Srí và câu chuyện về ước hiệu của tình yêu
Trong tục lệ của đồng bào dân tộc Tây Nguyên, tín vật mang tính linh thiêng nhất của vợ chồng là cặp nhẫn cưới. Người Churu gọi “srí”(nhẫn mái) có nghĩa là chiếc nhẫn dành cho nữ giới và sră là chiếc nhẫn dành cho nam giới (nhẫn trống). Đối với gái trai Churu sinh sống trong các plêi dọc triền thung lũng phì nhiêu bên dòng Đa Nhim, chiếc nhẫn bạc họ được sở hữu không chỉ là đồ trang sức, là của hồi môn quý giá mà còn là một tín vật thiêng liêng trong hôn ước của ngày đôi lứa nên duyên cầm sắt.
Đồ nghề làm nhẫn
Đến thời điểm này ở Lâm Đồng chỉ còn duy nhất một nghệ nhân làm được “nhẫn bắt chồng”, đó là Ya Tuất ở Đơn Dương. Hơn 20 năm nay, anh vẫn miệt mài làm ra hàng triệu chiếc nhẫn. Làm nhẫn tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải là người thực sự có năng khiếu. Sinh thời cha anh đã miệt mài làm nhưng không thành công, chỉ có Ya Tuất may mắn học làm được từ sự chỉ dạy của cậu là Ya Grang. Anh cho hay: “Người Kinh thường rộn ràng với lễ tình yêu, còn đồng bào mình, đặc biệt là những cô gái khi đã đến tuổi trưởng thành luôn khao khát đến mùa bắt chồng để được đeo Srí vào tay người mình hết lòng yêu và nhớ… Nhiều cô gái mang chiếc nhẫn về ôm chặt vào ngực thổn thức cả ngày trời trước khi đi đeo cho người mình yêu." Có lẽ vì vậy anh dốc lòng với nghề dù là truyền nhân cuối cùng.
Nghệ nhân Ya Tuất đang đúc nhẫn
Để cho ra đời một cặp nhẫn hoàn hảo phải trải qua nhiều công đoạn tỉ mỉ: Lấy sáp ong nấu chảy, trộn phân trâu rồi dùng que gỗ tròn bằng ngón tay nhúng vào, chờ khô rút que gỗ ra, sáp ong và phân trâu khô quánh thành những ống và được cắt thành khuyên nhỏ làm khuôn đúc. Bạc sau khi đun nóng sẽ đổ vào khuôn, trước sức nóng của bạc mới nấu, sáp ong và phân trâu bết chặt tạo thành một lớp men bên ngoài nhẫn. Trong quá trình đánh bóng và chạm trổ nghệ nhân dùng nước bồ kết hoặc nước lá cây Kơ -nia đun sôi để rửa và gửi gắm ước vọng về một mùa xuân vĩnh hằng.
Kèm với sự cầu kì của việc làm nhẫn là những nguyên tắc "kì lạ" mà Ya Tuất tự tuân thủ, được xem như bí quyết riêng. Ví dụ như dung dịch phân trâu sử dụng để tạo khuôn nhẫn phải là của trâu đực ba tuổi trộn với đất (đất đó lấy từ một nơi bí mật trong rừng chỉ anh biết) để cho ra một hỗn hợp không bị cháy ở nhiệt độ nóng chảy của bạc. Củi đốt là một loại cây rừng có tên kasiu, nếu đốt bằng các loại khác thì nhẫn bị nứt, gãy. Đêm trước khi bắt tay vào đúc nhẫn, người thợ phải tắm rửa sạch sẽ bằng nước một loại lá thơm hái trong rừng, đồng thời phải cách ly, không được gần gũi vợ. Tuy người đàn bà đóng vai trò mang nhẫn đi hỏi cưới và đeo nhẫn cho người đàn ông nhưng lại không được tham gia làm nhẫn vì người ta cho rằng sức mạnh gắn kết từ người đàn ông uy lực, tiềm ẩn và phóng túng hơn. Bốn giờ sáng bắt đầu nấu bạc, đúc nhẫn và tới tám giờ thì phải hoàn thành công đoạn cuối cùng, đây là "khung giờ thiêng" để lứa đôi tương hợp.
Xem ra, với tín vật mà mình tôn thờ, người Churu có cách thể hiện sự nghiêm cẩn hiếm có và thật đáng ca ngợi.
Xốn xang đêm hội bắt chồng
Đám cưới được coi là một trong những nghi lễ đời người quan trọng nhất của người Churu. Theo chế độ mẫu hệ, con cái trong dân tộc này mang họ mẹ và hôn nhân là do phái nữ chủ động trước. Khi đến tuổi trưởng thành, các cô gái thường chọn cho mình một “ý trung nhân”, tự đi đặt nhẫn bắt chồng.
Nghi lễ trong đám cưới
Hôn nhân được bắt đầu bằng việc cô gái và gia đình mình chọn một đêm tốt lành sang nhà trai “chạm ngõ”. Thường thì cô không xuất hiện ngay mà tạm lánh vào nhà người quen gần nhà chàng trai nhất. Sau khi nhà gái trình bày nguyện vọng muốn kết duyên của cô gái đối với chàng trai, nếu anh ta đồng ý thì cô có mặt để tiến hành nghi lễ đeo nhẫn. Trường hợp anh ta không thích có thể tháo trả lại nhưng 7 ngày sau, cô gái chọn một đêm đẹp trời khác đến đeo nhẫn cho chàng trai. Cứ thế lặp đi, lặp lại cho tới khi nào người con trai thương và chấp nhận thì đám cưới diễn ra.
Đôi vợ chồng son
Trước khi cưới một ngày, buôn làng tổ chức đêm hội gọi là “Đêm bắt chồng”. Trong đêm hội này, họ thề hẹn bằng cách đọc một số câu luật tục riêng của đồng bào mình, như: “Tìm vợ, tìm chồng phải hỏi mẹ cha; ăn ruộng, ăn rẫy phải hỏi tai con trâu, con bò; làm bẫy phải hỏi thần núi; về với vợ như về với nước,...”. Hôm cưới, đôi vợ chồng trẻ rút nhẫn đeo lại cho nhau. Kết thúc hôn lễ, họ về ra mắt nhà trai, có thể lưu lại ở đó vài bữa, rồi người con trai khăn gói sang ở hẳn bên gia đình vợ. Hết 7 ngày, cô gái tháo nhẫn đưa mẹ chồng cất giữ và ngược lại nhẫn chàng trai do mẹ vợ cất giữ.
Dân làng múa chiêng chúc mừng đôi vợ chồng trẻ
Lễ cưới của đôi trai gái Churu là dịp vui của cả cộng đồng. Hôn nhân thủy chung một vợ, một chồng được người Churu đặc biệt coi trọng. Ly hôn xem như tội trọng khi srí, sra đã lồng ngón tay nhau...Nếu cuộc sống vợ chồng sau đó xảy ra mâu thuẫn, không hòa hợp, ai đề nghị ly hôn trước thì người đó phải nộp một con trâu cho người kia (thường là trâu đực). Đồng thời sau lễ bắt chồng, ai đi ngoại tình sẽ phải đền ba con trâu đực to và số trâu sẽ tăng lên nếu ngoại tình nhiều lần. Đây cũng được xem như luật tục riêng làm tăng tính gắn kết và chung thủy trong cuộc sống.
Theo Depplus.vn/MASK