UBND tỉnh Lào Cai vừa phê duyệt Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giải trí trong khu vực rừng phòng hộ thị xã Sa Pa giai đoạn 2022 – 2030, đánh dấu bước tiến quan trọng trong việc khai thác tiềm năng du lịch một cách bền vững.
Đề án được triển khai trên diện tích gần 16.000 ha, với mục tiêu khai thác hiệu quả tài nguyên rừng gắn liền với bảo tồn và phát triển bền vững ngành du lịch. Theo đó, khu vực rừng phòng hộ sẽ được quy hoạch thành 9 điểm du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng đa dạng, đáp ứng nhu cầu của nhiều phân khúc khách hàng khác nhau.
Sa Pa, vùng đất được mệnh danh là "Thụy Sĩ của Việt Nam"
Mục tiêu cụ thể của đề án là thu hút ít nhất 5 nhà đầu tư tham gia thuê môi trường rừng để phát triển du lịch, đồng thời đưa vào vận hành ít nhất 3 trong số 9 điểm du lịch đã được quy hoạch. Dự kiến, khu vực sẽ đón trung bình từ 50.000 đến 100.000 lượt khách mỗi năm, trong đó ít nhất 8% là khách quốc tế. Doanh thu ước tính đạt khoảng 780 tỷ đồng, góp phần tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 800 lao động địa phương.
Trong số 9 điểm được quy hoạch, nổi bật là Thác Bạc (phường Ô Quý Hồ) với diện tích 355ha, sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ với thác nước trắng xóa, hồ nước rộng hơn 4ha và độ che phủ rừng tự nhiên gần 75%. Một điểm đến khác không thể bỏ qua là Ngũ Chỉ Sơn (xã Ngũ Chỉ Sơn), được mệnh danh là "đệ nhất hùng sơn Tây Bắc", với cung đường leo núi dài 9km, chinh phục những du khách ưa thích mạo hiểm.
Ngoài ra, còn có các điểm đến tiềm năng khác như Suối Đế (phường Phan Si Phăng) nằm ven quốc lộ 4D với tầm nhìn bao quát trung tâm Sa Pa, Đồi Thông (phường Hàm Rồng) với địa hình thung lũng và suối nhỏ, núi Hàm Rồng (phường Sa Pa) và Mường Hoa (xã Mường Hoa) với vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.
Đề án tập trung phát triển các loại hình du lịch chủ đạo như du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch thể thao mạo hiểm, du lịch gắn với cộng đồng và bản sắc văn hóa địa phương. Lào Cai xác định các thị trường mục tiêu gồm khách quốc tế truyền thống từ Tây Âu, Úc và mở rộng sang Đông Bắc Á, ASEAN, Bắc Mỹ, cũng như các tỉnh thành lớn trong nước như Hà Nội, TP. HCM, Đà Nẵng.
Tổng vốn đầu tư dự kiến cho toàn bộ đề án là 1.990 tỷ đồng, huy động từ nguồn xã hội hóa kết hợp ngân sách Nhà nước. Với tiềm năng sẵn có và chiến lược phát triển bài bản, Sa Pa hứa hẹn sẽ trở thành điểm đến du lịch sinh thái hàng đầu, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương và bảo tồn giá trị thiên nhiên, văn hóa độc đáo của vùng đất này.
Lam Vy (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)