Hà Nam có diện tích chỉ hơn 860km2, chỉ rộng hơn Bắc Ninh, là cửa ngõ phía Nam của thủ đô Hà Nội, cách đó hơn 50km. Tỉnh có vị trí địa lý chiến lược, giáp Hà Nội ở phía Bắc, Hưng Yên và Thái Bình ở phía Đông, Nam Định và Ninh Bình ở phía Nam, và Hòa Bình ở phía Tây. Dân số Hà Nam là 892.755 người tính đến ngày 1/4/2024.
Trong quá trình phát triển, Hà Nam từng là một phần quan trọng của Đại La thành, thuộc Hà Nội, và trải qua nhiều triều đại phong kiến, luôn là một điểm tựa vững chắc. Vị trí địa lý của Hà Nam đặc biệt quan trọng khi nằm ở trung tâm của một vòng tròn các kinh đô và đô thị cổ kính như Thăng Long, Hoa Lư, phủ Thiên Trường của nhà Trần, và Phố Hiến ở Hưng Yên.
Tỉnh Hà Nam chỉ cách Hà Nội khoảng 50km.
Hà Nam nổi tiếng với nền văn minh lúa nước lâu đời và nền văn hóa dân gian đa dạng. Tỉnh này là nơi sinh sống của nhiều thế hệ nghệ sĩ chèo, hát chầu văn, hầu bóng, và ca trù, thể hiện sự phong phú trong di sản văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, Hà Nam cũng là điểm tụ hội của nhiều lễ hội truyền thống và di tích lịch sử, làm phong phú thêm bản sắc văn hóa và lịch sử của vùng đất này.
Về văn hóa, Hà Nam là quê hương của Trống đồng Ngọc Lũ và Bia "Sùng Thiện Diên Linh", tượng trưng cho truyền thống lâu đời và giàu có. Hiện tại, Hà Nam có tới 1.784 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có chùa Long Đọi Sơn và đền Trần Thương. Vùng đất này còn nổi tiếng với các điệu múa hát truyền thống như Múa hát Dậm Quyển Sơn và Hát Trống quân, cùng với những lễ hội đặc sắc như Lễ hội chùa Bà Đanh, Lễ phát lương Đức Thánh Trần, mang đậm bản sắc văn hóa của vùng núi Đọi - sông Châu.
Trong quá trình chấn hưng và xây dựng đất nước, Hà Nam tự hào về những đóng góp của 58 vị đại khoa cùng với những nhân vật lịch sử nổi tiếng như Lý Trần Thản, Trương Công Giai. Không chỉ có vậy, Hà Nam cũng là nơi sản sinh ra những nhà văn sĩ tài ba như Nguyễn Khuyến, Nam Cao. Trong thời kỳ cách mạng, Hà Nam còn là nơi chứng kiến sự hy sinh của nhiều chiến sĩ tiền bối như Lương Khánh Thiện và Nguyễn Hữu Tiến, cùng với các sự kiện lịch sử mang tính anh hùng cao cả.
Ở Hà Nam còn có chùa Tam Chúc được xem là ngôi chùa lớn nhất thế giới tính đến hiện tại. Đây là điểm du lịch có quy mô lớn, kết hợp giữa du lịch tâm linh, sinh thái và nghỉ dưỡng.
Chùa Tam Chúc, tọa lạc tại thị trấn Ba Sao và xã Khả Phong, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, được biết đến là ngôi chùa lớn nhất Việt Nam.
Với khoảng cách khoảng 60 km từ trung tâm Hà Nội, chùa không chỉ là điểm đến tâm linh mà còn là một trong những địa điểm du lịch thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước, kết nối với khu du lịch chùa Hương, Bái Đính và khu bảo tồn thiên nhiên Vân Long.
Chùa nổi bật với Vườn cột kinh, nơi có 32 cột kinh cao 13,5m, mỗi cột nặng khoảng 200 tấn, được thiết kế giống như cột kinh của chùa Nhất Trụ ở cố đô Hoa Lư, Ninh Bình. Điện Tam Thế, với chiều cao 39m và diện tích sàn 5.439m2, có thể chứa đến 5.000 phật tử cùng lễ bái. Trong điện có ba bức tượng Phật bằng đồng, mỗi bức nặng hơn 200 tấn, tượng trưng cho "Quá khứ, hiện tại và tương lai", với phía sau mỗi tượng là lá bồ đề dát vàng.
Trên đỉnh núi Thất Tinh, Chùa Ngọc được xây dựng hoàn toàn từ đá granite đỏ, bên trong thờ tượng Đức Phật bằng hồng ngọc nặng 4.000kg. Để đến chùa, du khách sẽ leo 299 bậc thang đá, từ đó có thể ngắm nhìn toàn cảnh chùa Tam Chúc.
Ngoài ra, du khách cũng có thể thăm Điện Quán Thế Âm Bồ Tát, nơi đặt pho tượng Phật bằng đồng nguyên khối nặng 100 tấn, và Điện Pháp Chủ với tượng đồng nguyên khối nặng 150 tấn. Những điểm tham quan khác bao gồm đình Tam Chúc và khu vực hồ Lục Nhạc, mang lại cho du khách cái nhìn toàn diện về sự hài hòa giữa kiến trúc và thiên nhiên tại ngôi chùa này.
T.San (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)