Từ vùng đất cằn cỗi đến "ốc đảo thanh bình"
Được khởi công xây dựng từ năm 2003 trên một vùng đất ban đầu chỉ toàn cỏ cây hoang dại, Làng Thái Hải đã trải qua gần hai thập kỷ để trở thành một không gian sinh thái tràn đầy sức sống. Nơi đây hiện bảo tồn 30 căn nhà sàn cổ có tuổi đời hàng trăm năm, cùng với hơn 200 cư dân chủ yếu là người dân tộc Tày và Nùng. Ngôi làng là sự hòa quyện tuyệt vời của những ao cá trong veo, nương chè tươi tốt, ruộng lúa, vườn rau xanh mướt và những đàn gia súc thảnh thơi, tạo nên một "ốc đảo" lý tưởng thoát ly khỏi khói bụi và bộn bề phố thị.
Làng Thái Hải (xã Thịnh Đức, TP Thái Nguyên) giành giải thưởng "Làng du lịch tốt nhất" do Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) trao tặng
Môi trường nơi đây được điều hòa tự nhiên bởi hệ thống cây xanh và hồ nước. Mùa hè, làng đón những luồng gió mát lành, xua đi cái nóng oi ả. Mùa đông, những tán cây lại che chắn khỏi gió bấc, mang đến sự ấm cúng bên bếp lửa hồng, đậm chất an nhiên của một chốn bình yên.
Người dân Thái Hải duy trì lối sống tự cung tự cấp theo truyền thống hàng ngàn đời của dân tộc mình. Họ tự trồng rau, cấy lúa, nuôi cá, chăn thả gia súc, sản xuất chè xanh, nấu rượu và thậm chí cả nước uống đóng chai. Khái niệm "organic" không cần phải nhắc đến ở đây, bởi chính việc quay trở lại với phương thức sản xuất cổ xưa đã là một cuộc cách mạng, mang lại nguồn thực phẩm sạch, bền vững và đảm bảo sinh thái.
"Cơm chung nồi, tiền chung túi": Ngôi làng hạnh phúc đích thực
Điểm đặc biệt và cũng là yếu tố cốt lõi làm nên "tinh thần" Thái Hải chính là mô hình cộng đồng độc đáo mang tên "cơm chung nồi, tiền chung túi". Khoảng 200 người dân trong làng cùng ăn chung, dùng đồ chung. Mọi khoản tiền kiếm được từ các hoạt động sản xuất, kinh doanh nông sản hay đón tiếp du khách đều được tự nguyện đóng góp vào quỹ chung của làng. Từ quỹ này, mọi chi tiêu sinh hoạt, nhu cầu thiết yếu của từng gia đình, từ ăn uống, chữa bệnh, vui chơi đến học hành của trẻ nhỏ đều được lo liệu. Ngay cả phương tiện đi lại cũng là xe chung, xóa bỏ mọi rào cản về vật chất và sự tị nạnh cá nhân.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hải, người sáng lập và gây dựng ngôi làng, đã đề ra một "luật lệ" đầy tính nhân văn: mỗi người chỉ làm công việc mình giỏi nhất. Người giỏi chăn nuôi chuyên tâm chăn nuôi, người giỏi làm thuốc chữa bệnh cho cả làng, người giỏi giao tiếp thì đón tiếp khách du lịch. Điều này không chỉ tối ưu hóa năng suất mà còn củng cố tinh thần đoàn kết, yêu thương và hỗ trợ lẫn nhau.
Mỗi ngày ở Thái Hải bắt đầu từ 5 giờ sáng với tiếng mõ vang vọng gọi cả làng thức giấc. Đàn ông cời bếp, thổi lửa, mài dao; phụ nữ ra giếng làng lấy nước, đun nước pha trà. Sau bữa sáng chung, mọi người tỏa đi làm công việc của mình: người lấy củi, trồng rau, chăn nuôi, người đánh bắt cá, người đón khách, trẻ nhỏ đến lớp học.
Đối với du khách, Làng Thái Hải mang đến một trải nghiệm hòa mình thực sự vào đời sống bản địa. Du khách có thể cùng bà con trồng rau, hái chè, dựng nhà sàn, thả lưới bắt cá, múa chày giã cốm hay tham gia vào các nghi lễ, tập tục văn hóa như mừng mùa mới, lễ xuống đồng. Những món ăn độc đáo được chế biến hoàn toàn từ thực phẩm tự cung tự cấp của làng như khâu nhục, lợn quay, canh gà nấu mẻ, mầm lạc, sâu chít… để lại ấn tượng khó phai.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)