Chùa Thanh Tâm (TP.HCM)
Trong danh sách các địa điểm tôn trí xá lợi Phật lần này, chùa Thanh Tâm tại TP.HCM là nơi đầu tiên được vinh dự đón nhận và mở cửa cho công chúng chiêm bái. Chỉ trong sáu ngày, từ 3 đến 8/5 vừa qua, đã có hàng triệu lượt tăng ni, Phật tử và người dân tìm đến ngôi chùa này để bày tỏ lòng thành kính trước bảo vật thiêng liêng.
Xá lợi Phật - bảo vật quốc gia của Ấn Độ được tôn trí tại 4 ngôi chùa ở Việt Nam
Chùa Thanh Tâm, ban đầu có tên Bát Bửu Phật Đài, được xây dựng từ năm 1956 trên khu đất do cư sĩ Ngô Chí Bình hiến tặng. Công trình này được xây dựng nhằm tôn trí pho tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đồ sộ, cao 4,8m, nặng 4 tấn, đặt trên đài sen cao 1,2m. Lịch sử ngôi chùa ghi dấu ấn sâu sắc khi chiến tranh năm 1965 gần như san bằng toàn bộ công trình, nhưng kỳ diệu thay, pho tượng Phật vẫn đứng vững giữa cánh đồng hoang tàn. Hình ảnh linh thiêng này đã khiến người dân quen gọi nơi đây là chùa Phật Cô Đơn.
Sau năm 1975, chùa Phật Cô Đơn thu hút đông đảo du khách và Phật tử đến chiêm bái, cầu nguyện cho quốc thái dân an. Ngày nay, dưới sự tái thiết của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Thanh Tâm đã trở thành một trung tâm tu học quan trọng dành cho ni sinh thuộc Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM. Với không gian yên tĩnh, thanh bình, chùa không chỉ là nơi tu học mà còn là điểm đến tâm linh lý tưởng, mang lại cảm giác an lạc cho Phật tử và du khách gần xa.
Chùa Quán Sứ (Hà Nội)
Cách xa Sài Gòn, tại trái tim thủ đô Hà Nội, chùa Quán Sứ là một trong những ngôi chùa cổ kính và linh thiêng bậc nhất, cũng là một trong những địa điểm được chọn để tôn trí xá lợi Phật. Theo Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ được xây dựng từ khoảng thế kỷ XIV - XV dưới thời vua Lê Thế Tông. Với lịch sử hàng trăm năm, chùa không chỉ là một danh lam cổ tự mà còn có vai trò đặc biệt quan trọng khi là trụ sở văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Chùa Quán Sứ là nơi thường xuyên được lựa chọn để tổ chức nhiều sự kiện quan trọng của Phật giáo, cả trong nước và quốc tế, như các hội nghị, hội thảo nghiên cứu Phật học, các vấn đề liên quan đến sự ảnh hưởng của tư tưởng Phật giáo.
Tọa lạc tại số 73 phố Quán Sứ, phường Trần Hưng Đạo, chỉ cách hồ Hoàn Kiếm khoảng 1km, chùa Quán Sứ mang vẻ đẹp cổ kính, hài hòa với bố cục kiến trúc "nội công ngoại quốc" đặc trưng. Khung cửa được thiết kế bằng gỗ quý tạo nên sự cổ kính, trang nghiêm. Ngôi chùa gồm nhiều hạng mục chính: tam quan, chính điện, thư viện, nhà khách, giảng đường và tăng phòng. Tam quan chùa nổi bật với ba tầng mái, ở giữa là lầu chuông, lợp ngói vảy cá đỏ. Không gian chính của chùa được xây dựng theo hình vuông gồm hai tầng với hành lang dài bao quanh, trong đó Tòa Tam Bảo được đặt tại tầng hai với các pho tượng Phật lớn, thếp vàng được bài trí trang nghiêm theo từng bậc. Với bề dày lịch sử và vai trò là trung tâm của Phật giáo Việt Nam, chùa Quán Sứ là một điểm hành hương linh thiêng và đầy ý nghĩa.
Chùa Tam Chúc (Hà Nam)
Chùa Tam Chúc tại tỉnh Hà Nam là một trong những địa điểm được nhắc đến trong danh sách tôn trí xá lợi Phật lần này, nổi bật với quy mô đồ sộ và kiến trúc ấn tượng giữa một quần thể thiên nhiên hùng vĩ. Theo Cổng thông tin Phật giáo, quần thể chùa Tam Chúc rộng gần 5.100ha, bao gồm gần 1.000ha hồ nước, 3.000ha núi đá và rừng tự nhiên. Riêng khu vực chùa chính rộng 144ha, quy tụ nhiều công trình kiến trúc Phật giáo quy mô lớn.
Các công trình tiêu biểu tại chùa Tam Chúc bao gồm chùa Ngọc, điện Tam Thế, điện Pháp Chủ, điện Quan Âm, cổng Tam Quan và Trung tâm Hội nghị quốc tế. Đặc biệt, chùa Ngọc tọa lạc trên đỉnh núi Thất Tinh cao 468m là một kiệt tác kiến trúc đá độc đáo. Ngôi chùa này được xây dựng hoàn toàn bằng đá khối xếp liền nhau thành một khối nặng tới 2.000 tấn, do các nghệ nhân Ấn Độ chế tác. Các điện chính như Tam Thế (cao 45m với 3 tầng mái cong, mặt sàn 5.400m², đủ đón 5.000 Phật tử), Pháp Chủ (cao 31m, 2 tầng mái cong, 3.000m²), Quan Âm (cao 30,5m, 3.000m²) và cổng Tam Quan (cao 28,8m, 3 tầng mái cong) đều mang kiến trúc đình chùa Việt truyền thống nhưng với quy mô hiện đại, hoành tráng.
Núi Bà Đen (Tây Ninh)
Điểm đến thứ tư và cũng là nơi xá lợi Đức Phật được tôn trí ngay sau chùa Thanh Tâm là khu vực đỉnh núi Bà Đen tại tỉnh Tây Ninh. Từ ngày 8 đến 13/5, bảo vật thiêng liêng này đã được tôn trí tại Trung tâm triển lãm Phật giáo trên đỉnh núi.
Núi Bà Đen, với độ cao 986m, là ngọn núi cao nhất Nam Bộ và mang ý nghĩa tâm linh đặc biệt sâu sắc đối với người dân miền Nam. Việc tôn trí xá lợi Phật trên đỉnh núi càng làm tăng thêm sự thiêng liêng cho điểm hành hương nổi tiếng này.
Tại khu vực đỉnh núi Bà Đen còn có một công trình nổi bật khác là pho tượng Bồ tát Quan Âm khổng lồ. Tượng được chế tác từ 170 tấn đồng, sử dụng công nghệ ép cao áp tiên tiến nhất châu Âu. Công trình này đã xác lập nhiều kỷ lục ấn tượng: Tượng Phật đồng cao nhất Việt Nam trên đỉnh núi và tượng Phật đồng cao nhất châu Á trên đỉnh núi. Sự hiện diện của xá lợi Phật cùng pho tượng Bồ tát Quan Âm đồ sộ đã biến đỉnh núi Bà Đen trở thành một trung tâm tâm linh độc đáo, thu hút hàng vạn lượt người hành hương và chiêm bái.
T.Hà (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)