1. Cung điện Potala: Công trình kiến trúc vĩ đại nhất Tây Tạng
Nằm trên đồi Marpo Ri, ở độ cao 130 m so với thung lũng Lhasa, cung điện Potala cao 170 m, là công trình kiến trúc đồ sộ nhất Tây Tạng. Năm 637, cung điện được xây dựng dưới thời hoàng đế Songtsen Gampo và vẫn được giữ nguyên vẹn cho đến thế kỷ 17. Khi đó, nó được dùng làm móng cho những công trình vĩ đại hơn mà ngày nay vẫn đứng sừng sững.
Việc xây dựng được triển khai từ năm 1645 trong suốt thời trị vì của Đức Dala Lama và đến năm 1648, cung điện chính thức hoàn thiện với cái tên Potrang Karpo, hay White Palace (cung điện Trắng). Potrang Marpo hay còn gọi là Red palace (cung điện Đỏ) được xây dựng bổ sung trong những năm 1690 – 1694, cần đến sức lao động của hơn 7.000 công nhân, khoảng 1.500 nghệ sỹ và thợ thủ công.
2. Mont Saint – Michel: Lâu đài thời trung cổ trên hòn đảo nhỏ
Lâu đài Mont Saint – Michel thời trung cổ của Pháp nằm trên một hòn đảo thuộc vịnh Normany gần Brittany. Mỗi khi triều cường dâng lên, hòn đảo này bị tách biệt hoàn toàn với đất liền. Một con đường hẹp được xây dựng từ những năm 1880 là cách duy nhất dẫn vào bờ biển từ hòn đảo. Tại đây có lời cảnh báo “Cẩn thận: Thủy triều dâng rất nhanh – Nhiều du khách đã chết đuối trong khi cố vượt vịnh cát”.
Không giống những lâu đài khác ở Pháp được xây dựng nhằm mục đích phòng thủ hoặc hưởng lạc, Mont Saint – Michel được dùng làm tu viện. Hiện nay, lâu đài thu hút khoảng 4 triệu khách du lịch mỗi năm (nhiều nhất ở Pháp), và được đưa vào rất nhiều bộ phim truyện, hoạt hình, thậm chí cả trò chơi điện tử.
3. Lâu đài Predjamski gắn liền với hang động
Predjamski, mặc dù khá nhỏ và khiêm tốn so với những công trình khác, nhưng có lẽ đây là lâu đài duy nhất trên thế giới gắn với hang động. Đây là hang động lớn thứ hai ở Slovenia. Cái tên Predjamski Grad có nghĩa là “lâu đài trước hang”.
Predjamski được xây dựng trong nhiều giai đoạn. Theo những tư liệu giấy, lâu đài tồn tại từ thế kỷ 13, mặc dù cánh trái của nó có thể được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ 12. Phần giữa được bổ sung trong thời kỳ Phục Hưng và lâu đài chính thức hoàn thiện khi người ta xây dựng cánh phải vào những năm 1570. Đã có những phần được thêm vào và nhiều thay đổi sau đó, nhưng kể từ năm 1990, công cuộc trùng tu được bắt đầu nhằm khôi phục lại diện mạo cho giống những năm 1600, khi nó mới được hoàn tất.
4. Lâu đài cổ tích Neuschwanstein
Được biết đến nhiều nhất trong số 3 cung điện hoàng gia được xây dựng dưới thời vua Louis II của Bavaria, lâu đài Neuschwanstein nằm trên dãy núi Bavarian Alps của Đức. Được khởi công xây dựng vào năm 1869, nhưng phải tạm dừng giữa chừng do cái chết của Vua Louis vào năm 1886. Lâu đài là hiện thân của chủ nghĩa lãng mạn thế kỷ 19, với những tòa tháp và đường xoắn ốc tạo nên tầm ngắm tuyệt vời.
Quá trình xây dựng lâu đài triển khai theo một bản kế hoạch rất chi tiết. Được trang bị tất cả những loại thiết bị kĩ thuật hiện đại thời bấy giờ, như: đường ống nước ở tất cả các tầng, nhà vệ sinh với hệ thống xả nước tự động, hệ thống lò sưởi cho toàn bộ tòa nhà,… Tất cả những điều đó đã khiến lâu đài Neuschwanstein trở thành điểm thu hút khách du lịch tại Đức.
5. Lâu đài Matsumoto
Matsumoto, thường được người dân địa phương gọi với cái tên Matsumotojo, là một trong những lâu đài cổ hoàn thiện nhất tại Nhật Bản. Đây cũng là ví dụ điển hình của “hirajiro” – lâu đài được xây dựng ở đồng bằng thay vì trên một quả đồi hay dãy núi. Tầng tháp thứ nhất và thứ 2 của lâu đài được xây dựng trong khoảng từ năm 1592 – 1614. Cả hai đều được phòng thủ nghiêm ngặt, bởi khi đó, hòa bình vẫn chưa được đảm bảo. Năm 1635, khi không còn mối đe dọa quân sự nào nữa thì tầng tháp thứ 3 được xây dựng để phục vụ sở thích ngắm trăng, và không cần phải phòng thủ kĩ càng như 2 tầng tháp trước đó.
6. Lâu đài Hunyad
Tọa lạc tại Hunedoara, Romania, lâu đài Hunyad là một phần của công quốc Transylvania. Đây được cho là nơi vua Vlad đệ tam của Wallachia (thường được biết đến với tên Dracula) bị giam giữ trong suốt 7 năm trời sau khi bị phế truất năm 1462. Đây là di vật của đế chế Hunyadi, được xây dựng theo phong cách Gothic, nhưng lại mang những nét kiến trúc của thời Phục Hưng và nghệ thuật Baroc. Lâu đài này là một công trình đồ sộ với mái vòm cao màu sắc, nhiều tòa tháp cùng vô số cửa sổ và ban công được trang trí bởi những tác phẩm đá chạm khắc.
7. Malbork: Lâu đài gạch theo phong cách Gothic lớn nhất thế giới
Malbork được xây dựng bởi lực lượng quân đội thời trung cổ của Đức, với tên gọi Marienburg, tạm dịch là “lâu đài của Mary”. Sau này, thị trấn mọc lên gần đó cũng được gọi là Marienburg. Nhưng kể từ năm 1945, lâu đài thuộc về Ba Lan và được gọi với cái tên Malbork. Đây là một ví dụ điển hình của các pháo đài thời Trung cổ, và là lâu đài bằng gạch theo phong cách Gothic lớn nhất thế giới. Malbork được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới tháng 12/1997.
8. Palacio da Pena: Cung điện cổ nhất theo khuynh hướng lãng mạn châu Âu
Được lấy cảm hứng từ chủ nghĩa lãng mạn châu Âu, cung điện quốc gia Pena ở Bồ Đào Nha nằm ở đỉnh đồi phía trên thị trấn Sintra. Vào những ngày đẹp trời, bạn có thể dễ dàng chiêm ngưỡng cung điện này từ thủ đô Lisbon. Được khởi công lần đầu tiên vào thế kỷ 15, sau đó cung điện được xây dựng lại và tặng cho nhà thờ để làm tu viện. Trận động đất năm 1755 gần như đã phá hủy tất cả, cho đến tận năm 1838, cung điện này được hoàng tử Fernando xây lại. Palacio da Pena là sự kết hợp giữa phong cách cổ điển và hiện đại, cùng với các nét độc đáo từ kiến trúc Bavaria, Ma rốc, với phong cách của một khu vườn kiểu Anh.
9. Lâu đài Löwenburg: Disneyland của thế kỷ 18
Lâu đài Löwenburg nằm trong công viên đồi Wilhelmshöhe ở phía cuối thành phố Kassel, Đức. Löwenburg hay còn gọi là “lâu đài sư tử”, được xây dựng theo đơn đặt hàng của vua Landgrave Wilhelm IX (1743-1821) trong suốt 8 năm, từ 1793- 1801 và được thiết kế kĩ càng bởi thanh tra xây dựng hoàng gia Heinrich Christoph Jussow. Các học giả thời nay xem phế tích của lâu đài Löwenburg là một trong những di vật có ý nghĩa quan trọng của kiến trúc tân Gothic ở Đức.
10. Prague: Lâu đài thời cổ đại lớn nhất thế giới
Được sách kỷ lục Guinness ghi nhận là lâu đài cổ đại lớn nhất, Prague có chiều dài khoảng 570m và chiều rộng trung bình là 130m. Lâu đài này cất giữ vương miện của nữ hoàng Séc, và là nơi các vị vua của Séc, hoàng đế La Mã, tổng thống Tiệp Khắc cũ, tổng thống cộng hòa Séc, tiếp quản ngôi vị.
zing.vn