Ngay từ khi còn nhỏ, những bộ phim và tiểu thuyết nói về thời kì trung cổ hay thời kì phục hưng của châu Âu đã khiến tôi có một niềm đam mê nhất định với các pháo đài, lâu đài và cung điện. Nhắc đến lâu đài châu Âu thì không thể không nhắc tới Loire Valley (Vallée de la Loire).
Vùng thung lũng sông Loire nằm ở miền trung nước Pháp là nơi ngự trị nhiều lâu đài nhất thế giới. Việc đua nhau xây dựng những lâu đài nơi đây đã đưa phong cách kiến trúc Pháp thời bấy giờ lên đỉnh cao của sự tinh tế và kéo dài mãi 500 năm sau đó với hơn 300 lâu đài cung điện lớn nhỏ.
Đầu tiên phải kể đến Château de Chambord, lâu đài lớn nhất và nổi tiếng nhất Loire valley. Đây là lâu đài lớn nhất nước Pháp thời kì trung cổ, xây theo lối kiến trúc Phục Hưng kiểu Pháp. Hiện nay nó là lâu đài độc đáo nhất và lớn nhất thung lũng sông Loire. Lâu đài được xây dựng bởi vua François I từ thế kỉ 16 nhưng mãi dang dở và không bao giờ được hoàn thành.
Lâu đài được xây để thỏa mãn thú vui săn bắn của vua François I. Đồ trang trí bên trong lâu đài là rất nhiều chiến lợi phẩm của ông như da gấu, sừng hươu và răng lợn lòi. Các tác phẩm nghệ thuật bên trong lâu đài cũng đa số nói về các cuộc đi săn và đàn chó săn của ông. Leonardo da Vinci được cho là người đưa ra thiết kế ban đầu của lâu đài. Dấu ấn của ông chính là hệ thống cầu thang xoắn độc đáo. Hệ thống cầu thang gồm 2 lối lên xuống xoắn vào nhau, người đi lên và người đi xuống có thể trông thấy nhưng không bao giờ gặp nhau.
Thế kỉ 17, vua Louis XIV tiếp quản Château de Chambord nhưng ông chỉ thỉnh thoảng ghé qua để nghỉ ngơi và xem biểu diễn ba-lê và nhạc kịch đặc biệt của nhà soạn kịch nổi tiếng Molière.
Đích đến tiếp theo của chúng tôi là Château de Cheverny, một trong những lâu đài ra đời muộn nhất khu vực thung lũng sông Loire. Lâu đài được Henri Hurault, một lãnh chúa của vùng Cheverny và là 1 vị tướng của vua Louis VIII xây dựng. Sau này lâu đài được hoàn chỉnh dưới bàn tay của nhà điêu khắc, kiến trúc sư thiên tài Jacques Bougier. Cũng vì thế mà Cheverny có thiết kế theo dáng dấp của cung điện Luxembourg, nơi ông đã từng làm việc.
Nội thất của Cheverny là cả một pho tàng nghệ thuật tinh tế. Nó được làm hoàn toàn thủ công và được lựa chọn bởi con gái của Henri Hurault và hoàn tất vào giữa thế kỉ 17.
Ngoài kiến trúc và nội thất tinh tế ra thì Cheverny còn nổi tiếng với vườn cây cổ thụ, hồ nước bao quanh và đặc biệt là 1 trại nuôi hàng trăm chú chó săn được huấn luyện hết sức bài bản. Câu chuyện về những chú chó săn này và cả tòa lâu đài Cheverny được nhắc đến trong cuốn truyện tranh nổi tiếng của Bỉ “Những cuộc phiêu lưu của Tintin”.
Trong gần 2 thế kỉ sau cách mạng Pháp, lâu đài được mua bán trao tay qua rất nhiều chủ nhưng cuối cùng lại quay về người của dòng họ Hurault. Ngày nay Cheverny được mở cửa cho khách vào tham quan, chơi golf và đi săn. Ngoài ra, nhà Hurault vẫn sử dụng một số phòng để sinh sống và chăm sóc lâu đài, di sản vô giá mà cha ông họ để lại.
Ngày hôm sau, chúng tôi đi tàu hỏa đến Château d’ Amboise tại thành phố Amboise, trên đường đi từ Blois đến Tours. Lâu đài nằm ngay sát bờ sông Loire nên ngay từ khi bước xuống tàu, đứng trên cầu chúng tôi đã có thể trông thấy lâu đài ngự trên đỉnh ngọn đồi cao nhất thành phố. Nơi đây được sử dụng làm chỗ ở của hoàng gia trong suốt thế kỉ 15 nhưng từ khi vua Charles VIII bị chết vì tai nạn trong lâu đài mà nó bị bỏ hoang từ cuối thế kỉ 15. Trong cả một thế kỉ bỏ hoang, lâu đài bị xuống cấp trầm trọng. Mãi sau này, khi Napoleon chọn Amboise làm 1 cứ điểm quân sự thì ông đã cho tu sửa lại những phần hư hại của lâu đài. Nhưng khu vực bị hỏng nặng có thể gây tai nạn đổ sập thì đã bị ông phá hủy hoàn toàn (phần màu đỏ) để lại hình dạng như ngày nay (phần màu đen).
Nhà khoa học, họa sĩ thiên tài Leonardo da Vinci đã từng sống và làm việc tại đây như một khách danh dự của vua François I. Dân gian cho rằng khi mất, một phần cơ thể của Leonardo Da Vinci đã được chôn và lưu giữ tại nhà nguyện của lâu đài nhưng cho đến nay không ai tìm được bất kì manh mối nào.
Ngày nay, Château de Amboise được công nhận là di sản văn hóa thế giới và mở cửa rộng rãi cho du khách. Lâu đài nằm ở vị trí trung tâm của thành phố Amboise và trên cao nên đứng trên đây, du khách có thể nhìn được toàn bộ thành phố Amboise từ trên cao.
Rất gần Amboise là Château de Chenonceau với biệt danh “Lâu đài của các quý bà”. Trong các lâu đài ở thung lũng sông Loire thì Chenonceau có cấu trúc đặc biệt nhất, nó nằm bắc ngang một nhánh sông Loire và nối liền 2 bên bờ sông như một cây cầu.
Sở dĩ Chenonceau có tên là “Lâu đài của các quý bà” là vì chủ sở hữu của lâu đài này lần lượt đểu là các hoàng hậu hay phu nhân của những nhà quý tộc giàu có của vùng. Chính những bà chủ này đã góp công xây cất và vun vén cho tòa lâu đài cũng như vườn hoa của nó. Chenonceau ban đầu được xây trên nền một cối xay gió cạnh bờ sông. Sau đó, một cây cầu được xây ngay bên cạnh, nối liền 2 bên bờ sông để thuận tiện đi lại. Cuối cùng, hoàng hậu Catherine de Medici là người hoàn tất lâu đài khi quyết định xây thêm các phòng trưng bày lên phía trên của cây cầu... ....
Đến đầu thế kỉ 19, chủ mới của Chenonceau là tiểu thư Marguerite Pelouze đã cho tu sửa lại toàn bộ lâu đài đặc biệt là hoàn thiện lại phần nội thất. Là một người yêu hoa, tiểu thư Marguerite Pelouze chi rất nhiều tiền cho việc trồng và cắm mỗi phòng của lâu đài một loại hoa khác nhau.
Château de Chenonceau mang vẻ đẹp kiều diễm như một tiểu thư người Pháp kiêu kì, quyến rũ. Mỗi mùa, cô gái ấy lại khoác lên mình một tấm áo mới, thu hút hàng vạn lượt khách du lịch tới chiêm ngưỡng vẻ kiều diễm của mình.
Château de Villandry là lâu đài cuối cùng chúng tôi đến thăm. Khác với các tòa lâu đài trước, Villandry không nổi tiếng bởi kiến trúc mà người ta biết đến nhiều hơn bởi khu vườn rộng lớn được chăn sóc vô cùng tỉ mỉ. Villandry được xây dựng trên nền của một pháo đài cổ và cũng chính là nơi vua Phillips II của Pháp và vua Richard I của Anh đàm phán về hòa bình giữa hai vương quốc vào thế kỉ thứ 14.
Là một người đam mê nghệ thuật, Khi lên nắm quyền, Napoleon đã chiếm giữ lâu đài này và trao nó cho em trai của ông sử dụng vào đầu thế kỉ 19. Năm 1906, Joachim Carvallo đã mua lại và xây dựng hoàn chỉnh phần vườn của lâu đài. Khu vườn được xây theo phong cách phục hưng bao gồm khu đài phun nước, khu vườn hoa cây cảnh và khu vườn rau quả.
Ngày nay, cũng giống như nhiều lâu đài được xếp hạng di sản văn hóa thế giới của Unesco tại Loire Valley, Villandry là tài sản tư nhân của gia đình Carvallo nhưng vẫn được mở cửa đón du khách tới tham quan.
zing.vn