Xét về tổng thể thì bộ phim có độ giống nguyên tác khá cao, đa số các chi tiết đều khớp với tiểu thuyết, không hề có cảm giác “rẻ tiền”. Tính cách ngoài đời của nữ chính Quan Hiểu Đồng ít nhiều cũng có điểm tương đồng với Ban Họa, thuộc tuýp con gái hoạt bát, thẳng tính, có gì nói đó, mạnh mẽ không thua kém đàn ông.
Nhưng ngoại hình của Hầu Minh Hạo lại thiên về loại hình chú cún con đáng yêu hơn, hơi thiếu chút khí chất gian xảo. Trước kia bộ phim cổ trang “Trần Thiên Thiên trong lời đồn” đã nổi lên nhờ đề tài cổ trang nữ chính có tính cách độc đáo, còn lần này “Ta chính là người con gái như thế đấy” cũng có những ưu thế nổi trội của nó.
Khi phái nữ có quyền có thế
Trong “Ta chính là cô nương như vậy”, cuộc gặp gỡ giữa nam nữ chính không phải là tình tiết tình cờ cũ rích, mà là sự tính toán của Dung Hà (Hầu Minh Hạo đóng) và sự kỳ cục khó hiểu của Ban Họa. Tiếp đó, hai người nhiều lần gặp nhau, cũng vì Ban Họa có siêu năng lực mơ thấy trước tương lai, thế nên mới tình cờ gặp gỡ có mục đích trong nhiều lần kiểm nghiệm liên tục. Thiện cảm mà Ban Họa dành cho Dung Hà là do sở thích đặc biệt của nàng đối với các nam mỹ. Tư tưởng mới mẻ này đã phá bỏ định nghĩa cứng nhắc về con gái.
Hầu Minh Hạo vai nam thần Dung Hà của phim.
Trong xã hội đương đại, đàn ông chọn người yêu, chọn vợ, thường là nhìn ngoại hình người khác để “lựa chọn”. Họ đánh giá một cách chủ quan về mắt, mũi và cả vóc dáng của con gái. Nói cách khác, trong xã hội nam quyền, đàn ông hoàn toàn là định hướng của tư tưởng thẩm mỹ dành cho con gái. Thậm chí ngay cả việc phẫu thuật thẩm mỹ cũng ít nhiều là để phục vụ cho nam giới.
Ví dụ như đàn ông cho rằng con gái mặt trái xoan, gầy mới là đẹp nên các cô gái thi nhau dùng đủ mọi cách để mặt mình gầy đi, nhỏ đi, cho dù là thông qua các công cụ trên mạng hay là đi phẫu thuật chỉnh hình. Cuối cùng đều là để thể hiện ra một diện mạo mà đàn ông coi là đẹp.
Ban Họa khác với quy chuẩn của nhiều tiểu thư thời cổ đại.
Bộ phim phá bỏ những mô thức cũ kỹ đó, Ban Họa chọn phu quân, cũng chỉ nhìn mặt đẹp, chọn hết các mỹ nam trong thiên hạ cũng đã trở thành một đặc quyền của nàng. Tuy đã bị từ hôn 3 lần nhưng ý muốn không đổi, vẫn muốn chọn một mỹ nam làm phu quân của mình. Về điểm này thì Ban Họa có điểm tương đồng với Trần Thiên Thiên, trong khi tất cả các bộ phim khác đều tâng bốc đàn ông có tiền có quyền thì bộ phim này đã cho thấy, phụ nữ khi có tiền có quyền thì sẽ sống như thế nào?
Còn thái độ đối với việc bị từ hôn cũng đã phản ánh một vấn đề khá nhạy cảm trong xã hội hiện nay, đó chính là con gái liệu có nên bị gia đình ép cưới? Không lấy chồng thì sẽ trở thành gái ế? Về điểm này thì cha mẹ của Ban Họa cực kỳ tiên tiến, là tấm gương cho các ông bố bà mẹ trong thiên hạ. Họ cho rằng khi con gái đối diện với việc bị người khác từ hôn, điều đầu tiên không phải là trách mắng con gái mình, không đổ hết nguyên nhân bị từ hôn cho con gái mình mà phải trách kẻ phụ bạc kia, điều này rất đáng khen ngợi.
Cha mẹ Ban Họa cho rằng, việc con cái của mình lớn lên khỏe mạnh, vui vẻ còn tốt hơn nhiều cái thể diện hão kia. Thế là cảnh cả nhà tới tìm tên vị hôn phu phụ bạc kia tính sổ cũng trở thành điểm gây cười của cả bộ phim. Thực ra cùng với việc khán giả cười ngả nghiêng với tình tiết ấy thì cũng sẽ có sự ngưỡng mộ gia đình Ban Họa lúc nào cũng đoàn kết, hòa hợp, có tình yêu thương lẫn nhau như thế.
Nữ chính Ban Họa thậm chí còn tự xưng là “trái ớt nhỏ chốn nhân gian”, là kiểu người gặp ai là cà khịa người đó, nhưng so với những thể loại “trà xanh” của những gia đình danh môn xung quanh mà nói thì Ban Họa lại là một cô gái gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn. Địa vị của nàng cao hơn những người con gái khác, luôn luôn giữ được sự tự tin mọi lúc mọi nơi, cho dù là bị từ hôn thì cũng vẫn phải trang điểm lộng lẫy để đi dự tiệc, quyết không cho người khác cơ hội nói mình nửa câu.
Thế nên nàng đã thể hiện được con gái sống có khí chất nhất trong những tình huống như thế nào? Thứ nhất, nàng thấy bản thân mình xinh đẹp nhất thiên hạ, có thể lấn át quần chúng. Thứ hai, gia cảnh của nàng giàu có, có thể dùng các loại mỹ phẩm xa xỉ, được mặc những bộ quần áo lộng lẫy đắt tiền. Thứ ba, phải có năng lực phản kháng, phòng ngự đối với những lời đồn thổi của thiên hạ.
Ban Họa xây dựng hình tượng nữ chính mạnh mẽ, độc lập, kiên định.
Có chút thay đổi so với nguyên tác
Thứ nhất, trong phim, tình cảm mà Ban Họa dành cho Dung Hà có chút khác biệt so với nguyên tác, điểm khác biệt này khá là nhỏ. Trong tiểu thuyết, Ban Họa đem lòng hâm mộ và sùng bái nhiều hơn là đam mê nhan sắc của Dung Hà, có thể nói là hình tượng của Dung Hà trong tiểu thuyết có lẽ là cao hơn trong phim một chút. Nhưng trong phim, tình cảm giữa Ban Họa và Dung Hà lại giống kiểu “oan gia ngõ hẹp” hơn, trong những lần đấu đá, trêu đùa lẫn nhau, những lần cùng nhau đối diện với hiểm nguy, dần dần trưởng thành. Là một quá trình cùng nhau trưởng thành từ những năm tháng thiếu niên thanh xuân.
Thứ hai, đứa em trai ngốc nghếch của Ban Họa - Ban Hằng (Lý Tông Lâm đóng) dường như có sự thay đổi trong tuyến tình cảm. Sự mờ ám giữa Ban Hằng và nhị tiểu thư nhà họ Tạ - Tạ Uyển Du (An Vịnh Sướng đóng) đã manh nha ngay từ những tập đầu nhưng trong tiểu thuyết thì hoàn toàn không có.
Thứ ba, diễn xuất của Quan Hiểu Đồng dành cho vai diễn Ban Họa dường như có chút vấn đề. Trong nguyên tác, hình tượng tính cách nhân vật của Ban Họa xinh đẹp là “một cô gái kỳ lạ không câu nệ tiểu tiết” nhưng Ban Họa phiên bản Quan Hiểu Đồng dường như lại có chút nhỏ mọn, lúc nào cũng huênh hoang, ngang ngược vô lý. Ví dụ như khi nàng cưỡi ngựa trên đường, gặp phải người đi đường lại để ngựa tăng tốc độ nhảy qua, có thể thấy trong mắt nàng, mạng người khác cũng chỉ như cỏ rác.
Đoạn này trong tiểu thuyết không hề như vậy, Ban Họa và em trai đều cưỡi ngựa rất bình thường, không hề phi nhanh trên phố đông người. Hơn nữa, khi gặp những người phụ nữ cần giúp đỡ trên đường, Ban Họa còn tiện tay giúp đỡ, như thế mới thể hiện được tấm lòng lương thiện của nàng. Hình tượng của Ban Họa đáng lẽ phải là một người nội tâm ấm áp, thiện lương nhưng ngoài mặt lạnh lùng, khó gần.
Điểm này có lẽ chuyển thể đã thay đổi chưa được tốt, vì như thế sẽ khiến người xem hiểu lầm rằng Ban Họa là một nhân vật ngốc hay gây chuyện. Hơn nữa đây là ấn tượng đầu tiên mà người xem dành cho Ban Họa, sự thay đổi như thế đã thay đổi hoàn toàn tính cách nhân vật, không có lợi cho việc nhào nặn tính cách nhân vật.
Thứ tư, điều này không thể không chê trách được, cuốn sổ mỹ nam và cả biểu cảm của Quan Hiểu Đồng khi nhìn thấy Dung Hà đều thể hiện rõ mồn một hai chữ “đói khát”. Nhưng trong tiểu thuyết, Ban Họa không hề háo sắc như thế, đáng lẽ là khi nàng đi chôn vàng bạc châu báu vô tình gặp Dung Hà, rồi mới động lòng khi phát hiện khí chất phi phàm của người con trai này.
Đặc biệt là Ban Họa trong phim, đã dùng khinh công nhảy qua Dung Hà rồi lại còn quay lại nhìn một cái, tình tiết này quả thực không hợp lý, phá vỡ hình tượng lạnh lùng, xinh đẹp của Ban Họa, trở thành một người con gái nhỏ nhen thiếu thốn đàn ông.
“Ta chính là cô nương như vậy” mới lên sóng được 3 ngày thì đã cập nhật tới tập thứ 10 rồi, không thể không nói tiến độ này quả thực rất nhanh. Cả bộ phim có 40 tập, khoảng 2 tuần là có thể ra tập cuối rồi. Tiết tấu tổng thể của câu chuyện khá nhanh, xuất hiện nhiều kịch tính, không được liền mạch cho lắm nhưng biên kịch đã nắm khá tốt phong cách “hài kịch nhẹ nhàng” nên khi xem phim lúc nào cũng có thể cười, có thể nói đây là một bộ phim khá dễ nghiện.
Vũ Phong (Theo Thương Hiệu và Pháp Luật)