Rừng tràm Trà Sư có diện tích 845 ha, phần lớn thuộc xã Văn Giáo, huyện Tịnh Biên và một phần thuộc xã Ô Long Vỹ, huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Đây là rừng ngập nước tiêu biểu cho vùng đất Tây sông Hậu, có tác dụng rất quan trọng đối với môi trường nước và điều hòa khí hậu cho cả vùng Bảy Núi.
Nơi đây, cứ mỗi độ xuân về lại ngập chìm trong sắc màu của hoa tràm trắng tinh khôi, loài cây đặc trưng của vùng đất mệnh danh “thiên đường xanh ngập nước”. Rừng tràm Trà Sư còn là nơi sinh sống của nhiều loài động vật, thực vật thuộc hệ thống rừng đặc dụng Việt Nam.
Ngày nay, rừng tràm Trà Sư được đưa vào khai thác du lịch sinh thái, trải nghiệm, khám phá nên được đầu tư, cải tạo cảnh quan rất ấn tượng và độc đáo. Đặc biệt là chiếc cầu tre “vạn bước”, có tổng chiều dài hơn 10 km, đạt kỷ lục chiếc cầu tre dài nhất Việt Nam.
Chiếc cầu tre này từ khi đưa vào khai thác đã làm thay đổi hoàn toàn diện mạo của khu rừng tràm, thu hút rất nhiều sự quan tâm của du khách nhất là khách quốc tế vì tính độc đáo và nét duyên dáng của công trình. Không chỉ vậy, cầu tre được cách điệu tựa "Rồng trúc bạch" mang lại một cảm giác thích thú cho mọi người khi được khám phá trọn vẹn cảnh quan thiên nhiên nguyên sinh trù phú ở "Bảo tàng tràm nhiệt đới".
Tại trung tâm rừng tràm là khu vực nhà hàng với các chòi lá nhỏ nằm men theo bờ kênh, phục vụ các món ăn đặc sản mùa nước nổi như: Chuột nướng lu, cá chạch nướng, cá lóc nướng trui, gỏi sầu đâu cá sặc, cá nàng hai chiên giòn,…
Đài quan sát rừng tràm Trà Sư.
Rừng tràm Trà Sư có một đài quan sát cao 30m, mà khi đứng từ đài này, du khách có thể quan sát toàn cảnh bằng kính viễn vọng (tầm nhìn xa 25km), với bức tranh rừng tràm rộng mênh mông, bất tận. Quanh khu vực rừng tràm, thấp thoáng xa xa còn có khá nhiều ngôi làng của đồng bào Khmer và người Kinh cùng sinh sống, nổi tiếng với những làng nghề thủ công mỹ nghệ đặc sắc như dệt lụa Khmer siêu, thổ cẩm, làng nuôi ong mật, khu tinh cất tinh dầu tràm…
Thành phố bồ câu.
Ngoài ra, ở rừng tràm Trà Sư còn có thành phố bồ câu và hồ cá thần rất được du khách yêu thích. Thành phố bồ câu được ví như thành phố Châu Âu thu nhỏ. Ở đây với hơn 500 cư dân chim bồ câu sinh sống, tạo một khung cảnh rất nên thơ. Địa điểm này rất được nhiều du khách chọn check-in lưu giữ lại những khoảng khắc đẹp. Ngoài ra, du khách có thể trải nghiệm cho bồ câu ăn và chụp hình với chúng.
Hồ cá thần.
Hồ cá thần quy tụ các loại cá tiêu biểu của vùng sông nước Mekong, tại đây du khách có thể trải nghiệm dịch vụ cho cá ăn với các gói thức ăn có sẵn.
Nên đến Rừng tràm Trà Sư vào thời gian nào?
Rừng tràm Trà Sư đẹp nhất vào mùa nước nổi từ tháng 8 đến tháng 11. Vào mùa này, du khách sẽ được du ngoạn trên những chiếc xuồng ba lá bồng bềnh trên dòng nước và bèo đặc biệt tươi xanh. Nên ghé thăm và du ngoạn rừng tràm vào khoảng thời gian từ 7 - 9 giờ sáng hoặc 2 - 4 giờ chiều để chuyến tham quan an toàn, tiện lợi.
Hoàng Khuông (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)