Trong bài viết này, mời bạn cùng TransViet lắng nghe những câu chuyện văn hóa Á Đông thú vị qua bộ trang phục truyền thống nhé!
Sườn xám – Trung Quốc, Đài Loan
Từ lâu, văn hóa Đài Loan chịu ảnh hưởng khá nhiều từ Trung Hoa, vì vậy, không khó lý giải khi người dân Đảo Ngọc cũng coi Sườn xám là bộ trang phục truyền thống của họ và bạn chẳng khó bắt gặp hình ảnh những cô gái trẻ trung Sườn xám đẹp mắt khi đi du lịch Đài Loan.
Sườn xám (hay còn được viết là Xường xám) là tên gọi chỉ trang phục váy liền một mảnh ôm sát cơ thể của người phụ nữ Trung Quốc, tiếng Quan Thoại gọi là "kì bào" (có nghĩa là bộ váy dài, được trang trí chủ yếu bằng tông màu đỏ) – và “kì bào” cũng là cách gọi trang trọng khi nhắc đến trang phục truyền thống. Kiểu dáng ôm cơ thể thường thấy ngày nay của chiếc váy này được sáng tạo từ những năm 1920 ở Thượng Hải, và trở thành trào lưu thời trang nhờ những người nổi tiếng và những phụ nữ thuộc tầng lớp quý tộc. Vì những kiểu Sườn xám cách tân này bắt nguồn ở Thượng Hải nên còn được gọi là “áo dài Thượng Hải”.
Chiếc "Kì bào" nguyên bản có kiểu dáng suôn, che hầu hết cơ thể người phụ nữ, chỉ để lộ đầu, đôi bàn tay và đầu ngón chân. Kiểu dáng rộng thùng thình này cũng nhằm mục đích che dấu hình dáng của người mặc bất kể ở độ tuổi nào. Do ảnh hưởng bởi luồng văn hoá hội nhập, phụ nữ Thượng Hải mạnh dạn hơn khi từ bỏ kiểu cách cũ. Trên nền trang phục Kì bào thời Mãn Thanh kết hợp với yếu tố trang phục nữ Tây Phương, cải tiến một chút, bỗng chốc chuyển mình là trang phục vừa đặc trưng cho vẻ đẹp nữ tính Đông Phương lại phảng phất hơi thở mới mang dấu ấn thời thượng.
Kimono – Nhật Bản
Nhắc đến Kimono là nhắc đến những câu chuyện văn hóa, lịch sử đầy tự hào về xứ Phù Tang. Người Nhật Bản không đơn thuần chỉ coi Kimono là một trang phục truyền thống mà gọi mỗi chiếc áo Kimono là một tác phẩm nghệ thuật và mỗi bộ Kimono lại gửi gắm những thông điệp khác nhau, phản ánh rất rõ nét quan niệm về cái đẹp.
Kimono đã cùng người Nhật đi suốt một chiều dài lịch sử hơn một thiên niên kỉ, từ triều đại Na-ra, với những lớp vải được cắt đường thẳng và may lại thành những bộ đồ rộng rãi, sau này được cải tiến nhiều hơn. Những bộ Kimono thể hiện địa vị xã hội của người mặc, đôi khi còn thể hiện thế lực của dòng tộc và mang tính thẩm mỹ cao. Điểm nhấn ở các bộ Kimono truyền thống, ngoài những màu sắc và hoa văn sặc sỡ, chính là phần thắt lưng Obi được thắt nhiều kiểu cầu kì, mang những ý nghĩa nhất định và tình trạng hôn nhân và địa vị xã hội. Ngoài ra, trâm cài đầu, guốc gỗ,.. là những phụ kiện không thể thiếu khi đi cùng với Kimono.
Những người yêu thích văn hóa xứ Phù Tang hoặc từng có dịp du lịch Nhật Bản chắc đều biết rằng Kimono được chia thành nhiều loại khác nhau, dành cho cả nam và nữ. Kimono dành cho nữ giới thường chỉ có một cỡ duy nhất, khá rộng rãi, người mặc cần phải bó lại cho phù hợp với thân hình. Những loại Kimono quen thuộc nhất là Furisode với phần tay áo rất rộng và dài, nhiều hoa văn trang trí, thường dành cho các thiếu nữ chưa có chồng; Tomesode với phần tay áo hẹp hơn, hoa văn đơn giản, màu sắc chủ đạo là màu đen, đôi khi có phù hiệu gia tộc, thường dành cho phụ nữ đã có chồng. Ngoài ra, còn có Hōmongi và Tsukesage, Tsumugi, Yukata,… được mặc trong những dịp khác nhau trong đời sống.
Hanbok – Hàn Quốc
Nhắc đến xứ kim chi, người ta thường nghĩ ngay đến một kinh đô thời trang hoa lệ, một đất nước phát triển bậc nhất trong ngành thời trang và mỹ phẩm, khiến du lịch Hàn Quốc không bao giờ hạ nhiệt. Tuy nhiên, cũng ít ai không nhớ đến hình ảnh những cô gái Hàn xinh đẹp, duyên dáng trong bộ trang phục Hanbok truyền thống.
Trước khi có hình dáng như hiện tại, bộ Hanbok truyền thống đã được thay đổi, điều chỉnh không ít lần trong lịch sử. Có một giai đoạn, những bộ Hanbok cầu kì, nhiều màu sắc sặc sỡ chỉ dành cho giới thượng lưu còn dân thường chỉ được mặc màu trắng, trong những dịp đặc biệt, họ được phép mặc các trang phục màu hồng nhạt, xanh lá nhạt, xám.
Đến nay, dù người ta chỉ mặc Hanbok trong các dịp lễ, ngày kỉ niệm hoặc sự kiện văn hóa nhưng bộ trang phục này luôn là niềm tự hào lớn của người Hàn Quốc. Dù trẻ em hay người lớn tuổi, không ai không có cho mình ít nhất một bộ Hanbok để mặc trong các dịp đặc biệt.
Hanbok được thiết kế với dáng vẻ và màu sắc thanh lịch, mang đậm quan niệm thẩm mỹ của người Hàn Quốc. Đặc biệt hơn, lớp vải của Hanbok thường được nhuộm bằng màu tự nhiên, trải qua quá trình chiết màu và nhuộm hết sức cầu kì. Phần trên của áo là lớp áo khoác phải được thắt chặt, nhưng phần dưới lại khá rộng và thoải mái với lớp vải xếp nếp rất duyên dáng.
Công ty Du lịch TransViet
Địa chỉ: 170-172 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phường 6 Quận 3, TP. HCM
Điện thoại: (028) 7305 7939
Website: www.transviet.com.vn
HX (Theo Giadinhvietnam.com)