Theo giải thích của một số người lớn tuổi thì “ô” là đen, “môi” là thịt, vì trái của nó đen từ vỏ ngoài cho đến phần cơm bên trong, cái tên ô môi cũng được gọi từ đó.
Khi nước bắt đầu rút sau lũ, gió chướng hây hẩy lạnh con đường làng dần khô ráo và tiết trời bắt đầu sang đông là những cành ô môi trổ bông thành từng chùm màu hồng trông rất nên thơ và lãng mạn. Đặc biệt, ô môi rụng hết lá rồi mới trổ bông, bông trổ trên cành dài mấy sải tay nhìn giống như hoa đào vậy. Người dân quê hay để những cây ô môi mọc lớn tự nhiên tại các bến nước, bến đò…. Cho nên, ở một số địa phương ở miền Tây vẫn có các bến đò mang tên bến đò Ô Môi (Ô Môn-Cần Thơ). Người dân qua lại các bến đò đông đúc, thi thoảng nhìn bông ô môi trên cành cũng hay hay, hòa quyện con sông, bến nước, cỏ hoa và con người là vậy.
Tên ô môi nghe quê mùa, nhưng sắc bông của nó thật quý phái, đẹp tuyệt trần. Không đẹp và lãng mạn sao được khi các chàng trai, cô gái ở miền quê hay chọn gốc cây ô môi mùa đông để liếc mắt, hẹn hò,… Cây ô môi, tên nghe vô cùng dân dã, là cây ăn trái không hiệu quả kinh tế lắm, từ trổ bông cho đến thu hoạch trái hơn tám tháng.
Phần lớn, ô môi mọc tự nhiên chứ hiếm người trồng. Giữa mùa xuân, cây ô môi rụng lá và trổ bông, kết trái cho đến tận đầu mùa hạ năm sau trái mới chín Muốn ăn trái ô môi thì phải biết cách róc ô môi.
Trái ô môi có hai đường gân chạy dài từ đầu trái cho đến cuống trái, giống như cây thang trèo vậy. Người ta róc sạch hai mép vỏ mềm. Sau đó, ép hai đường gân đôi bên cho xệu xạo, rồi mới lấy múi ô môi đen lánh nhựa (tròn tròn như đồng tiền) bỏ vào miệng nhai ngấu nghiến có vị ngòn ngọt, cay nồng.
Chè hạt ô môi nấu với đậu xanh là một món ăn dân dã, có vị ngọt thơm rất đặc trưng. Những đêm rằm trăng sáng vằng vặc, thú vị biết bao khi trải chiếc đệm trước sân nhà, cùng bạn bè quây quần thưởng thức chén chè hạt ô môi đậu xanh nóng hổi, thơm ngát. Xa xa đâu đó vọng lại bài ca vọng cổ của soạn giả Viễn Châu nghe buồn da diết: “….Ô môi rụng cánh ngoài sân. Mấy mùa hoa nở mấy năm đợi chờ….Ô môi rụng cánh tơi bời. Chuông tắt lâu rồi, tôi còn đứng mong ai!!…”
Về quê ngay đầu mùa hạ này, thỉnh thoảng bắt gặp vài nơi ở miệt vườn miền Tây có hàng tạp hóa trên con đường làng trưng bày trong cái sề bán những trái ô môi chín, vì từ đầu mùa hạ là vào mùa thu hoạch trái ô môi. Cảnh vật ấy sẽ làm ai đi xa nhớ lại khi còn nhỏ, mẹ thường mua trái ô môi cho ăn. Đơn giản vì cái vị ngòn ngọt, cay nồng của nó. Nó phải kết tinh trong suốt một năm trời, nên hương vị thơm là lạ đặc trưng không lẫn vào đâu được.
Theo Depplus.vn/MASK