Nếu dừng chân tại thành phố bình yên này, bạn hãy ghé qua những nơi dưới đây.
Chợ Châu Đốc
Chợ được mệnh danh là vương quốc mắm, vì đây cũng là một đặc sản của Châu Đốc. Có rất nhiều sạp bán mắm và khô đủ loại. Ngoài ra còn có các loại đặc sản như: đường Thốt Nốt, kẹo me, thạch thốt lốt, khô bò, các loại kẹo về làm quà,… Các loại trái cây ngon, chủ yếu là trái cây nhập theo đường tiểu ngạch về bày bán ở chợ (hàng Thái Lan nhập về bằng đường Campuchia), nên trái cây tương đối rẻ và ngon.
Về Châu Đốc bạn phải ăn được món bún cá Châu Đốc. Bún cá tuy có mặt ở nhiều địa phương nhưng ăn bún cá Châu Đốc mới thật chính hiệu. Cũng từ cá lóc, người bán sẽ chế biến nước súp mà dân địa phương hay gọi là “nước lèo” chan vào bún, thêm cá lóc đã ướp sả, nghệ… ăn kèm giá, rau muống, bắp chuối thái sợi là tuyệt nhất. Muốn ăn bún cá ngon và rẻ thì nên ghé những quán cóc ngoài đường, chỉ chuyên bán bún cá, ngon tuyệt và lại rất rẻ.
Làng nuôi cá Bè Châu Đốc
Kéo dài trên đoạn sông từ thành phố Châu Đốc qua cầu Cồn Tiên là làng bè nổi, nét văn hóa đặc sắc mang đậm phong cách của vùng sông nước. Ở đây, mỗi chiếc bè như một căn hộ kết nối nhau trải dài dọc hai bờ sông. Mỗi chủ bè có ít nhất 3-4 chiếc bè, thường có thêm một chiếc bè sinh sống cặp bên. Đặc biệt, gần đây, một số người dân có xu hướng đóng bè xuống sông định cư. Cuộc sống của gia đình được gói gọn trên chiếc bè ngang 4m, dài 7-8m. Xuồng, ghe là phương tiện chủ yếu của mỗi gia đình ở những làng nổi này.
Đến tham quan làng nổi, bạn sẽ được đi trên những chiếc tắc ráng, vỏ lãi, hay xuồng gắn máy đuôi tôm để khám phá làng nổi.
Tây An Cổ Tự
Chùa do một vị quan triều Nguyễn là Tổng Đốc Nguyễn Nhật An xây năm 1820. Lúc đầu làm bằng vật liệu nhẹ. Ngày nay chùa có kiến trúc Ấn Độ với các vật liệu chắc chắc như xi măng gạch ngói. Nóc chùa có dạng mái vòm củ hành. Trước chùa có tượng hai con voi có nhiều ngà, một sơn trắng, một sơn đen. Chánh điện cao 18 mét thờ Phật Thích Ca. Trong chùa có vô số tượng Phật và La Hán nhỏ.
Núi Sam
Núi Sam thấp, cao 284 mét, vì thế có thể chạy xe lên trên đỉnh. Trên đỉnh núi không có gì đặc sắc nhưng từ trên đỉnh núi có thể nhìn thấy toàn cảnh thành phố và kênh Vĩnh Tế. Ngoài ra, con đường dốc đi lên đỉnh núi cũng rất đẹp. Theo truyền thuyết núi Sam có nhiều linh hiển nên có nhiều chùa thờ Phật, hằng năm có rất nhiều người dân từ khắp nơi đến đây hành hương và cúng lễ.
Tại đây còn có đến 200 ngôi đền, chùa và am nằm rải rác ở chân, sườn và trên đỉnh núi. Đặc biệt trên đỉnh núi còn có 1 pháp đài được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Miếu bà Chúa Xứ
Một trong những ngôi chùa nổi tiếng của thị xã Châu Đốc: chùa Bà chúa Xứ, một bà chúa rất được tôn kính, được người dân tin tưởng là người trời sai xuống để cứu dân độ thế, canh giữ bờ cõi. Bà Chúa Xứ còn là 1 trong 6 thần nữ bất tử theo tín ngưỡng dân gian: Bà chúa Bầu, Bà chúa Liễu, Bà chúa Tó, Bà chúa Kho, Bà chúa Ngọc, Bà chúa Xứ.
Mỗi năm lễ hội bà vía Bà chúa Xứ núi Sam thu hơn hơn 2 triệu khách du lịch hành hương, lễ hội kéo dài 7 ngày, diễn ra hoành tráng với 7 sân khấu.
Lăng Thoại Ngọc Hầu
Lăng Thoại Ngọc Hầu, hay còn gọi là Sơn Lăng, là một công trình kiến trúc cổ tiêu biểu thời phong kiến, và là một di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia Việt Nam.
Thoại Ngọc Hầu là người có công khai phá và trấn giữ tỉnh An Giang. Ông đã tập hợp người dân lưu hai tỉnh Quảng Nam – Quảng Ngãi về ở vùng Châu Đốc, Long Xuyên. Ngoài ra tên tuổi của ông còn gắn liền với công khai phá và làm nên kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế dài hơn 90km. Để đào hai con kênh này, vào thời điểm ấy Thoại Ngọc Hầu và người dân hoàn toàn dùng công cụ lao động thô sơ và chủ yếu là đào bằng tay.
Sau khi công trình hoàn chỉnh, ông được vua khen ngơi và ban sắc chỉ lấy tên Thoại Hà (họ của Thoại Ngọc Hầu) và lấy tên vợ ông là Vĩnh Tế để đặt tên cho kênh Vĩnh Tế.
Chùa Huỳnh Đạo
Chùa có khuôn viên rất đẹp, là một nơi bạn nên ghé tham quan vì vẽ đẹp của nó. Chùa nằm cặp quốc lộ 91, phía phải hướng từ núi Sam về thành phố Châu Đốc.
Depplus.vn