Hội Đồng Kỵ từ lâu nổi tiếng xa gần với có lễ rước pháo, thi pháo, và còn độc đáo vì tục “tung ông đám” để chọn người chủ lễ rước pháo sang năm… Khác với làng pháo cổ truyền Bình Đà vang bóng ngày xưa thường thi các cây pháo bông, ở Đồng Kỵ lại thi pháo nổ.
Những năm xưa, để pháo của giáp mình thắng cuộc, các giáp ngầm đua nhau làm những quả pháo lớn. Kích thước quả pháo của thôn được giữ bí mật tuyệt đối. Dân gian vẫn kể câu chuyện một giáp dò biết được địa chỉ chế tạo quả pháo thi của giáp khác liền cử “tình báo” bí mật đến đo chiều rộng cổng ngõ mà quả pháo sẽ được khiêng ra. Sau khi lấy được số đo, cả giáp hỉ hả cho rằng chỉ cần làm pháo của thôn mình lớn hơn cổng ngõ đó một chút là đủ để thắng giải. Chẳng ai ngờ đến ngày hội, cái cổng ngõ được đập toang để khiêng pháo ra đình. Quả pháo phải “đập cửa mà ra” đó đã khiến tất cả ngỡ ngàng và giành giải.
Sau khi làm lễ ở đình trước thần linh chứng giám, các quả pháo lớn được khiêng ra bãi đất trống để đốt và chấm giải. Ngoài tiêu chuẩn về kích thước: chiều dài, đường kính, tiêu chuẩn về trang trí: màu sắc, hoa văn, kiệu rước… thì tiêu chí quan trọng nhất là tiếng nổ phải lớn, xác pháo màu hồng điều rực rỡ phải nhỏ vụn, tan đều. Đó là chuyện đã xưa. Nay không còn đốt pháo nổ, không còn thi pháo lớn nhưng tục rước pháo trong lễ hội Đồng Kỵ vẫn được trân trọng giữ gìn trong tâm thức và long trọng tiến hành mỗi dịp hội làng hàng năm.
Những năm trước, pháo rước được bồi và trang trí bằng giấy, sau khi rước thì đem hóa. Từ năm 2011, hai “Hội đồng canh” (những người sinh cùng một năm) ở Đồng Kỵ đã cùng bàn và góp của, góp công cung tiến đôi pháo thờ (lâu dài mà không phải “hóa”). Mỗi “ngài” pháo lớn cỡ người ôm được chế tác từ gỗ tốt, sơn son thiếp vàng, trang trí tứ linh (long, lân, quy, phượng) được mấy chục tráng đinh long trọng đưa vào đình cùng cả đoàn người hân hoan tung hô…
Sau khi rước pháo vào làm lễ ở đình, kính cáo với thành hoàng, tổ tiên, cao trào của hội Đồng Kỵ là cuộc “tung ông đám”. Đồng Kỵ có bốn giáp, mỗi giáp chọn một “ông đám” để “tung”. “Ông đám” được chọn phải quá tuổi 50, có sức khỏe tốt, gia đình phải song toàn, con cái đầy đủ nếp, tẻ, trong năm làm ăn phát đạt và không có tang. “Ông đám” còn phải là người có uy tín và được mọi người cùng bầu chọn.
Khoảng sân đình là nơi huyên náo của các “ông đám” đua tài. “Ông đám” trụ vững trên những cánh tay các thanh niên trai tráng, được rước cao chạy nhiều vòng quanh sân đình. Đám người cổ vũ cùng chạy theo, vừa hô hét, vừa nhảy lên tung hô cho tăng thêm khí thế. Vừa được rước chạy, ông đám vừa diễn tả sự hùng dũng, khỏe mạnh, vui vẻ bằng nét mặt, bằng những động tác múa ước lệ. Có khi cao hứng, các “ông đám” còn “tỷ thí” với nhau bằng những động tác giao đấu tượng trưng trong sự xô đẩy của hai đám thanh niên đang rước các ông. Cuộc “tung ông đám” chỉ kết thúc khi tìm ra được “ông đám” cuối cùng còn sung sức trụ vững trên tay các chàng thanh niên sau khi ba ông còn lại chịu thua bỏ cuộc. “Ông đám” chiến thắng mang về niềm tự hào suốt năm cho cả giáp và mọi người cùng vui vẻ ăn mừng sự kiện đó.
Nhìn cuộc “tung ông đám” Đồng Kỵ qua nhiều lớp phủ của thời gian văn hóa vẫn có thể nhận ra ảnh xạ của phong tục “thi đấu chọn thủ lĩnh” giữa một vùng quê nông nghiệp. Những tiêu chuẩn “sơ tuyển” để chọn “ông đám” đi “tung” đã mang ước vọng của cộng đồng về một mẫu “điển hình tiên tiến”, “cá nhân xuất sắc” – theo cách gọi ngày nay. Trong cuộc “đấu loại trực tiếp” công khai và công bằng, “ông đám” đứng cao hơn mọi người nhưng là đứng trên những cánh tay săn chắc của đám thanh niên. Những cánh tay săn chắc đó cùng kết lại để ông đám trụ vững và chiến thắng. Ngoài những tố chất, điều kiện của bản thân, “ông đám” cuả giáp chỉ có thể chiến thắng và trở thành “ông đám” của làng với sự đồng tâm nhất trí giúp sức của cả cộng đồng. “Ông đám” – thủ lĩnh (dù chỉ mang ý nghĩa tượng trưng) được tuyển chọn trong một mẫu hình dân chủ sơ khai giữa làng quê Việt. Và hội Đồng Kỵ còn bảo lưu được những nét văn hóa đó…
Theo Depplus.vn/MASK