineveh thực sự có mô tả các loài cây được trồng trên một hàng cột có mái che, chính xác như những gì đã từng đặc tả về khu vườn.
Bức phù điêu buổi đầu đã bị thất lạc vào giữa thế kỷ 19. Khi nó được khám phá bởi nhà khảo cổ học người Anh Austin Henry Layard vào năm 1840, dường như tình trạng bề mặt của bức phù điêu khá nghèo nàn, có khả năng nó sẽ nhanh chóng bị tan rã. Ngoài ra trong số các món đồ chạm khắc từ Niveveh đã bị thất lạc trên một chiếc thuyền chở chúng đã bị đắm trên sông Tigris.
Tuy nhiên, may mắn thay, một hoạ sĩ làm việc cho Layard đã bị mê hoặc về bức phù điêu và bản vẽ của hoạ sĩ này gần đây đã được TS. Stephanie Dalley công nhận như là bức hoạ chính thức về Vườn treo Babylon, đã được tái hiện trong quyển sách của nhà khảo cổ học Austin Henry Layard về Nineveh được xuất bản ở London vào năm 1853.
Nghiên cứu xa hơn từ TS. Stephanie Dalley đã chỉ ra rằng, sau khi người Assyria cướp phá và chinh phục Babylon vào năm 689 trước Công nguyên, kinh đô Nineveh của người Assyria có thể đã được xem như là “Tân Babylon” – vì lẽ đó mà đời sau người ta tin rằng Vườn treo Babylon đã nằm ở Babylon.
Nghiên cứu của bà Dalley cũng khám phá thêm rằng, ít nhất có một đô thị khác ở vùng Lưỡng Hà – một thành phố được gọi là Borsippa – đã được mô tả như một “Babylon khác” vào đầu thế kỷ 13 trước Công nguyên, do đó ngụ ý rằng cái tên thời cổ đại có thể được dùng để mô tả những địa danh hơn là chính bản thân Babylon.
Một bước đột phá đã diễn ra khi bà Dalley nhận thấy rằng từ nghiên cứu trước đó, rằng Vua Sennacherib đã tiến hành cướp bóc và chinh phục Babylon, ông ta thật sự đã đổi tên tất cả cổng thành của Nineveh bằng những cái tên truyền thống đã dùng cho cổng thành Babylon.
Babylon luôn dùng tên của các vị thần đặt cho các cổng thành của nó. Sau khi người Assyria cướp bóc Babylon, vương triều Assyria chỉ đơn giản là đã đổi tên cổng thành của Nineveh thành tên của các vị thần như ở Babylon. Xét về danh pháp, rõ ràng là Nineveh đã trở thành một “Tân Babylon”.
Kế đó, TS. Stephanie Dalley đã so sánh địa hình giữa Babylon và Nineveh rồi nhận ra rằng hình thái nông thôn bằng phẳng quanh xứ Babylon thực tế là không đủ điều kiện để cung cấp đủ nước nhằm duy trì sự xanh tốt của quần thể khu vườn theo phong cách cổ điển.
Nghiên cứu của bà Dalley đã trở nên rõ ràng rằng “Vườn treo” đã được mô tả không thể nào xây dựng được ở Babylon. Cuối cùng nghiên cứu của bà Dalley bắt đầu cho thấy những mô tả buổi đầu của Vườn treo đã được viết bởi các sử gia thật sự đã từng viếng thăm khu vực Nineveh.
Nghiên cứu về lịch sử Nineveh hậu Assyria, bà Dalley phát hiện ra rằng, Alexander Đại Đế thật sự đã hạ trại gần Nineveh vào năm 331 trước Công nguyên – chỉ trước khi ông đánh bại người Ba Tư tại chiến địa nổi tiếng Gaugamela. Tài liệu lịch sử nói rằng đoàn quân của Alexander Đại Đế thật sự đã đóng trại tại một trong những con kênh dẫn nước khá lớn mà theo niềm tin của TS. Stephanie Dalley thì con kênh đào đó đã đem nước tưới cho cái gọi là “Vườn treo”.
Một vài cận thần của Alexander Đại Đế là các sử gia Hy Lạp như Callisthenes, Cleitarchos và Onesicritos, mà tác phẩm của họ đã bị thất truyền cho hậu thế – song đáng kể là một trong số các công trình của họ đôi khi vẫn là nguồn tài liệu cho nhiều tác giả trong suốt vài thế kỷ sau đó, mô tả về Vườn treo trong các tác phẩm và còn tồn tại đến tận ngày nay.
Vườn Treo Babylon thực sự đã được xây dựng ở Nineveh
Vườn treo Babylon đã được xây dựng ở Nineveh (Bắc Iraq ngày nay)
TS. Stephanie Dalley cho biết: “Phải mất nhiều năm tìm ra bằng chứng nhằm minh hoạ rằng Vườn treo và hệ thống liên kết các cống dẫn nước và các kênh đào đã được vua Sennacherib cho xây dựng tại Nineveh chứ không phải là Vua Nebuchadnezzar cho xây dựng ở Babylon.
Lần đầu tiên, bà Dalley khẳng định rằng có sự tồn tại của Vườn treo. Vườn treo đã được xây dựng trong hình dạng một nửa vòng tròn, nó là một ngọn đồi nhân tạo theo dạng một nhà hát với nhiều tầng mái, cao khoảng 25m. Đáy ngọn đồi là một hồ nước lớn được tiếp nước từ một dòng suối nhỏ chảy từ 2 phía bên đồi.
Cây cối và hoa được trồng trên những cánh đồng nhân tạo nhỏ được tạo tác trên các hàng cột có mái che. Toàn bộ khu vườn dài khoảng 120m và ước tính rằng người xưa đã sử dụng ít nhất là 35.000 lít nước lấy từ một con kênh và hệ thống cống dẫn nước ở cách đó 50 dặm đường.
Ngay trong khuôn viên của khu vườn, người xưa đã chế tạo một số máy bơm bằng đồng có tác dụng đẩy lưu lượng lớn nước lên trên cao. Kiến trúc sư trưởng cho toàn bộ công trình kỳ vĩ này chính là Vua Sennacherib của vương quốc Assyria – còn vua Nebuchadnezzar xứ Babylon là người mà theo truyền thống đã gắn liền với khu vườn, cả hai vị vua đều là những lãnh tụ quân đội tàn khốc.
Chiến dịch của vua Sennacherib chống lại Jerusalem đã trở nên bất tử trong suốt 2.500 năm sau đó trong một bài thơ của Lord Byron mô tả cách mà “đội quân Assyria dũng mãnh như những con sói, lấp lánh sắc tím và vàng”. Cả hai vị vua đều nổi tiếng bởi việc đã huỷ hoại những kiến trúc tôn giáo nổi tiếng.
Vua Nebuchadnezzar xứ Babylon đã phá huỷ đền thờ Solomon ở Jerusalem với hành vi chống lại Thiên chúa. Còn vua Sennacherib xứ Assyria đã thẳng tay giật sập những ngôi đền kỳ vĩ ở Babylon, một hành động từng gây “sốc” cho thế giới Lưỡng Hà.
Nhưng về cuối đời, vua Sennacherib lại bị giết chết bởi chính 2 người con trai của ông ta, cũng là gieo gió thì phải gặt bão, đây là đòn trừng phạt của Thiên chúa vì Ngài đã dám cả gan phá huỷ các ngôi đền thiêng. Bản thân vua Sennacherib khuếch trương Vườn treo của mình được xây dựng vào năm 700 trước Công nguyên như là “Kỳ quan của nhân loại”.
Một số sử gia từng nghĩ rằng Vườn treo chỉ là hình ảnh của huyền thoại. Tuy nhiên, nghiên cứu lâu năm của TS. Stephanie Dalley đã chứng minh rằng nó thật sự đã tồn tại và hết sức hoành tráng.
Xzone.vn