UBND TP. Đà Nẵng đã chính thức phê duyệt định hướng phát triển không gian kinh tế - xã hội cho quận Sơn Trà đến năm 2030, với tầm nhìn xa hơn đến năm 2050. Trong đó, ngành dịch vụ, đặc biệt là du lịch chất lượng cao, được xác định là động lực tăng trưởng chủ lực, đóng vai trò mũi nhọn trong sự phát triển kinh tế của khu vực.
Điểm nhấn quan trọng trong định hướng này là việc xây dựng khu vực phía Đông quận Sơn Trà, nơi có bán đảo Sơn Trà, trở thành khu du lịch quốc gia. Mục tiêu là khai thác tối đa giá trị văn hóa, lịch sử và cảnh quan thiên nhiên đặc trưng của vùng biển, núi và rừng, biến nơi đây thành một điểm đến du lịch hấp dẫn, đa dạng và giàu trải nghiệm.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, Đà Nẵng tập trung phát triển bốn mô hình du lịch đặc trưng, đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách:
Đà Nẵng đang ấp ủ kế hoạch biến bán đảo Sơn Trà trở thành một khu du lịch quốc gia tầm cỡ
- Du lịch tâm linh: Chùa Linh Ứng Sơn Trà, một trong những địa điểm linh thiêng và nổi tiếng nhất của thành phố, sẽ tiếp tục được đầu tư và phát triển để thu hút du khách thập phương đến chiêm bái và tìm kiếm sự bình an.
- Du lịch nghỉ dưỡng, biển và mạo hiểm: Tận dụng lợi thế của bãi biển Mỹ Khê xinh đẹp và bán đảo Sơn Trà hoang sơ, Đà Nẵng sẽ phát triển các khu nghỉ dưỡng cao cấp, các hoạt động thể thao biển mạo hiểm, đồng thời đầu tư xây dựng một trung tâm hội nghị quốc tế, thu hút các sự kiện tầm cỡ.
- Du lịch đường thủy: Phát triển các tuyến du lịch biển kết nối quốc tế và nội địa thông qua hệ thống bến thủy nội địa, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách khám phá vẻ đẹp của Đà Nẵng từ góc nhìn trên biển.
- Du lịch cộng đồng: Tập trung phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực Thọ Quang – Mân Thái, với các sản phẩm du lịch đặc trưng như làng tranh bích họa Mân Thái, tour trải nghiệm ngắm san hô, câu cá ngoài khơi, câu mực đêm, mang đến cho du khách những trải nghiệm gần gũi với văn hóa địa phương.
Vườn quốc gia Sơn Trà cũng sẽ được phát triển theo hướng hài hòa giữa phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng – an ninh và bảo tồn hệ sinh thái đa dạng. Các dự án hiện hữu tại bán đảo sẽ được hoàn thiện và đưa vào khai thác hiệu quả, góp phần thúc đẩy du lịch bền vững.
Khu du lịch quốc gia Sơn Trà được kỳ vọng sẽ trở thành trung tâm nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp, siêu sang, đồng thời là điểm đến tâm linh trọng điểm trên tuyến du lịch đường bộ và đường biển quốc gia. Vùng ven biển từ Sơn Trà đến Non Nước sẽ được quy hoạch phát triển đồng bộ hệ thống khách sạn, khu nghỉ dưỡng, lưu trú, chuỗi nhà hàng, dịch vụ ẩm thực và các khu vui chơi giải trí.
Một điểm nhấn quan trọng khác là việc chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch, với các hạng mục đầu tư như bến du thuyền, bến thủy nội địa, hạ tầng đường bộ, nhằm phục vụ tốt hơn cho hoạt động du lịch.
Đà Nẵng cũng dự kiến hình thành công viên chuyên đề tại khu vực phía Nam bán đảo Sơn Trà như một điểm đến du lịch mới; đồng thời phát triển công viên phía Tây nhà thờ tiền hiền làng An Hải và Thoại Ngọc Hầu, cùng các tuyến phố chuyên biệt phục vụ hoạt động du lịch.
Trong đó, chùa Linh Ứng Sơn Trà là một trong những điểm đến tâm linh nổi bật và linh thiêng bậc nhất của TP. Đà Nẵng. Ngôi chùa không chỉ gây ấn tượng bởi kiến trúc Phật giáo uy nghiêm mà còn mê hoặc du khách với cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng bầu không khí thanh tịnh, an lành. Điểm nhấn đặc biệt của chùa Linh Ứng là tượng Phật Bà Quan Âm cao 67m, hiện là tượng Phật Bà cao nhất Việt Nam, hướng ra biển Đông như một biểu tượng của lòng từ bi, che chở cho ngư dân giữa trùng khơi.
Với những định hướng và kế hoạch cụ thể, Đà Nẵng đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ đưa Sơn Trà trở thành một khu du lịch quốc gia tầm cỡ, góp phần khẳng định vị thế của thành phố biển trên bản đồ du lịch Việt Nam và quốc tế.
Elly (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)