Bãi biển cát trắng
Chắc hẳn bạn đã từng nghe nói về những bãi biển cát trắng tinh mềm mại (như ở Maldives, Fiji, hay nổi tiếng nhất là bãi biển Hyams ở Úc), nhưng bạn có biết nguồn gốc của những bãi cát ấy từ đâu mà có? Hóa ra, phần lớn các bãi cát trắng trên thế giới đều được hình thành từ những mẩu san hô nhỏ hay các loại rong biển, tạp chất mà các loài cá đã ăn nhưng không thể tiêu hóa được, hoặc do đá thạch anh bị bào mòn tạo nên vẻ trắng tinh quyến rũ cho biển cả.
Bãi biển cát hồng
Thực tế, trên thế giới có một số bãi biển cát hồng nhưng lại rất ít người biết đến chúng, ngoại trừ dân địa phương. Những bãi cát màu hồng được tạo nên nhờ sự phong phú của một loài sinh vật nguyên sinh amip, là một trong những nhóm loài phiêu sinh phổ biến nhất mang tên foraminifera. Chúng sống trong những chiếc vỏ đỏ hồng nhỏ xíu, khi chúng chết, những chiếc vỏ vẫn còn tồn tại. Cuối cùng, nhờ sức gió và quy luật bào mòn tự nhiên, những chiếc vỏ hồng trộn lẫn với đá và vỏ sò tạo nên màu hồng đặc biệt cho bãi biển.
Bãi biển cát đỏ
Màu cát đỏ ở bãi biển được hình thành do sự oxy hóa của lớp nham thạch núi lửa giàu sắt và lớp trầm tích của san hô. Có ba bãi biển cát đỏ lớn trên thế giới: Bãi biển Kokkini ở Hy Lạp, Bãi biển Kaihalulu ở Hawaii, và một đảo nhỏ trong quần đảo Galapagos, Ecuador.
Bãi biển vàng cam
Đây là một hiện tượng hiếm xảy ra khi hàm lượng sắt cao nhưng đá núi lửa lại không thể phủ lên cát màu nâu như thông thường, Chính vì thế, đường bờ biển của Ramla Bay thuộc quần đảo Malta là một màu cam sáng đặc trưng không nơi đâu có được.
Bãi biển cát xanh
Còn hiếm hơn các bãi biển kể trên khi chỉ có hai bãi biển trên thế giới với cát màu xanh lá cây: Bãi biển Papakolea ở Hawaii, và Bãi biển Talofofo ở Guam. Những bãi biển có màu sắc khác thường được tạo nên từ tinh thể Olivin – một trong những khoáng vật phổ biến nhất trên Trái Đất, bị bào mòn từ các mỏ đá bazan (chủ yếu là từ các núi lửa dưới nước). Các tinh thể Olivin vốn nặng hơn nhiều so với hầu hết các khoáng chất, vậy nên khi bị đánh dạt vào bờ biển, chúng vẫn ở lại tại đó sau khi thủy triều lên và rút bớt cát đi.
Bãi biển cát tím
Không phải hoàn toàn màu tím nhưng những bãi cát của các bãi biển Pfeiffer (gần Vườn Tiểu bang Pfeiffer Big Sur, California) lại xuất hiện màu tím kỳ lạ, vô cùng độc đáo. Nguyên nhân là do lớp garnet, mangan bị xói mòn từ các ngọn đồi xung quanh, lắng đọng trong đất, biến đường bờ biển ở đây trở nên sinh động hơn bao giờ hết nhờ sắc tím tự nhiên xen lẫn với cát biển.
Bãi biển cát đen
Những bãi biển cát đen rất nhiều trên thế giới có được màu sắc độc đáo nhờ các hoạt động địa chất liên quan tới núi lửa, lớp nham thạch phun trào xuống biển và nhanh chóng bị nguội dần, hình thành nên màu cát đen ấn tượng.
Bãi biển thủy tinh
Bãi biển này đáng kinh ngạc đối với cư dân vùng này bởi, Fort Bragg, California đã từng là nơi tập trung rác thải lớn từ các thị trấn gần đó. Vào những năm 60, thành phố đóng cửa bãi rác này, và một số dự án phục hồi cùng các chương trình làm sạch môi trường được thiết lập để xóa bỏ các chất thải gây ô nhiễm bờ biển. Tuy nhiên, sau khi dọn dẹp bề mặt bờ biển, người ta tìm thấy cả một bãi biển đá thủy tinh sáng bóng đầy màu sắc.
Bãi biển lân tinh
Thực tế không phải loại cát đó phát ra sáng màu xanh, nhưng một loại sinh vật phù du dạ quang tự phát ra ánh sáng lân tinh đã nằm rải rác trên khắp các bờ biển trên hòn đảo này ở Maldives. Vào buổi tối, khi được tác động bởi những con sóng chúng sẽ sáng lấp lánh như một bầu trời đầy sao cuốn hút bất kỳ một du khách nào đặt chân đến đây.
Theo Depplus.vn/MASK