UBND TP. Đà Nẵng đã có quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây - khu vực thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, tỷ lệ 1/2.000.
Phân khu sinh thái phía Tây - khu vực phường Hòa Hiệp Bắc có phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Tây giáp khu vực rừng núi đèo Hải Vân; phía Nam giáp phân khu cảng Liên Chiểu, phía Đông giáp vịnh Đà Nẵng.
Diện tích phân khu khoảng 3.822ha với quy mô dân số khoảng 19.000 người, trong đó, dân số chính thức khoảng 18.000 người, dân số vãng lai khoảng 1.000 người.
Phân khu sinh thái phía Tây - khu vực thuộc phường Hòa Hiệp Bắc là phân khu sinh thái, phát triển hạn chế dựa trên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên nhằm đảm bảo phát triển bền vững; phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch cộng đồng, khám phá mạo hiểm, sinh thái kết hợp ở có mật độ lưu trú thấp gắn với bảo tồn thiên nhiên.
Theo quy hoạch, định hướng phát triển của đô thị trong tương lai là ưu tiên phát triển khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân thành một khu đô thị phát triển trên môi trường cảnh quan tự nhiên. Phát triển du lịch sinh thái kết hợp ở có mật độ lưu trú thấp gắn với bảo tồn thiên nhiên, phát triển du lịch khám phá, mạo hiểm gắn với điều kiện tự nhiên. Phát triển khu vực thương mại dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ gắn với khu vực cảng Liên Chiểu.
Về định hướng phát triển không gian, tổ chức không gian hài hòa gắn kết với cảnh quan tự nhiên núi - rừng - biển của khu vực đèo Hải Vân, hướng ra không gian biển Đông. Xác định điểm nhấn chính là khu phức hợp du lịch và đô thị nghỉ dưỡng Làng Vân và cung đường đèo Hải Vân.
Phân khu sinh thái phía Tây - khu vực phường Hòa Hiệp Bắc cũng được quy hoạch thành nhiều khu. Trong đó, khu du lịch, dịch vụ gồm khu công trình dịch vụ thương mại du lịch với các nhà hàng, bar, các cửa hàng tiện ích, khu nghỉ dưỡng độc lập ...; khu công viên chuyên đề; khu vui chơi giải trí trên biển; khu thể thao rừng.
Khu ở, được bố trí phân tán toàn khu đa dạng các loại hình nhà ở. Trong đó khu nhà ở thấp tầng được tổ chức thành các nhóm nhà biệt thự, nhà ở liền kề.
Khu nhà ở xã hội bám theo trục đường hầm đèo Hải Vân và kết hợp với đô thị cảng tạo nên đô thị sầm uất cho khu vực.
Theo sử sách, năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chăm Pa. Khi tới Đèo Hải Vân, ấn tượng trước cảnh quan hùng vỹ, nhà vua đã cảm tác làm thơ và gọi nơi này là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan.”
Hoàng Lê (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)